Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động: ‘2018 - năm tồi tệ nhất về vi phạm nhân quyền ở VN’


Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù và 5 năm quản chế.
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù và 5 năm quản chế.

Các nhà hoạt động nhận định rằng năm 2018 là một năm tồi tệ nhất về thành tích nhân quyền ở Việt Nam với hàng trăm người bất đồng chính kiến bị bắt, nhiều người bị án tù cao hơn trước nhiều, trong khi các nhà tranh đấu luôn bị nhân viên an ninh hành hung, sách nhiễu.

Từ Hà Nội, nữ luật sư nhân quyền Lê Thị Công Nhân nói rằng trong năm 2018 chính quyền Việt Nam đã đưa ra những bản án “khủng khiếp chưa từng có”:

“Trong năm qua chính quyền đã tuyên những bản án khốc liệt, án tù 20 năm cho anh Lê Đình Lượng, một nhà đấu tranh bảo vệ môi trường [phản đối] Formosa; hay bản án khủng khiếp cho Luật sư Nguyễn Văn Đài 15 năm tù và rất nhiều bản án khác … Nhà cầm quyền bất chấp tất cả sự lên tiếng của quốc tế”.

Trong năm qua chính quyền đã tuyên những bản án khốc liệt ... bất chấp tất cả sự lên tiếng của quốc tế.
Luật sư nhân quyền Lê Thị Công Nhân

Theo các nhà hoạt động, phong trào đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam tiếp tục bị đàn áp một cách khốc liệt, nhân quyền tiếp tục bị vi phạm trầm trọng.

Các nhà tranh đấu Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển.
Các nhà tranh đấu Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển.

Từ đầu năm 2018, diễn ra những vụ xử án nhắm vào các nhà hoạt động và đấu tranh, điển hình như vụ xét xử ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An với mức án lên đến 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Kế đến là hàng loạt các thành viên của Hội Anh em Dân chủ như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, và Phạm Văn Trội, với mức án tổng cộng lên đến 66 năm tù giam, 17 năm quản chế.

The 88 Project, một tổ chức phi lợi nhuận về nhân quyền của Hoa Kỳ, cho biết có đến 103 nhà hoạt động bị bắt, 120 nhà hoạt động bị xử án tù trong 2018, nặng hơn và nhiều hơn so với năm 2017. Trong số 120 người bị kết án, có 11 người bị án tù từ 10 đến 14 năm, có hai người bị kết án 15 đến 19 năm tù.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Người Bảo vệ Nhân quyền, cho VOA biết:

“Trong năm 2018, theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam bắt giữ 26 nhà hoạt động và kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù và 66 năm quản chế. Con số này chưa kể đến hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình giữa tháng 6 phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu kinh tế”.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định cho VOA biết:

“Điều kiện nhân quyền trong 2018 rất tệ hại. Sở dĩ những ngày tháng cuối năm chúng ta không nghe thấy có nhiều tin bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến là vì nhà cầm quyền Việt Nam đang thương lượng với cộng đồng châu Âu về việc phê chuẩn hiệp định tư do thương mại song phương nên họ tạm lắng xuống việc bắt bớ, nhưng việc đàn áp nhân quyền vẫn tiếp tục xảy ra. Sự sách nhiễu nhà bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động vẫn diễn ra hàng ngày. Cách nay vài hôm tôi vẫn bị giam ở nhà từ sáng cho đến chiều do CLB Lê Hiếu Đằng tổ chức gặp mặt dịp cuối năm”.

Điều kiện nhân quyền trong 2018 rất tệ hại.
Luật sư Lê Công Định

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam còn sử dụng nhiều biện pháp để đàn áp giới bất đồng chính kiến như sử dụng côn đồ để đánh đập, cũng như cô lập kinh tế, ngăn cản việc gặp gỡ với các nhà ngoại giao, và cấm xuất cảnh.

HRW kêu gọi hoãn thi hành Luật An ninh mạng
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:20 0:00

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói:

“Trong năm qua nổi cộm lớn nhất trong vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là việc đàn áp hàng loạt các nhà đấu tranh, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu và Luật An ninh mạng từ tháng 6, với nhiều người bị bắt và bị bỏ tù, bị quy vào tội ‘gây rối trật tự công cộng’ hay ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Đây là việc vi phạm nhân quyền trắng trợn”.

Chỉ vì chống lại Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng mà có hàng trăm người dân khắp các tỉnh thành đã bị bắt và bị kết án. Đặc biệt là tại Ninh Thuận và Đồng Nai, có trên 60 người bị kết án tù nhiều năm.

Cũng trong năm qua, một số nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt bị bắt hay kết án tù nặng, như Will Nguyễn, Michael Nguyễn, Angel Phan, James Nguyễn... vì tham gia vào các hoạt động dân chủ ở trong nước.

Hai công dân Hoa Kỳ James Nguyễn và Angel Phan bị giải ra tòa ở Tp. HCM ngày 21/8/2018. Photo Soha
Hai công dân Hoa Kỳ James Nguyễn và Angel Phan bị giải ra tòa ở Tp. HCM ngày 21/8/2018. Photo Soha

Tuy nhiên, trong năm 2018 có 3 nhà hoạt động trong nước đã được trả tự do với điều kiện phải rời Việt Nam và sống lưu vong ở nước ngoài là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm; luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, và cộng sự Lê Thu Hà.

Các nhà hoạt động dự báo rằng tình hình vi phạm nhân quyền sang năm 2019 sẽ khó được cải thiện, thậm chí còn “u ám hơn” nhất là khi Luật An ninh Mạng được thực thi.

Ông Vũ Quốc Ngữ nói:

“Luật An ninh mạng sẽ có một tác động rất lớn đối với giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động online ở Việt Nam. Đó sẽ là một công cụ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến, những người phản biện xã hội, và các nhà hoạt động nói chung”.

Về phần mình, bà Lê Thị Công Nhân đưa ra ý kiến:

“Tất cả các chiêu trò đê hèn nhất mà một người bình thường khó nghĩ ra sắp tới sẽ được Việt Cộng tung ra lấy cớ thực thi Luật An ninh mạng. Họ còn lấy cớ luật này để phản bác sự can thiệp của quốc tế và chúng sẽ mạnh tay đàn áp một cách tàn bạo trên diện rộng trên cả nước đối với những tiếng nói phản kháng”.

Hôm 16/12, trong một báo cáo đệ trình cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã nêu các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm quyền tự do báo chí, tôn giáo, xã hội dân sự, hội đoàn độc lập, tra tấn trong tù…

HRW lên án chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG