Đường dẫn truy cập

Hệ thống cảnh báo có hữu hiệu để đề phòng thiên tai sóng thần


Những người dự lễ tưởng niệm nạn nhân sóng thần ở Ban Nam Khem, Thái Lan, cầu nguyện và thả những chiếc đèn lồng lên trời, 26/12/14
Những người dự lễ tưởng niệm nạn nhân sóng thần ở Ban Nam Khem, Thái Lan, cầu nguyện và thả những chiếc đèn lồng lên trời, 26/12/14

Các buổi lễ tưởng niệm ở miền nam Thái Lan đánh dấu 10 năm ngày xảy ra trận động đất và sóng thần năm 2004 đã quy tụ hàng ngàn người Thái, người nước ngoài và các quan khách. Nhưng theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các chuyên gia nói mặc dầu đã chi ra hàng triệu đôla vào các hệ thống cảnh báo sớm, vẫn còn nhiều khuyết điểm trong việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong vùng.

Tại tỉnh Phang Nga miền nam Thái Lan, các buổi lễ đánh dấu thảm hoạ sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 được tổ chức gần một chiếc tàu cảnh sát Thái bị sóng đánh lên nằm trên cạn cách đây đúng 10 năm.

Buổi lễ vào xế chiều, do Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha chủ toạ, đã quy tụ những người sống sót, các thân nhân và quan khách từ 14 nước ngoài có công dân bỏ mình trong tai nạn.

Hơn 2.200 người nước ngoài, đa số là du khách đến Thái Lan nhân dịp Lễ Giáng Sinh đã thiệt mạng ở gần Phang Nga. Hơn 1 ngàn nạn nhân là từ Đức tới, 534 người, và Thuỵ Điển có 526 người. Tại Thái Lan, tổng cộng 5 ngàn 400 người đã mất mạng, trong đó có 2 ngàn 500 người mang quốc tịch Thái.

Các nạn nhân khác là từ Phần Lan, Anh Quốc, và Thuỵ Sĩ, cũng như Australia, Triều Tiên, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Hàng trăm công nhân di trú Myanmar cũng thiệt mạng.

Khắp khu vực, 230 ngàn người đã mất mạng. !30 ngàn người ở tỉnh Banda Aceh của Indonesia, là nơi gánh chịu sức mạnh của cơn sóng thần.

Thảm kịch đã khơi ngòi cho nỗ lực quốc tế ồ ạt nhằm thiết đặt các hệ thống cảnh báo sớm để có thể ngăn ngừa sự tổn thất sinh mạng tái diễn. Các hệ thống được thành lập khắp hơn 2 chục quốc gia, cùng với những phao nổi theo dõi sẵn sàng đo các chuyển động trên biển.

Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, động đất và sóng thần đã cướp đi hơn 910 ngàn sinh mạng tính từ năm 1970. Nhưng nay đang có những lo ngại rằng về tình trạng tự mãn ngày càng tăng trong chính phủ và dân chúng địa phương.

Bà Shamika Sirimane, người đặc trách giảm thiểu rủi ro thiên tai trong Uỷ ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Á Thái Bình Dương, nói rằng các chính phủ cần phải chi nhiều hơn để tránh việc lập lại thảm hoạ năm 2004:

“Đưa những mối quan ngại về thiên tai vào những phòng họp nguy nga về tài chính và kế hoạch để họ nhận thức rằng có một khối lượng lớn đầu tư cần phải thực hiện và có những hệ thống cảnh báo sớm từ đầu này đến đầu kia cần phải thiết đặt – còn rất nhiều việc cần phải làm – đây là một nghị trình chưa hoàn tất.”

Nhà khí tượng học Thái Lan Samith Dharmasaroja đã cảnh báo về một thiên tai có thể xảy ra ở châu Á Thái Bình Dương do một trận động đất và sóng thần trước khi xảy ra thảm hoạ năm 2004. Nay ông Samith nói sự bảo trì không được đầy đủ trong các hệ thống cảnh báo sớm.

“Hệ thống cảnh báo mà tôi thiết đặt – gần 100 trung tâm cảnh báo ở khu vực nam Thái Lan, vùng tây nam, không ai nhận lãnh trách nhiệm, không ai thực hiện việc bảo trì; tháp cảnh báo và không có công tác bảo trì thường xuyên cho mỗi tháp.”

Nhà khoa học pháp y hàng đầu của Thái Lan Pornthip Rojanasunand, đã dành gần 6 tuần lễ ở Thái Lan đã nhận diện các nạn nhân cùng với các toán khoa học gia và cảnh sát quốc tế. Bà nói cảnh sát địa phương và các cộng đồng vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với một tai hoạ trong tương lai:

“Về phần ngay sau khi tai nạn xảy ra thì tôi cho là chưa; chúng ta vẫn chưa ứng phó được với loại sự cố như thế. Ý tôi muốn nói là quy mô lớn sau sóng thần. Cảnh sát vẫn còn chờ đợi. Kiến thức pháp y về loại công tác này sẽ dần dà biến mất. Những người đã trải qua vụ sóng thần phải chuyển công tác và một số về hưu. Vậy là trong tương lai chúng ta vẫn có vấn đề.”

Một hệ thống cảnh báo sớm tinh vi, trị giá trên 400 triệu đôla đang được thiết đặt ở 28 nước. Nhưng giáo dục quần chúng còn thiếu về hệ thống và nhiều bộ phận không hoạt động.

Khi một trận động đất mạnh 8,6 độ xảy ra ở tỉnh Banda Aceh của Indonesia vào năm 2012, dân chúng đã hoảng loạn và né tránh những nơi tạm trú xây lên cho mọi mục đích. Thay vì thế họ làm kẹt đường chạy thoát, trong khi một mạng lưới còi hụ cảnh báo im tiếng, không hoạt động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG