Đường dẫn truy cập

Ấn Độ: du khách có thể không được xem cọp nữa


Một con cọp Ấn Độ tại vườn bách thú Nehru ở Hyderabad, 11/5/2011
Một con cọp Ấn Độ tại vườn bách thú Nehru ở Hyderabad, 11/5/2011

Tối cao pháp viện Ấn Độ đang cứu xét 1 biện pháp đang được đề xuất, theo đó, một số đông những con cọp tại vài khu bảo tồn trong rừng được bảo vệ không cho du khách đến xem.

Các bảng quảng cáo du lịch khắp Ấn Độ đều dùng hình ảnh con cọp, được xem như mãnh thú biểu tượng của nước này, để lôi cuốn khách tham quan.

Nhưng nay, tối cao pháp viện Ấn đang cân nhắc 1 đề xuất cấm các chuyến du lịch đưa khách đến xem loài cọp tại những khu vực thuộc bang Madhya Pradesh của Ấn. Nhà hoạt động xã hội Ajay Dubey đã tìm cách đưa đề xuất này lên tới tòa cao nhất của quốc gia, ông nói loài vật này cần được bảo tồn:

“Cọp Ấn Độ được đem ra để mua vui cho ngành du lịch vô cảm, và số cọp tiếp tục hạ giảm. Có rất nhiều vụ việc xảy ra khi các du khách vào bên trong các khu vực này và rồi làm cọp thương vong. Loại hình du lịch này là lời nguyền dữ cho sự sinh tồn của giống cọp.”

Ông Durbey lý giải rằng, thường các du khách đi xe jeep để tới thật gần nhìn cọp cho rõ, như vậy họ khuấy động những tập quán tự nhiên của loài vật này. Ông cũng nêu ra một sự kiện hồi đầu năm nay tại Madhya Pradesh, khi xe của 1 du khách tông vào một con cọp cái và giết chết nó, đưa tới hệ quả là 2 cọp con mà cọp mẹ muốn bảo vệ cũng chết theo sau đó.

Tuy bang Madhya Pradesh chỉ có 6 trong số 40 khu bảo tồn cọp của Ấn Độ, nhưng một số lớn cọp của quốc gia này lại sống tại đây. Những hướng dẫn hiện nay liên quan đến bảo tồn cọp Ấn Độ tuyên bố những khu vực được gọi là quan yếu này là những nơi “không được xâm phạm.” Cho tới nay, điều đó phần lớn được diễn giải là cấm xây dựng và những hoạt động gây xáo trộn tương tự. Đề xuất của ông Dubey nêu thêm là cấm hoạt động du lịch tại đó nữa.

Bà Anuradha Mutatkar là cố vấn luật pháp cho Hiệp Hội Điều Hành Du Lịch Tham quan Cọp Hoang Dã. Bà lập luận rằng những qui định hiện tại không cấm du lịch, và cũng không nên làm như vậy:

“Các qui định đó nên được hiểu là không nên có những dự án phát triển bên trong công viên quốc gia, bên trong khu vực cốt lõi. Và chúng tôi không hề chống lại việc bảo tồn cọp bởi vì chúng tôi mưu sinh được là nhờ cọp được bảo tồn.”

Bà Belinda Wright, một nhà hoạt động bảo vệ giống cọp, lo ngại rằng quyết định này sẽ tạo 1 tiền lệ xấu cho các khu bảo tồn cọp khắp nước. Bà nói:

“Đóng cửa ngành du lịch xem cọp sẽ là 1 tai họa xét từ nhiều quan điểm, kể cả đối với cọp bởi vì tôi không tin là không có du lịch thì cọp được bảo vệ, duy trì và được bảo tồn trong tương lai.”

Nhiều nhà hoạt động khác cũng cùng chia sẻ quan điểm là ngành du lịch xem cọp cần được quản lý tốt hơn trong nước, nhưng không đồng ý chuyện cấm. Bà Latika Nath Rana có bằng tiến sĩ chuyên ngành bảo tồn cọp, và bà điều hành một khu du lịch tham quan cọp tại Madhya Pradesh. Bà nói, không có bằng chứng khoa học nào nói rằng ngành du lịch có hại cho cọp:

“Tôi so sánh một khu du lịch với 1 khu không có du lịch và tôi nghiên cứu điều này suốt 4 năm và thấy rằng lợi ích của du lịch rất to lớn. Nhờ du khách đi vô vài giờ mỗi ngày, họ trở thành tai mắt cho công chúng.”

Vũ công Sonsai Baiga là thành viên 1 bộ lạc sống gần khu bảo tồn cọp, thường nhảy múa trình diễn cho du khách xem, cho biết đội vũ công của ông biểu diễn cho du khách xem cọp trong nhiều năm, và điều đó giúp họ mưu sinh.

Những người chống lệnh cấm du khách đến xem cọp cho biết nếu bị cấm, điều này còn gây hại cho nhiều phương kế sinh nhai trong khu bảo tồn, đối với những người từ tài xế cho đến hướng dẫn viên du lịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG