Đường dẫn truy cập

Indonesia đang xét đến ý kiến dời đô sang một nơi khác


Theo ước tính nạn kẹt xe trên đường phố Jakarta khiến xe cộ phải đứng yên tại chỗ cả giờ đồng hồ gây thiệt hại tới 1 tỉ 400 triệu đô la mỗi năm
Theo ước tính nạn kẹt xe trên đường phố Jakarta khiến xe cộ phải đứng yên tại chỗ cả giờ đồng hồ gây thiệt hại tới 1 tỉ 400 triệu đô la mỗi năm

Với một dân số gần 10 triệu người, thủ đô Jakarta của Indonesia dường như đang tràn ra ngoài khỏi đường ranh của nó. Để giải quyết vấn đề quá chật chội, các chính trị gia đang xét đến một ý kiến đã có từ lâu: đó là dời đô sang một nơi khác.

Giờ này Indonesia đang trong mùa mưa, và điều đó cho thấy trước mắt đầy rắc rối. Trong những lúc bình thường, xe hơi di chuyển trên đường phố Jakarta với một tốc độ trung bình 8,3 kilomét/giờ. Nhưng khi trời mưa, xe cộ có thể bị kẹt cứng đứng nguyên tại chỗ trong lúc những thanh niên trẻ lội nước đến đầu gối tìm cách đẩy các xe hơi và xe buýt nằm đường.

Một số ước tính cho biết nạn kẹt xe trên đường phố Jakarta khiến xe cộ phải đứng yên tại chỗ cả giờ đồng hồ gây thiệt hại tới 1 tỉ 400 triệu đô la mỗi năm vì phí phạm nhiên liệu.

Đô thị quá đông đúc còn gây ra những hệ quả khác: thành phố bị ô nhiễm nặng, khó tìm được nước sạch, và bởi nó nằm trong vùng đất lầy gần đại dương nên rất dễ bị nước biển dâng tràn ngập.

Vì vậy năm ngoái Tổng thống Sosilo Bambang Yudhoyono đòi mở cuộc nghiên cứu về việc đời thủ đô ra khỏi nơi đầy nạn kẹt xe.

Đô trưởng Jakarta Fauzi Bowo không tin rằng ý tưởng dời đô sẽ cải thiện được tình trạng ở thành phố lớn nhất nước này. Ông phát biểu:

“Tôi rất mừng nếu như một số cơ sở của chính phủ trung ương sẽ được dời ra bên ngoài thủ đô Jakarta, nhưng điều đó không có nghĩa là những vấn đề rắc rối của Jakarta sẽ bớt đi.”

Những vấn đề đó không có dấu hiệu là sẽ sớm giảm bớt trong nay mai. Mỗi ngày có thêm 500 xe hơi và chừng 1.500 xe gắn máy mới được đăng ký tại Jakarta, trong lúc nỗ lực thiết lập một hệ thống giao thông công cộng đang bị trì chậm không bắt kịp thời biểu. Ngoài những người dân sống trong thành phố, mỗi ngày còn có hơn 1 triệu người di chuyển từ ngoại ô vào trong thành phố để làm việc hay đi học.

Thành phố cũng không có đủ đường sá để cung ứng cho nhu cầu di chuyển của người dân, và cơ sở hạ tầng rệu rã của nó càng làm cho vấn đề phức tạp thêm. Tháng trước, một khúc đường lộ đã bị sập vì thiếu bảo trì, gây nạn tắc nghẽn lưu thông kéo dài nhiều tiếng đồng hồ ngay gần hải cảng chính của quốc gia.

Nhưng chuyên gia về thiết kế đô thị Marco Kusumawijaya nói rằng dời đô không phải là một giải pháp. Ông nói:

”Nhiều lắm thì thành phố chỉ có đến 350.000 công chức chính phủ, và theo tôi có lẽ chỉ có từ 10 đến 15% trong số này sử dụng xe hơi. Vì vậy tôi cho rằng thật là một ảo tưởng hiểu theo nghĩa là biện pháp đề nghị không dựa vào những nguyên nhân thực sự gây nạn kẹt xe mà chúng ta muốn giải quyết."

Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno, đã nghĩ đến chuyện dời đô đến Palangkaraya, một thành phố trên đảo Borneo. Đó là trong thập niên 1950, một thời gian dài trước khi Jakarta bị nạn kẹt xe.

Palangkaraya được chọn vì nhiều lý do: nó tọa lạc ngay chính giữa quần đảo rộng lớn của nước Indonesia, nó cách xa các khu vực thường bị động đất và đảo Java nơi mật độ dân quá cao và là nơi tập trung hầu hết dân số và quyền lực kinh tế cũng như chính trị.

Sau đó chính phủ lại xét tới một thành phố khác trên đảo Java, nhưng không có kế hoạch nào được xúc tiến.

Hiện nay thì Palangkaraya lại được xem xét để có thể trở thành thủ đô kế tiếp của Indonesia. Tuy nhiên chính phủ đang cân nhắc cái giá phải trả cho việc đời đô, có thể lên tới 11 tỉ đô la, so với cái giá để cải thiện cơ sở hạ tầng của Jakarta.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG