Đường dẫn truy cập

'Ấn Độ cần cải tiến hệ thống đường sắt để ngăn tai nạn chết người'


Công nhân sửa chữa đường rầy xe lửa ở làng Bangapara gần thành phố phía đông bắc Guwahati của Ấn Độ, ngày 3/2/2012
Công nhân sửa chữa đường rầy xe lửa ở làng Bangapara gần thành phố phía đông bắc Guwahati của Ấn Độ, ngày 3/2/2012

Tại Ấn Độ, các chuyên gia đang yêu cầu dành hàng tỷ đôla để cải tiến an toàn hỏa xa và giúp ngăn chặn tình trạng hơn 15 ngàn người thiệt mạng mỗi năm trong khi tìm cách băng qua các đường rầy xe lửa. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, Ấn Độ có một trong những mạng lưới hỏa xa rộng khắp và đông đúc nhất thế giới, chuyên chở 20 triệu hành khách mỗi ngày.

Ủy ban do chính phủ bổ nhiệm để duyệt xét an toàn hỏa xa đã nêu bật một vấn đề thường ít khi được chú ý tới.

Các chuyên gia nói rằng cái chết của 15.000 người mỗi năm khi băng qua các đường rầy xe lửa là một “sự tàn sát” mà không một xã hội văn minh nào có thể chấp nhận được. Một số người còn chết khi họ bị té ra khỏi các toa xe chật cứng. Ủy ban nói mặc dầu không phải do những vụ đâm tàu, những cái chết vừa kể không thể bị các giới chức trong ngành hỏa xa làm ngơ.

Vấn đề phát xuất từ các khu vực mà đường rầy xe lửa cắt ngang qua những vùng đông dân cư, và nơi những khu nhà ổ chuột và khu lập cư mọc lên như nấm ở vùng lân cận. Mạng lưới hỏa xa ngoại ô Mumbai chiếm tới 6.000 cái chết mỗi năm.

Chuyên gia về giao thông và cơ sở hạ tầng G. Raghuram nói giới hữu trách hỏa xa có thể tiến hành nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề.

Ông Raghuram nói: “Điều quan trọng là cung cấp cho dân chúng các phương tiện thay thế thuận lợi để họ khỏi phải phóng bừa qua các đường rầy. Có nhiều giải pháp có thể thực hiện – dựng các hàng rào tốt hơn, dành nhiều cơ hội để băng qua các đường rầy chạy dưới các cầu vượt. Trong các khu vực ngoại ô, không có lý do nào mà Hỏa xa Ấn Độ không thể cho chiếu sáng toàn bộ đường rầy. Chỉ vì Hỏa Xa Ấn Độ chưa coi đó là một phần trong chương trình làm việc vì họ không cho là mình có trách nhiệm trực tiếp về những tai nạn đó.”

Hội đồng an toàn đường sắt đã được bổ nhiệm sau khi xảy ra nhiều tai nạn xe lửa trong năm ngoái. Ngoài những cái chết vì băng qua đường rầy xe lửa, những vụ đụng tầu và các toa khách bị trật đường rầy cũng gây thiệt mạng cho cả ngàn người mỗi năm.

Ủy ban đã kêu gọi chính phủ đầu tư 20 tỷ đôla trong 5 năm tới để nâng cấp kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Kế hoạch này gồm cả những toa an toàn, các thiết bị chống đụng tầu, các hệ thống cảnh báo tối tân và củng cố các đường rầy cũ kỹ và các cầu vượt.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngành hỏa xa Ấn Độ bị kẹt vào tình trạng bất động. Giáo sư Raghuram nói việc hiện đại hóa mạntg lưới sẽ giúp giảm thiểu các tai nạn xe lửa.

Ông Raghuram nói tiếp: “Về mặt vị thế quốc tế, và xét về các kỹ thuật và hệ thống có thể có được, ngành đường sắt Ấn Độ có thể làm nhiều hơn nữa. Ngành hỏa xa chỉ cần chuyển động, làm một bước nhẩy vọt về mặt hệ thống và kỹ thuật mà họ cần phải áp dụng.”

Giới chỉ trích nói trong nhiều năm qua, ưu tiên vẫn dành cho việc khuếch trương mạng lưới để đáp ứng nhu cầu của một khối dân ngày càng tăng thay vì giải quyết các quan ngại về an toàn.

Sau bản phúc trình của ủy ban, Bộ trưởng Đường sắt Dinesh Trivedi đã kêu gọi chính phủ cung cấp thêm ngân khoản để giúp giải quyết các vấn đề về an toàn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG