Đường dẫn truy cập

Hiểm họa bùn đỏ (1)


Một người lính Hungary mặc quần áo bảo vệ, dọn dẹp 1 ngôi nhà bị ngập bùn đỏ độc hại ở Hungary, 7/10/2010
Một người lính Hungary mặc quần áo bảo vệ, dọn dẹp 1 ngôi nhà bị ngập bùn đỏ độc hại ở Hungary, 7/10/2010

Bùn đỏ tràn ngập vùng Ajka, Hungary. Dòng sông Danube có nguy cơ bị nhuộm đỏ. Hiểm họa ô nhiễm chất thải do quặng bauxit này đang là một mối quan ngại của cả Châu Âu. Ngày 4/10 vừa qua Hungary gặp thảm họa do 1,1 triệu m3 bùn đỏ là chất thải từ nhà máy sản xuất nhôm tràn ngập làng Kolontar. Thông tin: 7 người thiệt mạng, khoảng 150 người bị thương, và gần nghìn người phải sơ tán. Vẫn chưa có thống kê chính xác về mức thiệt hại kinh tế của vụ tràn bùn đỏ này, nhưng theo ước tính sơ bộ Hungary phải mất tới hàng chục tỷ đô la để khắc phục trong khoảng thời gian một vài năm. Nguyên nhân dẫn đến sự cố vẫn chưa được xác định. Mọi sự sống tại con sông Marcal ở gần đó, con sông bị bùn đỏ tấn công đầu tiên, đã không còn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 9/10 cảnh báo có thể có đợt lũ bùn đỏ thứ hai sẽ tiếp tục tràn ra khu vực xung quanh do con đập ngăn chất thải lại tiếp tục có nhiều vết nứt đáng ngại. Đúng là một thảm họa sinh thái đối với Hungary mặc dầu đất nước này có truyền thống trong công nghệ chế biến quặng nhôm.

Bùn đỏ là những phế chất khoáng sản, ở thể rắn, màu đỏ là do thành phần ôxit trong bauxit. Bình quân, mỗi tấn nhôm được lấy ra từ 4 tới 5 tấn bauxit, thải ra 3 tấn bùn đỏ. Bùn đỏ gây 2 nguy cơ. Thứ nhất là sự độc hại tức thời: trong bùn có xút (từ 3 đến 12 kg xút cứ mỗi tấn nhôm được sản xuất ), và những chất ăn da khác như ôxit calci, hay vôi sống. Khi hòa tan trong nước mưa hay trong những dòng nước, chúng tạo ra môi trường có độ kiềm rất cao làm phỏng da người. Thứ nhì, về dài hạn, nguy cơ xuất phát từ những nhân tố kim loại có trong các chất thải này, gồm có rất nhiều ôxit sắt, ôxit nhôm hay alumina, xilit, titan, chì, crôm, và có thể cả thủy ngân nữa. Ôxit nhôm ở thể rắn thì không độc, nhưng ở trong một dung dịch, nó có hoạt tính cao và có thể xuyên thấu các màng sinh học. Tương tự, crôm VI có khả năng gây ra bệnh ung thư. Chì và thủy ngân cũng tùy theo nồng độ và dạng thức hóa học mà gây tác hại. Điều chắc chắn là các ôxít kim loại này ở liều lượng cao đều có tiềm năng độc hại đối với động vật và thực vật.

Nhà máy bôxít Ajka thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL). MAL rất tự hào về tính an toàn của hệ thống chứa bùn đỏ của mình. Họ nói “các hồ chứa bùn đỏ được cách ly, được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến đảm bảo chắc chắn việc chứa bùn đỏ”. MAL cũng rất lưu ý đến việc “hoàn thổ”, khôi phục lại mặt bằng liên tục bằng san lấp và trồng cây tạo ra thảm thực vật phong phú. Nhưng khi xảy ra tai hoạ, họ nói đấy là tai hoạ thiên nhiên và từ chối trách nhiệm. Họ còn nói, mới gần hai tuần trước cơ quan Thuỷ lợi đã kiểm tra đập và không thấy có vấn đề gì.

Lập luận của MAL nghe rất quen với người Việt Nam. Trong các tranh luận về khai thác bôxít ở Tây Nguyên, tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra các lời hứa tương tự về hệ thống chứa bùn đỏ của mình sẽ và đang được xây dựng nghiêm túc bảo đảm an toàn. Nhưng ở đâu cũng vậy, những người vận hành hồ chứa bùn luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Các tổ chức bảo vệ môi trường, người dân và Chính phủ Hungary thì cho rằng không phải do các nguyên nhân tự nhiên. Theo Thủ tướng Orbán Viktor, “ Chúng ta có thể nghi rằng có sự xao lãng của con người ở đây”. Ba ngày sau tai hoạ, chưa ai có thể đưa ra kết luận thoả đáng về nguyên nhân là gì? Những ai phải chịu trách nhiệm? Chắc còn cần thời gian để làm rõ. Đấy là các tai họa xảy ra ở các nước phát triển hơn ta rất nhiều và có kinh nghiệm khai thác và quản lý nhiều hơn chúng ta rất nhiều. Ở Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến về các dự án khai thác bauxít ở Tây Nguyên. TKV cũng nói đến sự chắc chắn, vững chãi của các hồ chứa bùn đỏ. Từ Tây Nguyên, nóc nhà của Đông Dương, nếu có sự cố vỡ hồ chứa như ở Hungary, thì tai hoạ sẽ rất thảm khốc cho những vùng nằm trong lưu vực sông Đồng Nai.

Nhắc lại, sau khi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư đến Bộ Chính Trị ĐCSVN, Quốc hội và Chính phủ cảnh báo nguy cơ khai khoáng bauxite ở Tây Nguyên, và các Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh lo lắng về an ninh quốc phòng trước sự kiện nhà thầu dự án khai thác này là Chalieco đã mang trên 8000 công nhân Trung Quốc vào thi công(?), dư luận trong nước xôn xao. Gần như cùng lúc, vấn đề Trung Quốc xâm chiếm Hoàng-Trường Sa, bắt giữ tàu đánh cá và bức hại ngư dân Việt Nam ngày một cho phép người dân thấy rõ nét chính sách bành trướng của người láng giềng khổng lồ đang khát tài nguyên, đất, biển… GS Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS Nguyễn Thế Hùng đánh động giới nhân sĩ, trí thức, đưa ra một Kiến Nghị vào tháng 4 -2009 (Nội dung kiến nghị) chuyển tới Quốc Hội và Chính phủ, thu được 2746 chữ ký ủng hộ của mọi tầng lớp, trong cũng như ngoài nước, gồm đông đảo trí thức, chuyên gia nhiều ngành nghề. Kiến nghị (KN) nói trên nhận định rằng "… Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được “ký tắt” với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội;" và đề nghị:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc hội quyết định;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.


Con dân Việt Nam yêu nước đã hy vọng bước khởi đi một xã hội dân sự trong đó tranh luận, phản biện là điều kiện tất yếu đặt nền móng cho sự phát triển xã hội lành mạnh. Trên mạng Bauxite.Việt Nam, chuyên gia mọi ngành nghề tham gia tích cực, trong sáng, mong góp ý để Quốc hội và chính phủ khẳng định và củng cố vai trò thật sự lãnh đạo của mình. Nhưng đùng một cái, nhà nước phân định “lề phải, lề trái”, gần như cấm phản biện (mà không qua những cơ quan chức năng), dẫn đến sự “tự giải thể” của IDS, bắt bớ nhũng nhiễu những bloggers không đi đúng “lề” và năm nay thì sử dụng tin tặc để tấn công những blog lề trái và những web site như Thông Luận, Đàn Chim Việt, Talawas…

Sự cố bùn đỏ ở Hungary lại khiến những ai quan ngại việc khai thác bauxite Tây Nguyên cất tiếng nói. Với Kiến Nghị 2009 lần 1, người Việt ở hải ngoại có tham gia ký tên ủng hộ, nhưng không nhiều lắm, nhất là ở Bắc Mỹ. Nhưng có phải vì thế mà chúng ta cho là cộng đồng ủng hộ quyết sách khai thác bauxite bằng mọi giá của nhà nước không?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG