Đường dẫn truy cập

Hệ thống tư pháp Campuchia bị chỉ trích


Cảnh sát Campuchia canh gác tại Tòa án phúc thẩm ở Phnom Penh
Cảnh sát Campuchia canh gác tại Tòa án phúc thẩm ở Phnom Penh
Một tòa án ở Campuchia đã bác một vụ án về việc sát hại một nhân vật nổi tiếng hoạt động cho nhân quyền và môi trường. Giới chỉ trích nói đây là thất bại mới nhất của hệ thống tư pháp. Ông Chut Wutty bị bắn chết một cách khả nghi trong một vụ nằm trong một loạt các vụ tấn công mới đây nhắm vào giới hoạt động, ký giả và người biểu tình. Các tổ chức nhân quyền cho rằng các vụ việc này nêu bật tính miễn trừ hình phạt cho nững người có thế lực và sự can thiệp chính trị vào tòa án.

Nhà hoạt động Wutty đang điều tra về các tố giác đốn gỗ bất hợp pháp khi ông bị chặn lại ở một chốt kiểm soát và bị bắn chết, cùng với một viên chức cảnh sát.

Cảnh sát quy lỗi cho viên cảnh sát thiệt mạng về vụ sát hại hồi tháng 4 ở tỉnh Koh Kong miền tây nam Campuchia.

Thoạt đầu họ nói rằng viên cảnh sát đã tự vẫn nhưng sau đó lại thay đổi câu chuyện và nói rằng ông ta đã vô tình bị một nhân viên canh gác bắn hai phát.

Hôm nay, một tòa án tỉnh Koh Kong sẽ mở phiên xử về hai vụ sát hại, nhưng bất chợt lại bãi vụ bắn ông Chut Wutty và nói rằng nghi can đã chết.

Ông Ou Virak là người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Campuchia. Ông nói việc tòa không theo đuổi vụ này cho thấy có sự can thiệp chính trị.

Nhà hoạt động môi trường Chut Wutty đang điều tra về các tố giác đốn gỗ bất hợp pháp khi ông bị chặn lại ở một chốt kiểm soát và bị bắn chết
Nhà hoạt động môi trường Chut Wutty đang điều tra về các tố giác đốn gỗ bất hợp pháp khi ông bị chặn lại ở một chốt kiểm soát và bị bắn chết
Ông Ou nói: “Nhiều giới chức thu lợi từ việc buôn bán bất hợp pháp, đốn gỗ bất hợp pháp, và mua bán gỗ bất hợp pháp, không hài lòng về ông ta. Và vì lý do đó, tôi cho rằng không ai muốn chính phủ và những người có thế lực đi điều tra.”

Ông Chut Wutty là một người thẳng thắn lên tiếng chỉ trích tham nhũng trong các vụ tranh chấp đất đai và tài nguyên thiên nhiên ở Campuchia.

Các vụ khác mới đây đã làm nổi bật ảnh hưởng của các nhân vật chính trị và kinh doanh có thế lực trong việc lũng đoạn hệ thống tư pháp.

Hôm thứ hai, một phiên tòa đã tuyên phạt người sở hữu đài phát thanh độc lập duy nhất của Campuchia án tù 20 năm về tội nổi loạn bất chấp bằng cớ lỏng lẻo.

Ông Mam Sonando, trưởng đài phát thanh Beehive, đã phát một số chương trình của đài VOA đã bị tuyên án 20 năm tù về tội tìm cách xúi giục nổi loạn chống nhà nước
Ông Mam Sonando, trưởng đài phát thanh Beehive, đã phát một số chương trình của đài VOA đã bị tuyên án 20 năm tù về tội tìm cách xúi giục nổi loạn chống nhà nước
Những người hoạt động nói rằng ông Mam Sonando, trưởng đài phát thanh Beehive, đã phát một số chương trình của đài VOA và đài Á châu Tự do, bị nhắm làm mục tiêu vì đã thách thức chính quyền.

Tòa theo đuổi vụ kiện chống lại bị can 70 tuổi này chỉ sau khi Thủ tướng Hun Sen đề nghị bắt giữ ông ta.

Bà Janice Beanland là một người vận động cho tổ chức Ân xá Quốc tế. Bà nói phán quyết nêu ra những nghi ngờ nghiêm trọng liệu có thể có một phiên xử công bằng ở Campuchia hay không.

Bà Beanland nói: “Tôi nghĩ năm nay đã chứng kiến một sự sa sút đáng kể trong tình hình tự do phát biểu, nhất là đối với những người bênh vực nhân quyền và những người biểu tình ôn hòa. Họ đang ngày càng bị ngược đãi, và có thể chịu các biện pháp pháp lý qua các tòa án do chính phủ kiểm soát và bạo lực kể cả những vụ giết người.”

Hồi tháng 9, thi thể một ký giả điều tra về các liên hệ đốn gỗ bất hợp pháp với quân đội Campuchia đã được phát hiện trong thùng sau một chiếc xe hơi.

Một số cơ quan truyền thông không được tường thuật về các vụ xung đột tràn lan phát xuất từ các vụ chuyển nhượng và chiếm đất
Một số cơ quan truyền thông không được tường thuật về các vụ xung đột tràn lan phát xuất từ các vụ chuyển nhượng và chiếm đất
Có ít nhất 3 vụ việc khác trong năm nay có liên quan đến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình không có vũ trang phản đối các vấn đề lao động và đất đai.

Hồi tháng 5, một em gái 14 tuổi đã bị bắn chết trong một vụ đuổi đất tàn bạo.

Ông Ou Virak nói dường như có tình trạng bất dung chấp chỉ trích ngày càng tăng những chỉ trích trước khi diễn ra cuộc bầu cử toàn quốc – nhất là về những vấn đề đất đai.

Ông Ou cho biết: “Đảng cầm quyền không hài lòng với kết quả bầu cử địa phương mới nhất vào năm 2012, mặc dù họ thắng áp đảo, họ trông đợi nhiều hơn. Do đó họ bắt đầu bịt miệng giới chỉ trích, họ bắt đầu ngăn chặn một số cơ quan truyền thông không được tường thuật về các vụ xung đột tràn lan phát xuất từ các vụ chuyển nhượng và chiếm dụng đất. Và theo tôi, việc trấn át sẽ còn tiếp tục cho đến ngày bầu cử.”

Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng 6 vào các chức xã trưởng, với tỷ lệ trên 70 phần trăm số phiếu.

Nhưng đảng này mất thế ở các khu vực có tranh chấp đất đai và cưỡng bức rời khỏi các khu đất cho các công ty nước ngoài thuê.

Tính nhạy cảm của vấn đề này đã khiến Thủ tướng Hun Sen ban hành một lệnh cấm và xét duyệt lại những vụ chuyển nhượng đất.

Ông Surya Subedi là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Campuchia. Ông nói trong khi ngăn chặn tập tục thiên về tham nhũng là một bước đi theo đúng hướng, thì quyền tự do phát biểu vẫn bị suy đồi.

Ông Subedi nói: “Và trong thời gian sắp đến ngày bầu cử, tôi đã yêu cầu chính phủ nới lỏng tình hình và tôi đã đề nghị phải có một bầu không khí chính trị cởi mở và tự do để tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do. Và tôi đã thấy qua một số vụ việc vừa xảy ra là mọi việc không đi theo đúng hướng.”

Trong một bản phúc trình hồi tháng 7 lên Liên Hiệp Quốc, ông Subedi nói những người bênh vực nhân quyền nay lo sợ cho mạng sống của mình và sự bất dung chấp ngày càng tăng của chính quyền có phần chắc sẽ ảnh hưởng đến không gian chính trị cho các đảng đối lập.

Ông Sam Rainsy lãnh đạo đảng đối lập đang tự ý đi sống lưu vong để tránh bị tù về các tội mang tính cách chính trị
Ông Sam Rainsy lãnh đạo đảng đối lập đang tự ý đi sống lưu vong để tránh bị tù về các tội mang tính cách chính trị
Đảng đối lập chính Sam Rainsy hôm thứ ba đã loan báo được sự chấp thuận sát nhập với đảng Nhân quyền để thành lập đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia.

Nhưng cho dù có được một sân chơi công bằng, phe đối lập chỉ chiếm có 29 ghế trong Quốc Hội, so với 90 ghế của đảng CPP.

Ông Sam Rainsy lãnh đạo đảng này đang tự ý đi sống lưu vong để tránh bị tù về các tội mà giới chỉ trích nói là mang tính cách chính trị.

Thủ tướng Hun Sen đã cai trị Campuchia 27 năm và cho biết ông sẽ ở lại nắm quyền cho đến chết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG