Đường dẫn truy cập

Indonesia: Hộ chiếu lưỡi bò 'phản tác dụng', Philippines yêu cầu TQ hủy bỏ


Một trang trong hộ chiếu của Trung Quốc có hình bản đồ bao gồm khu vực Biển Đông nằm trong các đường gạch nối đại diện cho lãnh hải của Trung Quốc ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Một trang trong hộ chiếu của Trung Quốc có hình bản đồ bao gồm khu vực Biển Đông nằm trong các đường gạch nối đại diện cho lãnh hải của Trung Quốc ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Philippines đề nghị Trung Quốc hủy bỏ bản đồ hình lưỡi bò ra khỏi hộ chiếu mới phát hành trong khi Indonesia cho rằng tấm hộ chiếu nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông ‘phản tác dụng’.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 29/11 tuyên bố Trung Quốc nên xóa hình bản đồ ghi chú các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông là thuộc chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh ra khỏi tấm hộ chiếu gây tranh cãi.

Phản hồi của Ngoại trưởng Albert del Rosario được đưa ra trước phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu quốc tế chớ nên diễn giải quá mức bản đồ hình lưỡi bò in trên hộ chiếu của Bắc Kinh.

Philippines và Việt Nam đồng loạt lên án tấm hộ chiếu in bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền nước khác khi biến các khu vực đang trong vòng tranh chấp thành lãnh thổ của mình.

Cả hai nước loan báo đã gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc và cùng có quyết định cấp visa rời thay vì đóng dấu thị thực visa vào tấm hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc.

Truyền thông Philippines ngày 29/11 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines nói đây là hành động dành chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh, vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia tuyên bố rằng hộ chiếu ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc ‘phản tác dụng’ và cho biết sẽ nêu quan điểm của mình với Bắc Kinh.

AFP trích phát biểu của Ngoại trưởng Marty Natalegawa khuyến cáo hộ chiếu mới của Trung Quốc sẽ làm tình hình tranh chấp Biển Đông vốn đã căng thẳng càng thêm tệ hại.

Vẫn theo lời ông Natalegawa, Indonesia xem động thái của Trung Quốc là gian xảo như để thử lửa xem phản ứng của các nước láng giềng ra sao.

Indonesia không dành chủ quyền ở Biển Đông và hiện làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước thành viên khối ASEAN trong đó có Việt Nam.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Indonesia đề nghị 10 nước Đông Nam Á nên tập trung vào việc chung quyết một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông như bước đầu tiên để xoa dịu căng thẳng tranh chấp.

Cũng trong ngày 29/11, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Phó Trợ lý và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã vài lần nêu quan điểm của Washington với chính phủ Trung Quốc về việc Bắc Kinh cho in bản đồ hình lưỡi bò trên hộ chiếu mới:

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland, nhấn mạnh Hoa Kỳ đang hòa chung tiếng nói với các nước kêu gọi Bắc Kinh xem lại thông điệp chính trị mà tấm hộ chiếu của họ đang gửi đi.

Phát biểu của bà Nuland được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, hôm 28/11, kêu gọi quốc tế không nên diễn giải quá mức ý nghĩa tấm bản đồ hình lưỡi bò in trên hộ chiếu của công dân Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG