Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ oanh kích nhóm chủ chiến gần đập nước chiến lược ở Iraq


Lực lượng Kurdistan đứng gác gần Đập Mosul ở thị trấn Chamibarakat bên ngoài thành phố Mosul, Iraq, ngày 17 tháng 8, 2014.
Lực lượng Kurdistan đứng gác gần Đập Mosul ở thị trấn Chamibarakat bên ngoài thành phố Mosul, Iraq, ngày 17 tháng 8, 2014.

Các lực lượng quân đội Hoa Kỳ thực hiện các cuộc oanh kích ngày thứ nhì liên tiếp trong 2 ngày để trợ lực cho các chiến binh người Kurd trong khi họ tìm cách giành lại quyền kiểm soát một đập nước chiến lược ở miền bắc Iraq đang nằm trong tay các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng 14 cuộc tấn công hôm Chủ nhật đã phá hủy hoặc gây hư hại cho các chiến xa, xe bọc thép và một chốt kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Hoa Kỳ cho biết đã sử dụng các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái trong các vụ tấn công mới nhất, ngoài ra còn có 9 cuộc tấn công được thực hiện hôm thứ Bảy.

Các chiến binh người Kurd tuyên bố họ đã chiếm lại một nửa lãnh thổ nằm về hướng đông của đập nước Mosul trên sông Tigris, con đập cung cấp thủy điện vào thủy lợi cho phần lớn khu vực này. Tuy nhiên các binh sĩ Kurd cho biết thế tiến công của họ bị chậm lại vì bom mìn các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo, chiếm đóng đập nước trước đây trong tháng, cài đặt khi rút lui.

Hôm thứ Bảy những người mục kích cho biết nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã tàn sát 80 người trong một vụ tấn công ở làng Kocho thuộc miền bắc Iraq, phần lớn trong số này là người thuộc nhóm tôn giáo thiểu số Yazidi.

Hoa Kỳ đã mở các cuộc không kích lần đầu tiên nhắm vào các phần tử nổi dậy hồi đầu tháng này, một phần là để ngăn chận việc giết hại hàng ngàn người thuộc tôn giáo thiểu số này trong khi họ kẹt trên núi Sinjar ở miền bắc Iraq.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã hội đàm với Tổng thống khu vực người Kurd ở Iraq, Massoud Barzani. Ngoại trưởng Steinmeier cho biết Đức đã dành thêm ngân khoản viện trợ nhân đạo cho những người chạy lánh nạn các phần tử chủ chiến Hồi giáo.

Ông Barzani mô tả những việc đang diễn ra trong khu vực này là một "tình huống bi thảm."

Các cơ quan cứu trợ đang gia tăng các hoạt động nhân đạo ở Iraq để đáp ứng với tuyên bố gần đây của Liên Hiệp Quốc rằng tình trạng khủng hoảng dời cư trong nước đã lên đến mức khẩn cấp nhất. Trong năm nay đã có khoảng 1,2 triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn để trốn chạy các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến.

Một số người chạy trốn tình trạng bạo động nói họ rất cần viện trợ nhân đạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG