Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Hội chứng giải phẫu lưng thất bại


Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả đài VOA Kha Quang gửi câu hỏi tới thắc mắc về hội chứng giải phẫu lưng thất bại.

“Kính thưa Bác sĩ,

Cho em hỏi: em bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, em đã phẫu thuật được khoảng 2 năm, dạo này em lại bị các triệu trứng đau lưng và phần mông trở xuống, và đau tê phần hông xuống phần đùi chân trái, rất mong được sự giải đáp hướng dẫn và cách sử lý cho trường hợp của em.

Em rất cám ơn!”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

"Hội chứng giải phẫu lưng thất bại"
(“Failed Back Surgery Syndrome”, FBSS)

please wait

No media source currently available

0:00 0:14:22 0:00
Tải xuống

Cơ chế của việc đau chân do chèn ép dây thần kinh phát xuất từ tủy sống (nerve roots), phần chính là do đĩa đệm bị thoái hoá (intervertebral disc degeneration), thoát vị (herniation) ra khỏi vị trí bình thường của mình (nằm giữa các đốt xương sống), hoặc phình (bulging) ra làm nghẽn ống tủy xương sống, và làm các rễ thần kinh bị khó chịu (irritation), hoặc đè, ép (compression) lên các dây thần kinh này làm cho chúng ta có cảm giác đau từ mông chạy xuống cẳng chân, bàn chân.

Quá trình hồi phục các bệnh đau dây thần kinh do chèn ép ở cột sống là quá trình lâu dài, 1/2 năm, 1 năm trở lên. Dù không giải phẫu, đa số (chừng 2 phần 3) thoát vị đĩa đệm [disc herniation] sẽ thuyên giảm hoặc lành hẳn.

Chữa trị:

Biện pháp bảo thủ cho các trường hợp đơn giản:
1. đắp nước đá 2-3 ngày lên những vùng đau (lạnh làm giảm sưng/viêm)
2. nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"), giảm viêm nhóm NSAID (Non Steroid Anti Inflammatory Drugs) như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve); coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn; những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử, áp huyết cao (hypertension), bệnh gan, dễ chảy máu (bleeding disorder) nên tránh loại NSAID này.
3. không nên nằm một chỗ quá lâu.

Để tránh tái phát, rất quan trọng:
• Tránh khiêng, nâng, vật nặng, xoay qua lại (twisting) cột xương sống, ít lắm là trong 6 tuần đầu.
• Không bao giờ khom lưng xuống mà nâng một vật nặng lên, nghĩa là không dùng lưng để nâng đồ vật lên. Nếu thật cần, chỉ nên ngồi chồm hỗm, và đưa tay ra, đứng lên, nghĩa là dùng hai chân để nâng đồ vật lên.
• Sáng sớm thức dậy, đừng nhảy ra khỏi giường, từ từ đưa chân xuống, chống hai tay và đứng dậy.
• Nếu càng ngày càng đau thêm, hoặc nếu trường hợp phức tạp như chấn thương mạnh, đau kéo dài vài tuần, triệu chứng đường tiểu (tiểu ra máu, són tiểu), đau lúc nằm xuống, có thể bác sĩ sẽ cần đến những biện pháp khác như chích thuốc kháng viêm corticoid vào khoảng bao quanh màng cứng tuỷ sống (epidural injection), hoặc giải phẫu.

Bác sĩ chữa và theo dõi tiến trình của bệnh đến một lúc nào đó sẽ thấy cần ý kiến của bác sĩ chuyên về phẫu thuật, các biện pháp thuốc men, chờ đợi, bảo thủ cũng có giới hạn của chúng.

Thông thường, bác sĩ giải phẫu có thể :
1. Ap dụng phẫu thuật "mở" (open discectomy), mổ theo lối cổ điển. Thường bác sĩ cần phải cắt một hay 2 lamina của đốt sống. Lamina là hai phần hình cung nối liền gai (spine) của đốt sống phía sau với phần trước của đốt xương sống, che chở mặt sau của tủy sống. Cắt lamina (laminectomy) làm giảm sức ép trên tủy sống, và mở rộng đường kính của ống tủy sống. Nếu xương bị lấy ra nhiều quá làm đoạn xương sống liên hệ bất ổn, có thể cần làm cho các đốt xương sống dính chặt với nhau (spinal fusion). Tuy nhiên, fusion một đoạn xương này có thể chuyển sức ép (stress) lên trên những đốt xương kế cận và gây đau ở những đốt xương đó.
2. Hoặc thủ thuật gọi là “vi giải phẫu cắt đĩa” (microdiscectomy). BS rạch đường nhỏ sau lưng, đẩy rễ thần kinh qua một bên, cắt phần đĩa đệm phình ra ngoài (giống như ruột bánh xe lòi ra lổ hở trong vỏ xe). Bệnh nhân có thể về nhà cùng ngày.
3. Dùng tia laser cắt đĩa bằng nội soi xuyên qua da (endoscopic transcutaneous laser discectomy).

Dùng phương pháp nào tùy theo khả năng của bác sĩ, trang thiết bị nhà thương và tình trạng người bệnh.

Bệnh nhân có hết đau hay không tùy theo tình trạng rễ thần kinh bị viêm và chèn ép hư hại nhiều hay ít, và có phục hồi hoàn toàn hay không. Nói chung, nếu đau từ mông xuống đùi, chủ yếu do rễ thần kinh bị chèn ép (radicular pain), thì kết quả tốt hơn. Nếu đau nhiều trên lưng (back pain), nguyên nhân có thể phức tạp hơn, giải toả chèn ép rễ dây thần kinh có thể giải quyết một nguyên nhân gây đau, nhưng không phải tất cả. Có thể gặp khó khăn trong việc xác định đĩa sống nào là nguồn gốc của chứng đau lưng, và có khi sửa chữa chỗ này nhưng nguyên nhân chỗ khác, do đó sau khi mổ vẫn đau.

Theo một nghiên cứu ở Nhật (Yorimitsu), sau 10 năm, 75% bệnh nhân được giải phẫu cắt đĩa lưng áp dụng phẫu thuật "mở" (standard lumbar discectomy), vẫn còn đau lưng ít nhiều (residual back pain), chừng 12% còn đau lưng nhiều. Đối với chứng đau lưng, tập luyện (exercise) có thể hiệu nghiệm hơn. Có một hiện tượng người ta gọi là "hội chứng giải phẫu lưng thất bại" (“failed back surgery syndrome”, FBSS) để mô tả những trường hợp phải giải phẫu lại (revision) vì còn đau lưng. Tác giả Fritsch và Heisel nghiên cứu 182 trường hợp giải phẫu sống lưng phải mổ lại trong 25 năm (1965-1990; Germany). Trong một nghiên cứu trước đó, trong 1.500 trường hợp cắt đĩa đệm, 10.8% phải mổ lại (nói chung 5-33%) tùy theo phương pháp phẫu thuật. Trong số các bệnh nhân mổ lại (revision), 34% phải mổ nhiều lần. Nói chung lý do phải mổ lại là bệnh nhân đau trở lại, hay không bớt đau, hay cơ năng dây thần kinh bị ảnh hưởng (neurological deficit) hay cột sống bất ổn (lumbar instability) sau khi mổ lần đầu. Lần đầu tiên làm revision, phần lớn là do bệnh đĩa thoát vị tái hồi (recurrent hernia). Những lần mổ sau là do bao tủy sống hoá xơ (epidural fibrosis) hay do cột sống lưng bất ổn định (cần phải gỡ bỏ các chỗ mô xơ kết dính [fibrinolysis], hay kết nối các đốt sống lại dính với nhau [spine fusion]). Trong ngắn hạn, 80% bệnh nhân vừa ý (satisfied) với kết quả giải phẫu xét lại. Về lâu dài (2-17 năm ) chỉ còn 22% vừa lòng với kết quả.

Tóm lại, bệnh nhân cùng với bác sĩ của mình cần quyết định phương pháp can thiệp thích hợp nhất cho mỗi trường hợp. Kinh nghiệm ở Đức cho thấy chừng 10 người giải phẫu đau lưng thì có một người phải mổ lại, có khi nhiều lần; và trong số cần mổ lại, về lâu dài đa số không hoàn toàn vừa ý với kết quả.

Cuộc nói chuyện này hoàn toàn chỉ mục đích thông tin, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Reference:
Fritsch EW, Heisel J, Rupp S. The failed back surgery syndrome: reasons, intraoperative findings, and long-term results: a report of 182 operative treatments.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8852320

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG