Đường dẫn truy cập

Indonesia: Mỏ vàng, đồng có thể bị đóng cửa vì công nhân đình công


Công nhân mỏ đồng và vàng thuộc công ty Freeport biểu tình trong tỉnh Papua, Indoniesia
Công nhân mỏ đồng và vàng thuộc công ty Freeport biểu tình trong tỉnh Papua, Indoniesia

Kinh tế Indonesia đang phát triển tốt đẹp, phần lớn là nhờ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nhưng trong năm nay những mối căng thẳng giữa các công ty hầm mỏ với các cộng đồng cư dân địa phương đã bùng ra trên khắp nước. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng bất bình đẳng và những vụ đình công đang tiếp diễn ở Tây Papua có thể khiến cho mỏ vàng và đồng lớn nhất thế giới phải đóng cửa.

Tám ngàn nhân viên của công ty Freeport đã tiến hành cuộc đình công một tháng tại mỏ vàng và đồng khổng lồ nằm trong vùng Tây Papua hẻo lánh.

Những mối căng thẳng xung quanh mỏ này đã âm ỉ cả năm, và hồi đầu tuần này một nhân viên Freeport đã bị bắn chết và 6 người khác bị thương trong một vụ đụng độ giữa cảnh sát với công nhân tại một cuộc biểu tình.
Các công nhân ở đây cho biết họ sẽ tiếp tục đình công cho tới đòi hỏi tăng lương của họ được đáp ứng.

Với số lương tối thiểu 2,1 đô la một giờ, công nhân của công ty Freeport ở Papua có mức lương thấp nhất trong số các thợ mỏ của công ty này trên thế giới.

Công đoàn đang đòi tăng lương lên 7,5 đô la một giờ, nhưng cuộc điều đình với Freeport chưa có kết quả.

Ông Ikrar Nusa Bakti, một nhà phân tích của Viện Khoa học Indonesia, cho biết những vụ tranh chấp lao động có liên hệ với các vấn đề kinh niên về chính trị và xã hội ở Tây Papua, một tỉnh có nhiều vấn đề nhạy cảm về chính trị.

Ông Ikra cho biết ông e rằng những mối căng thẳng có thể gây thêm bất ổn chính trị và làm gia tăng những yêu cầu đòi độc lập của phần đất này. Ông nói rằng người dân Papua không cảm thấy là chủ của đất đai của mình và nếu chính phủ trung ương và công ty Freeport không hợp tác với nhau thì những vấn đề hiện nay có thể đưa tới chỗ mỏ vàng và đồng bị đóng cửa, như trường hợp ở nước láng giềng Papua New Guinea.

Mỏ đồng Panguna ở Papua New Guinea đã bị đóng cửa năm 1989 sau cuộc nổi dậy có vũ trang chống lại công ty Freeport và chính phủ.

Chính phủ ở Jakarta đã kêu gọi nhanh chóng giải quyết vụ tranh chấp về lương bổng, nhưng họ cũng lo ngại về việc nguồn thu của nhà nước bị giảm đi.

Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Darwin Zahedy Saleh nói rằng vụ đình công hiện nay có thể làm cho chính quyền mất đi 6,7 triệu đô la mỗi ngày.
Freeport là người đóng thuế nhiều nhất cho chính phủ Indonesia, với khoản thuế trong 6 tháng đầu năm nay lên tới hơn 1 tỉ đô la.

Giá khoáng sản tăng mạnh đã giúp cho lợi nhuận của công ty phá kỷ lục trong năm nay, nhưng ông Todd Elliot, một chuyên gia tư vấn rủi ro ở Jakarta, nói rằng phần lớn cư dân ở Papua không được hưởng lợi. Ông nhận định:

"Indonesia đang trải qua một cơn bùng phát kinh tế cỡ nhỏ và sự bùng phát này chủ yếu là do công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà có. Một số nhỏ đang hưởng lợi nhưng những người lao động thì không. Công ty Freeport đã có những khoản tiền lời cao kỷ lục, nhưng những người thợ của họ không được lợi bao nhiêu."

Indonesia được tán dương là một bài học thành công về kinh tế và là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Nhưng trong năm 2010 hơn 30 triệu người ở nước này vẫn còn sinh sống dưới mức nghèo túng.

Nhiều người cho rằng Papua là một vùng đất giàu có với những người nghèo. Ông Todd Elliot nói rằng sự mâu thuẫn này là nguyên do chính của những cuộc xung đột vì vấn đề tài nguyên thiên nhiên trên khắp Indonesia. Ông nói:

"Chúng tôi nhận thấy tình trạng này ở mọi nơi. Ở Kalamantan cũng vậy. Có một hố cách biệt giàu nghèo khổng lồ và mỗi ngày một lớn. Sự tăng trưởng của Indonesia không được phân chia đồng đều. Chúng tôi nhận thấy điều này trong những vụ tấn công ở những địa điểm khai thác hầm mỏ khác. Đó là những nơi mà họ hứa sẽ tuyển dụng người lao động địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi họ không làm như vậy nên dân chúng địa phương tấn công các địa điểm khai thác mỏ."

Những cuộc đình công đang diễn ra ở mỏ Grasberg của công ty Freeport ở Papua đã khiến một số nhà lập pháp Indonesia yêu cầu điều đình lại hợp đồng mà Freeport đã ký kết dưới thời cựu Tổng thống độc tài Suharto.

Trong lúc các công nhân ở đây tuyên bố đình công vô thời hạn, công ty Freeport đã tuyển dụng công nhân tạm thời để giải quyết vấn đề sản lượng bị sút giảm và cho biết họ đang hoạt động với 80% công suất.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG