Đường dẫn truy cập

Hoạt động địa chấn ở hai đầu “Vành đai lửa Thái Bình Dương”


Núi lửa Mayon ở Philippines phun trào. Ảnh chụp ngày 23/1/2018 từ thành phố Legazpi, tỉnh Albay, cách Manila 340 km. (AP Photo/Bullit Marquez)
Núi lửa Mayon ở Philippines phun trào. Ảnh chụp ngày 23/1/2018 từ thành phố Legazpi, tỉnh Albay, cách Manila 340 km. (AP Photo/Bullit Marquez)

Một loạt vụ động đất và núi lửa phun trào làm lung lay nhiều địa điểm ở hai đầu Biển Thái Bình hôm thứ Ba 23/1.

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho hay một trận động đất lớn đo tới 8,2 trên điạ chấn kế xảy ra tại một địa điểm cách đảo Kodiak của bang Alaska, Hoa Kỳ, khoảng 280 km về hướng Đông-Nam.

Các giới chức đặc trách ứng phó khẩn cấp thoạt tiên ra cảnh báo sóng thần tại nhiều khu vực rộng lớn của vùng duyên hải bang Alaska và British Columbia của Canada, đặt hầu như toàn bộ vùng bờ Tây của Hoa Kỳ và bang Hawaii ở Thái Bình Dương trong tình trạng báo động sóng thần. Cơ quan hữu trách hối thúc cư dân tại các vùng cận biển sơ tán lên các vùng cao hoặc xa hơn trong đất liền.

Tuy nhiên cảnh báo sóng thần sau đó được hủy bỏ.

Nhiều giờ đồng hồ trước, cách đó 5000 km, một quân nhân Nhật Bản thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi một núi lửa phun trào, gây ra một vụ lở tuyết làm nhiều người bị chôn vùi dưới nhiều lớp tuyết trong vài giờ đồng hồ trước khi họ được giải cứu.

Núi lửa làm tắt điện tại địa điểm du lịch tại Đỉnh Kusatsu-Shirane, khiến 80 người trượt tuyết bị kẹt tại một trạm tàu dây cáp trên đỉnh núi trong nhiều giờ đồng hồ trước khi nhóm người này được giải cứu bằng máy bay trực thăng.

Tại Philippines, nhà chức trách ra cảnh báo sau nhiều ngày hoạt động địa chấn tăng cường độ tại ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất tại nước này.

Ngọn núi Mayon cao 2,642 m cách thủ đô Manila hơn 300km, phun lên không các cột phún thạch cao tới 700 m tính từ miệng núi hôm thứ Ba, tiếp theo sau là cột bụi khói bốc lên cao tới 3 km hôm thứ Ba 21/1. Dung nham đỏ, bụi khói và khí cực nóng đã bắt đầu trào ra từ núi lửa cách đây gần hai tuần.

Viện nghiên cứu Núi lửa Philippines nâng mức độ cảnh báo đối với núi lửa Mayon lên cấp 4 trong tất cả 5 cấp, là mức cảnh báo khi khả năng phun trào chất liệu độc hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cơ quan này còn nới rộng phạm vi vùng nguy cơ chung quanh núi lửa lên 8 km. Có tới 40,000 cư dân đã bị buộc phải sơ tán tới những vùng đất an toàn hơn giữa lúc núi Mayon càng lúc càng trở nên bất ổn.

Nhân viên văn phòng sơ tán sau một trận động đất lớn ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày thứ Ba 23/1/2018. (AP Photo/Achmad Ibrahim)
Nhân viên văn phòng sơ tán sau một trận động đất lớn ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày thứ Ba 23/1/2018. (AP Photo/Achmad Ibrahim)

Cũng trong ngày hôm nay, thứ Ba 23/1, các nhân viên văn phòng tại thủ đô của Indonesia phải chạy ra ngoài đường trong hoảng loạn khi một trận động đất đo được 6 độ làm lung lay các tòa nhà nơi họ làm việc.

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ nói tâm chấn của trận động đất này nằm cách vùng duyên hải đảo Java khoảng 43 km, các giới chức khẩn cấp Indonesia không ra cảnh báo sóng thần.

Nhật Bản, Philippines và Indonesia đều nằm dọc theo cái gọi là “Vành đai lửa Thái Bình Dương” gắn liền với một dãy liên tục các rãnh đại dương và là một khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương.

Mike West, một nhà địa chất học của Trung tâm nghiên cứu Địa chấn Alaska nói với VOA rằng trận động đất xảy ra tại bang Alaska hôm 23/1 không có liên quan gì tới các hoạt động địa chấn tại 3 địa điểm tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG