Đường dẫn truy cập

Căng thẳng Trung Quốc-Ấn Ðộ về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Ðông


Phát ngôn viên Khương Du nói rằng Trung Quốc hy vọng các nước ngoài sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp này và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vụ việc thông qua các kênh song phương
Phát ngôn viên Khương Du nói rằng Trung Quốc hy vọng các nước ngoài sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp này và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vụ việc thông qua các kênh song phương

Tuần này, Ngoại trưởng Ấn Độ đang có chuyến thăm Việt Nam, nơi các giới chức đang đàm phán về các thỏa thuận thăm dò dầu khí ở những khu vực thuộc Biển Nam Trung hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với nhiều phần ở khu vực này và các giới chức ở Bắc Kinh đã cảnh báo các nước chớ nên thực hiện bất kỳ hoạt động thăm dò nào như vậy tại vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền. Từ văn phòng tại Nam Á, Thông tín viên đài VOA Kurt Achin tường trình về những căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới mới nổi này.

Nhiều ngày sau khi giới truyền thông đưa tin công ty dầu quốc doanh Ấn Độ đang đàm phán với Việt Nam về quyền thăm dò dầu khí ở Biển Ðông, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ.

Người phát ngôn Hồng Lỗi nói rằng bất kỳ nước nào tham gia vào hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực thuộc quyền tài phán này mà không có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó hành động của họ là bất hợp pháp và vô giá trị.

Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna đang thăm Việt Nam tập trung vào việc mở rộng các hoạt động thăm dò năng lượng gần các hòn đảo ở biển Đông mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Trung Quốc nói rằng lịch sử cho phép họ tuyên bố toàn bộ chủ quyền đối với Biển Ðông và các quần đảo có tranh chấp.

Những lời cảnh báo của Trung Quốc rằng các nước nên tránh can thiệp vào vụ tranh chấp kéo dài nhiều thập niên nay giữa Bắc Kinh và Hà Nội bắt đầu xuất hiện từ tuần trước, thậm chí cả trước khi Ngoại trưởng Krishna lên đường tới thủ đô của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du nói rằng Trung Quốc hy vọng các nước ngoài sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp này và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vụ việc thông qua các kênh song phương.

Các giới chức Ấn Độ nói rằng họ dự định tăng cường phạm vi hợp tác năng lượng với Việt Nam. Giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ấn Độ M. Pallam Raju nói rằng quyết tâm của Ấn Độ trong việc ủng hộ chính sách ngoại giao của họ là kiên định.

Ông Raju nói: "Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình một cách mạnh mẽ, vì vậy không có việc rút lại quan điểm đó. Sẽ không có sự dè dặt nào hết.”

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, Indonesia, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines cũng đều có những tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Ðông.

Bất chấp những tuyên bố chồng chéo này, ông Teshu Singh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở Delhi, ủng hộ các giới chức Ấn Độ trong việc khẳng định các thỏa thuận về năng lượng với Việt Nam là chính đáng.

Ông Singh nói: “Việc hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác trong lĩnh vực đó ở trên thế giới luôn luôn tuân theo các luật lệ, tiêu chuẩn và công ước quốc tế. Đó chỉ là một phần trong khuôn khổ quan hệ rộng lớn hơn giữa Ấn Độ và Việt Nam.”

Ngoài tiềm năng có trữ lượng dầu lửa lớn, biển Nam Trung Hoa còn là một nguồn hải sản cho tất cả khu vực Đông Nam Á, và là một thủy lộ quan trọng đối với hoạt động thương mại. Ông Singh nói rằng vì nhiều quốc gia phụ thuộc vào khu vực đó, có phần chắc khả năng chiến tranh ở khu vực sẽ không xảy ra và là điều không ai mong muốn.

Ông Singh nói tiếp: “Vấn đề này không phải của hai hay ba nước. Vì vậy tôi tin là cần phải xây dựng một chính sách ngoại giao phòng ngừa tại khu vực này. Cần phải có một cơ chế phòng ngừa ở khu vực này.

Hiện cũng có một số mâu thuẫn khác trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đã cho phép nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà Trung Quốc coi là một phần tử ly khai sống ở nước họ. Bản đồ của Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ bang đông bắc của Ấn Độ trong khuôn khổ chính sách kiểm soát Tây Tạng của họ. Sự ủng hộ quân sự và hạt nhân của Trung Quốc dành cho Pakistan cũng đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ không hài lòng.

Tuy nhiên, cả hai bên đều nói rằng họ có thể đạt được lợi ích từ việc hợp tác kinh tế nhiều hơn là từ sự đối đầu. Hai nước cũng có một cơ hội để thảo luận vấn đề biển Nam Trung hoa và các vấn đề gây quan ngại khác tại cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược Ấn–Trung lần thứ nhất, dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới ở Bắc Kinh.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG