Đường dẫn truy cập

Hoa hậu Hồi giáo đối chọi Hoa hậu Thế giới


Thí sinh Obabiyi Aishah Ajibola, người Nigeria 21 tuổi, đăng quang hoa hậu Hồi giáo 'Miss Muslimah' 2013 gồm 2,000 đôla tiền thưởng và một chuyến du lịch đến Mecca và Ấn Ðộ.
Thí sinh Obabiyi Aishah Ajibola, người Nigeria 21 tuổi, đăng quang hoa hậu Hồi giáo 'Miss Muslimah' 2013 gồm 2,000 đôla tiền thưởng và một chuyến du lịch đến Mecca và Ấn Ðộ.
Tại Indonesia, ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Thế giới” đã khuất phục trước áp lực của những người Hồi giáo chủ trương cứng rắn và dời cuộc thi qua đảo Bali mà đa số dân chúng theo Ấn giáo. Nhưng tại thủ đô Indonesia, phụ nữ Hồi giáo từ khắp hoàn cầu đã lên sân khấu tranh tài trong một cuộc thi Hoa hậu Thế giới riêng của họ. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb gửi về bài tường thuật sau đây.

Tại cuộc thi hoa hậu Miss Muslimah 2013, những chiếc khăn choàng dài chấm đất - chứ không phải những bộ áo tắm hai mảnh bikini – là trang phục chính thức trên sân khấu.

Cuộc thi được cho là 'lời đáp của Hồi giáo với cuộc thi Hoa hậu Thế giới' và gồm các thí sinh đến từ tận những nơi xa như Iran và Nigeria.

Bà Eka Shanti, một người từng làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình Indonesia sáng lập cuộc thi sau khi bị mất việc vì không chịu cởi bỏ chiếc khăn trùm đầu khi lên truyền hình.

Bà Shanti nói cuộc thi ở Jakarta được tổ chức để cố ý thách thức cuộc thi Hoa hậu Thế giới gây nhiều tranh cãi ở Bali. Bà lập luận rằng Muslimah, quảng bá cho một khái niệm sắc đẹp để thay thế, mang tính khiêm nhường hơn.

Bà Andreas Harsono thuộc chi nhánh Indonesia của tổ chức Human Rights Watch nói cả hai cuộc thi Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Muslimah đều chủ yếu là những cuộc thi sắc đẹp và vì thế không khác nhau bao nhiêu.

“Hai cuộc thi đều nói về vẻ đẹp của phụ nữ, tuy rằng cuộc thi này mang nhãn hiệu Hồi giáo và đội khăn choàng vân vân, cũng là điều hay. Trong khi đó nếu cùng một lập luận được dùng để phản đối cuộc thi, là phơi bày tính dục, dĩ nhiên cuộc thi Hồi giáo này cũng có thể bị cho là phi-Hồi giáo. Ðây là một sự phân biệt hoàn toàn đi ngược lại với bất cứ cái gì bị gán cho nhãn hiệu là chống đạo Hồi.”

Bà Harsono nói giữ nguyên bề ngoài Hồi giáo cũng đang có khuynh hướng đi lên, với hơn 100 luật lệ của địa phương đòi hỏi phụ nữ phải đội khăn choàng.

Indonesia là quốc gia với khối dân đa số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới và nhiều người ở đây theo một hình thức đạo Hồi trung dung.

Nhưng những nhóm Hồi giáo theo chủ trương cứng rắn đã vũ trang chống lại các kế hoạch tổ chức vòng chung kết kỳ thi Hoa hậu Thế giới ở gần Jakarta.

Mô tả cuộc thi là “dâm ô,” người biểu tình đã đe dọa phá hoại cuộc thi và thậm chí còn đốt hình nộm ban tổ chức.

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã hứa sẽ bỏ phần thi áo tắm hai mảnh và dùng sarong thay thế, nhưng những người chủ trương cứng rắn vẫn không dịu giọng.

Chính phủ cuối cùng đã chịu thua, ra lệnh cho chuyển vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới qua đảo Bali với khối dân đa số theo Ấn giáo, và nơi cuộc thi đã khai mạc lúc đầu vào ngày 8 tháng 9.

Các đại sứ quán của Anh, Hoa Kỳ và Australia từ đó đã công bố các cảnh báo rằng các phần tử cực đoan vẫn có thể tấn công cuộc thi.

Bà Harsono nói quyết định cho thấy chính phủ đã không giữ được lập trường chống lại các phần tử cực đoan tôn giáo.

“Nó chứng tỏ các phần tử Hồi giáo cứng rắn có rất nhiều ảnh hưởng đối với chính phủ trong việc dời địa điểm cuộc thi Hoa hậu Thế giới… Nó cho thấy họ đạt được hiệu quả chỉ nhờ cuộc biểu tình với 1000, 2000 người, mà họ dời được cuộc thi qua Bali. Và ngay cả ở Bali, họ cũng muốn ngăn cản cuộc thi này.”

Đây là năm đầu tiên Muslimah nhận các thí sinh quốc tế và đây là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức kể từ năm 2011.

Cô Obabiyi Aishah Ajibola, một phụ nữ Nigeria 21 tuổi đã đoạt vương miện Hoa hậu Hồi giáo, gồm 2,000 đôla tiền thưởng và một chuyến du lịch đến Mecca và Ấn Ðộ.

Tại Ấn Ðộ, Ajibola sẽ giúp gây quỹ để giáo dục con em của những người hành nghề mại dâm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG