Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc kỷ niệm vụ nổi dậy Gwangju


Một thân nhân của các nạn nhân cuộc nổi dậy Gwangju tại Nghĩa trang Quốc gia ở Gwangju, Hàn Quốc.
Một thân nhân của các nạn nhân cuộc nổi dậy Gwangju tại Nghĩa trang Quốc gia ở Gwangju, Hàn Quốc.

Tuần này, Nam Triều Tiên đánh dấu 35 năm ngày xảy ra một vụ biểu tình đã đưa đến chết chóc. Vụ nổi dậy Gwangju được cho là có công mở đầu cho cuộc cách mạng dân chủ trong nước sau khi bị trấn át tàn bạo dưới tay các nhà lãnh đạo quân sự trước đây. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Jason Strother, một số quan sát viên lo ngại rằng gần đây nền dân chủ đã bị xói mòn.

Một buổi lễ vinh danh những người đã mất mạng trong vụ nổi dậy Gwangju diễn ra tại hiện trường vụ trấn át của chính phủ. Ông Jeong Eee-haeng nhắc lại ngày ông bị kẹt giữa cuộc giao tranh giữa người biểu tình và quân đội Nam Triều Tiên.

“Tôi còn nhớ đang trên đường đi làm vào ngày 18 tháng 5 năm 1980 khi binh sĩ nhảy dù vào thành phố. Họ bắt đầu đuổi theo tôi.”

Quỹ Kỷ niệm Ngày 18 tháng 5 cho biết ít nhất 14 người đã bị giết khi binh sĩ chiếm lại thành phố từ tay người biểu tình chống đối chế độ độc tài quân phiệt. Hàng chục người khác bị mất tích và khoảng 4.000 thường dân bị thương trong cuộc giao tranh phải 9 ngày sau mới kết thúc. Vào lúc đó, Seoul gán cho cuộc biểu tình là thân Cộng. Đó là một lý do vì sao một số cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ, không lên án vụ trấn át.

Đó là theo nhận định của ông George Katsiaficas, tác già cuốn sách Asia’s Unknown Uprisings (Những cuộc Nổi dậy Vô danh ở châu Á):

“Họ rất lấy làm lo ngại rằng một nền dân chủ ở Triều Tiên, ở Nam Triều Tiên, sẽ có nghĩa là một chế độ thù nghịch với Hoa Kỳ.”

Ông Katsiaficas nói thêm rằng nếu không xảy ra vụ nổi dậy Gwangju, thì ngày nay Nam Triều Tiên sẽ không là một nền dân chủ. Nhưng ông và các quan sát viên khác cho rằng họ lo ngại về lề lối xử lý các vụ biểu tình hiện nay ở nước này.

Hồi tháng 4, cảnh sát chống bạo động Nam Triều Tiên đã dùng sức mạnh trấn dẹp một cuộc biểu tình của các gia đình những người tử nạn trên chuyến phà Sewol. Hội Ân xá Quốc tế lên án hành động của chính phủ và nêu quan ngại về quyền tự do phát biểu ở Nam Triều Tiên.

Một số người tham gia cuộc nổi dậy Gwangju, như ông Na Il-sung, nói vụ này và các vụ việc khác vừa xảy ra hồi gần đây khiến cho sự hy sinh của họ dường như vô ích.

“Đã 35 năm rồi kể từ cuộc biểu tình của chúng tôi và chúng ta đã đạt được tiến bộ. Nam Triều Tiên đã là một nền dân chủ. Nhưng tôi cảm thấy tiến bộ này đang bị đảo ngược và với tư cách một người sống sót, tôi lấy làm lo ngại.”

Ông Na nói thêm rằng nền dân chủ ở Nam Triều Tiên là một điều vẫn cần phải tranh đấu mới có được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG