Đường dẫn truy cập

Khó khăn của Hy Lạp đè nặng lên kinh tế châu Âu


Ủy viên Kinh tế và Tiền Tệ của Liên Hiệp châu Âu Olli Rehn đang thúc đẩy thành lập quĩ cứu nguy lớn hơn
Ủy viên Kinh tế và Tiền Tệ của Liên Hiệp châu Âu Olli Rehn đang thúc đẩy thành lập quĩ cứu nguy lớn hơn

Những lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ lan rộng dường như đang tác hại cho nền kinh tế các nước châu Âu.

Tại Bruxelles, Ủy Ban châu Âu đã đảo ngược tiên đoán về tăng trưởng kinh tế đưa ra trước đây, và hôm thứ Năm tiên liệu rằng năm 2012 sẽ là một năm suy thoái nhẹ, ít nhất là trong khu vực đồng euro gồm 17 nước.

Ủy Ban tiên đoán nền kinh tế sẽ co cụm 0,3% tương phản hẳn với ước tính trước đây cho rằng kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng 0,5% trong năm nay.

Suy thoái kinh tế tại Ý và Tây Ban Nha là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế chung của khối euro co cụm. Nhưng Hy Lạp là nơi mà những khó khăn của biện pháp thắt lưng buộc bụng được cảm nhận rõ nhất.

Tại Hy Lạp, trọng tâm của mọi sự chú ý, lại một ngày nữa xảy ra biểu tình phản đối. Lần này là các nhân viên y tế lãng công.

Dù cố gắng lèo lái con thuyền quốc gia như thế nào chăng nữa, chính phủ chẳng đưa ra được mấy biện pháp làm dịu nỗi bất mãn của dân chúng.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp nói: ” Vấn nạn ở đây là: hoặc hy sinh để còn nhìn thấy triển vọng, hay hủy diệt tất cả để không còn một triển vọng nào nữa. Hoặc là chọn giảm chi thật nhiều, điều này đang gây quá nhiều khó khăn và đè nặng lên tâm trí chúng ta, hay là chọn tình trạng quốc gia không có tiền để trả lương và hưu bổng? Cắt giảm phúc lợi hay để mất tất cả phúc lợi? Mức thất nghiệp cao hay đi đến tình trạng cả nước thất nghiệp?“

Nhưng bây giờ lại còn thêm mối lo nữa: tình trạng suy thoái kinh tế.

Ủy viên Kinh tế châu Âu Olli Rehn lên tiếng: ”So với tiên đoán đưa ra tháng 11 năm ngoái, thì triển vọng kinh tế u ám hơn và những nguy cơ đối với sự tăng trưởng kinh tế vẫn hiện hữu.”

Ủy viên Kinh tế và Tiền Tệ của Liên Hiệp châu Âu Olli Rehn nói ngừơi ta dự kiến là vụ suy thoái sẽ ở mức độ nhẹ, và đang có những dấu hiệu là khu vực đồng euro đang ổn định, nhưng vẫn còn những trở ngại lớn cần phải vượt qua. Ông nói:

“Chúng ta cần phải nhận ra rằng đây là một vụ khủng hoảng lòng tin và để lấy lại niềm tin chúng ta cần phải giải quyết nợ quốc gia và đồng thời thu nhỏ lại những nguy cơ của khu vực ngân hàng.”

Ủy viên Rehn nói rằng châu Âu có thể thoát ra khỏi cuộc suy thoái khá sớm nếu như các nhà hoạch định chính sách đưa ra hành động cuơng quyết, như tìm ra những phương cách giảm chi trong lúc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời ủy viên Rehn và các giới chức khác đang thúc đẩy thành lập quĩ cứu nguy lớn hơn, điều mà nước Đức đã phản đối.

Thế nhưng nhiều người Hy Lạp và những người dân khác ở châu Âu vẫn lo ngay ngáy không biết họ sẽ có tiếp tục nhận được tấm chi phiếu trả lương hay không.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG