Đường dẫn truy cập

Vì sao Tổng bí thư vào Đảng ủy Công an Trung ương?


Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 21/9 đã quyết định tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương. Sự kiện lần đầu tiên một Tổng bí thư Đảng Cộng sản chính thức trở thành “công an”, theo nhà bình luận, TS. Phạm Chí Dũng, đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc chấn chỉnh nội bộ đảng trong thời gian gần đây.

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin 3 nhân vật trong “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa được chỉ định vào Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương trong buổi lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị khóa XII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Đây là lần đầu tiên, một Tổng bí thư đảng Cộng sản có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng sự kiện này có liên quan đến những “biến động” gần đây trong nội bộ đảng.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận chính trị tại Việt Nam, nói việc không chính thức công bố chức danh cụ thể của ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra một số câu hỏi “tế nhị”.

Ông Dũng nói: “Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Phú Trọng là cấp trên hay cấp dưới của ông Tô Lâm? Vì hồi tháng 5 vừa rồi, ông Tô Lâm đã nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, vậy thì hiện nay, về mặt Đảng ủy Công an Trung ương, ông Tô Lâm đang là bí thư. Như vậy nếu ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc cùng nằm trong Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, thì vai trò của họ là như thế nào, đặc biệt là của ông Nguyễn Phú Trọng? Ông là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương hay chỉ là một vai trò bình thường?”

Nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng chức danh cụ thể của ông Tổng bí thư trong Đảng ủy Công an Trung ương sẽ cho thấy rõ hơn quyết định của ông Nguyễn Phú Trọng khi “xen” vào một trong những thế lực chính trị quan trọng là Bộ Công an.

Ông Dũng cho biết: “Nếu là vai trò bình thường, về mặt đảng trong Đảng ủy Công an Trung ương, thì ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải đứng ở vị trí dưới ông Tô Lâm. Còn nếu như ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương, thì như vậy ông Tô Lâm là gì? Và như vậy, quyết định phân công ông Tô Lâm làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương còn giá trị hay không? Thì lúc đó, tôi phải hiểu rằng ông Tô Lâm một cách nào đó đã bị “cách chức”, không còn là Bí thư Công an Trung ương nữa”.

Một câu hỏi nữa, theo TS. Phạm Chí Dũng, có liên quan đến nguyên nhân tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương của ông Trọng và những vụ bê bối trong nội bộ đảng gần đây:

“Bây giờ đang đặt ra một vấn đề hết sức tế nhị là tại sao ông Trọng lại quyết định tham gia vào Đảng ủy Công an Trung ương? Việc này liệu có liên quan gì đến việc gần đây có nguồn dư luận cho rằng Tổng bí thư thậm chí chẳng nắm được Đảng ủy Công an Trung ương và chẳng nắm được Bộ Công an, để Trịnh Xuân Thanh đào tẩu một cách ung dung, ngon lành như vậy? Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã tính đến việc đã đến lúc ông muốn giám sát cả hoạt động của Bộ Công an thông qua cơ chế Chính ủy trong Bộ Công an, tức Đảng ủy Công an Trung ương”.

Theo quyết định được công bố hôm 21/9, Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm có 16 người. Ban Thường vụ Công an Trung ương gồm 7 người, bao gồm “tam trụ” vừa được chỉ định tham gia.

Báo Quân Đội Nhân Dân nói Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an “giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2010”, nhưng không nói rõ chức vụ của ông Tô Lâm là bảo lưu hay theo quyết định trước đây. VOA chưa có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG