Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Chứng đau bả vai


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Nguyễn Quang Tuệ ở Bình Thuận về chứng đau bả vai

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Nguyễn Quang Tuệ ở Bình Thuận có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:



Bịnh nhân đau bả vai 2 tháng, đi 2 bs chích và uống thuốc không khỏi.

Bịnh đau vai là một trong những bịnh khó định bịnh và giải quyết thích đáng, nhất là bs chỉ một lần khám bịnh.

Đau vai có thể do nguyên nhân bịnh ở tại vai, như một bs của ông cho rằng khớp vai của ông bị thoái hoá, hoặc do dây thần kinh phụ trách vùng vai bị chèn ép, tổn thương dây thần kinh lúc nó chiu từ tuỷ sống cổ đi ra ngoài, do xương sống cổ hay các đĩa đệm của sống cổ đè lên nó. Định bịnh căn cứ trên việc khám kỹ lưỡng, thường phải khám đi khám lại nhiều lần, và có khi cần đến chẩn đoán hình ảnh như quang tuyến, MRI, nếu chữa trị không có kết quả.

Xin có những nhận xét sau:

(1) Những nguyên nhân đau ở vai: bịnh nhân làm nghề đòi hỏi những cử động mạnh, lập đi lập lại ở vai (thợ sơn, thợ hớt tóc), hoặc chơi những thể thao (tennis, bơi) dùng cơ vai nhiều. Có một nhóm cơ bắp vai gọi là “rotator cuff muscles” (4 cơ bọc đầu của xương vai và khớp vai) dễ bị tổn thương, bị rách, bị thoái hoá ở người già, do dùng quá nhiều, và là nguyên nhân thường gặp gây đau vai. Nhóm bịnh tổn thương bó cơ xoay vai này làm người bịnh đau lúc chải tóc, hoặc trong những động tác cần nâng cánh tay lên; đêm nằm nếu nằm nghiêng về bên vai bị tổn thương thì có thể đau, ngủ không được.

Trường hợp này, bs thường cho vai bên đó nghỉ ngơi, nếu cần mang một cái “sling” (treo) tay bên đau lại. Bịnh nhân cũng có thể đắp nước nóng lên khớp vai đau. Sau 2-3 tuần, nếu không khỏi, bs có thể chích thuốc corticoid (triamcinolone trộn với thuốc tê) vào vai; có khi cần lập lại nhiều lần. Có thể cần đến chuyên viên vật lý trị liệu giúp đỡ. Nếu sau vài tháng bịnh không thuyên giảm, có thể nghĩ đến giải phẫu vai.

(2) Trường hợp nguyên nhân ở sống cổ (cervical spine), lúc bịnh nhân xoay cổ qua lại có thể làm đau bả vai, và cơn đau có thể chạy dài, lan toả xuống cánh tay, nghĩa là trong vùng phụ trách của những dây rễ thần kinh (nerve roots C4-C5-C6) đi từ cổ xuống. BS có thể cho chụp hình quang tuyến, MRI cột xương sống cổ để xem có gai xương sống hoặc đĩa đệm thoát vị (disc herniation) đè nén đường đi của các rễ thần kinh chui từ tuỷ xương sống ra ngoài hay không. Có thể cần khám bs chuyên về thần kinh (neurologist), phong thấp (rheumatologist), hoặc bs giải phẫu thần kinh (neuro-surgeon) trong những trường hợp uống thuốc, chích thuốc vào khớp xương sống mà không thuyên giảm.

Thuốc giảm đau thông thường phổ biến nhất là loại NSAIDs, viết tắt của Non Steroid Anti Inflammatory Drugs, có nghĩa là thuốc chống viêm (giảm đau, giảm sưng và giảm đỏ). NSAID thường dùng là Ibuprofen (tên thương mãi là Advil, Motrin), ở Mỹ được bán tự do, và được các phụ huynh cũng hay dùng cho trẻ em để trị giảm sốt.

Năm 2009, hội Lão Khoa Mỹ (American Geriatrics Society, AGS) đưa ra một khuyến cáo mới, thay đổi lập trường trước đây. Hiện nay AGS khuyên người già nếu cần thuốc cho đau nhức dai dẵng (thường là cơ bắp và khớp) trước hết nên dùng acetaminophen (paracetamol ở Việt nam và một số nước khác). Hiếm lắm mới xài đến loại NSAID mới (COX2 inhibitor) cũng như cũ (vd: aspirin, ibuprofen), và phải rất thận trọng. Các loại thuốc NSAID (Motrin, Advil, Aleve, Naprosil...) này có thể làm bịnh cao huyết áp nặng thêm, gây rối loạn hệ tiêu hóa, hư hại thận (kidney damage), phù (edema) và ngoài ra gây ra một số bịnh về tim mạch. Ngoài ra, đối những người lớn tuổi đang uống aspirin hàng ngày để phòng ngừa bịnh tim mạch (thường là liều thấp 1 viên “baby aspirin” mỗi ngày), không nên dùng ibuprofen cùng với aspirin, có thể tăng nguy cơ chảy máu bao tử hoặc ruột.

Mặt khác, dùng acetaminophen cũng phải rất cẩn thận, không được quá liều lượng vì có thể làm hư gan (liver toxicity), nhất là ở người đang mắc bịnh gan, cơ năng gan yếu, uống rượu hoặc uống chung với một thứ thuốc khác cũng làm hại gan.

Tóm lại, bịnh nhân có thể đắp nước nóng, dùng những thuốc giảm đau thông thường, vật lý trị liệu, vận động khớp vai trong giới hạn có thể được mà không làm đau đớn.

Nên kiên nhẫn: nhờ một bs gia đình mà mình tin cậy theo dõi bịnh tình nếu không bớt.

Nếu cần, phải chẩn đoán hình ảnh thêm để đi đến một định bịnh chính xác hơn và chữa trị thích ứng.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG