Đường dẫn truy cập

Iraq chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập giữa tình hình căng thẳng


Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Hoshyar Zebari (Trái) đón tiếp Ngoại trưởng Algeria Mourad Medelci (phải) đến Baghdad, ngày 27/3/2012
Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Hoshyar Zebari (Trái) đón tiếp Ngoại trưởng Algeria Mourad Medelci (phải) đến Baghdad, ngày 27/3/2012

Vào lúc Iraq chuẩn bị chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh trong tuần này của các nhà lãnh đạo Ả Rập ở Baghdad, căng thẳng về vụ xung đột ở Syria và các vấn đề nội bộ của Iraq đe dọa đào sâu mối chia rẽ thay vì thúc đẩy hòa hợp. Thông tín viên VOA Edward Yeranian tường thuật từ Cairo.

Iraq sắp chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập lần đầu tiên từ năm 1990, chỉ vài tháng trước khi Saddam Hussein xâm lăng nước láng giềng Kuwait. Dây cũng là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của liên đoàn kể từ khi phong trào Mùa xuân Ả Rập tràn qua khu vực hồi năm ngoái và diễn ra trong lúc tình hình căng thẳng tiếp tục vì vấn đề Syria. Cuộc họp chính của các nhà lãnh đạo Ả Rập dự trù diễn ra vào ngày thứ năm.

Trong khi một vài nhà phân tích trông đợi các giới chức Ả Rập ném bát đĩa vào nhau như họ đã làm tại một dạ tiệc tại hội nghị thượng đỉnh kỳ trước ở Iraq, nhiều người cho rằng tình hình căng thẳng đang sôi sục.

Học giả về Trung Đông Fouad Ajami thuộc Học viện Hoover nói rằng Ả Rập Sê-út đã đánh một cú mạnh vào cuộc họp thượng đỉnh năm nay qua việc loan báo sẽ phái một đại sứ tại Liên đoàn Ả Rập, chứ không phải một nhà lãnh đạo của Vương quốc đại diện cho họ. Vị học giả này nói, “Hành động đó cho thấy rõ là đây không phải là một hội nghị thượng đỉnh.”

Trong nỗ lực thiết lập thiện chí trong khu vực, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã tiến hành các biện pháp giải quyết các xung đột tài chính với đã có từ lâu nay với Kuwait và Ai Cập. Tiểu vương Kuwait, Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah dự trù sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Baghdad.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đánh dấu một chặng quan trọng về tôn giáo. Iraq hiện do người Shia lãnh đạo. Ngoại trừ ông Maliki, các nhà lãnh đạo dự hội nghị là người Hồi giáo Sunni.

Nhưng Iraq đang chật vật dưới sự chia rẽ phe phái đã ảnh hưởng đến chính sự nội bộ, trong đó người Sunni than phiền bị loại ra khỏi chính phủ của ông Maliki.

Chuyên gia Ajami nói trong khi ông Maliki “nóng lòng muốn nhận được một dấu ấn hợp pháp từ phía các quốc gia Ả Rập của người Sunni, thì có nhiều phần chắc hơn sẽ nhận được sự miệt thị vì đã “gạt ra ngoài lề cộng đồng người Sunni của chính mình.”

Ông Khattar Abou Diab, giảng dậy về khoa học chính trị tại trường Đại học Paris, nói rằng liên minh ngày càng nẩy nở của ông Maliki với Iran, và sự kiện ông không muốn dung hào với khối thiểu số người Sunni ở Iraq, đang đẩy Iraq ra khỏi con đường chính mạch của các quốc gia Ả Rập.

Ông Abou Diab nói ông Maliki đã không có một cử chỉ hòa hoãn để giải quyết các xung đột chính trị nội bộ và điều đó gây cảm tưởng thách thức đối với các nước Ả Rập trong vùng Vịnh.

Việc Syria tiếp tục trấn át phe đối lập dự trù sẽ bao trùm hội nghị.

Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari hạ giảm tầm quan trọng của những lời cáo giác của người Ả Rập Sunni nói rằng Baghdad về phe chính phủ Syria. Ông nói với các phóng viên hôm thứ hai rằng Iraq đã có “nhiều cuộc tiếp xúc với phe đối lập.”

Oâng Riad Kahwaji thuộc Viện Phân tích quân sự Cận Đông và vùng Vịnh nói cuộc đàn áp ngày càng đẫm máu ở Syria đang châm ngòi cho một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Iran và các đồng minh, là khối ủng hộ chính phủ Syria, và Ả Rập Sê-út cùng các đồng minh, là phe ủng hộ cuộc nổi dậy.

Ông Kahwaji nói: “Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào một thời điểm khi chúng ta có một thứ như chiến tranh lạnh đang diễn ra trong vùng. Một bên thì chúng ta có Iran và các nước mà chính phủ do người Shia thống trị hoặc có các thành phần phi nhà nước người Shia, như Hezbollah, và một bên ta có Ả Rập Sê-út, các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, và một số nước Ả Rập khác thân tây phương và cũng chủ yếu do người Sunni thống trị.”

Trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Iraq đã tăng cường an ninh tại Baghdad, đóng cửa các cây cầu và đường sá chính, và cho dân chúng được nghỉ lễ suốt tuần.

Các phần tử chủ chiến Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về một loạt các vụ đánh bom tuần trước nhằm cho thấy sự bất ổn trong chính phủ. Iraq đã bố trí hàng chục ngàn lực lượng an ninh để đề phòng bạo động trong thời gian hội nghị thượng đỉnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG