Đường dẫn truy cập

Khoảng cách giới tính trong Khoa học


Tỷ lệ phụ nữ và thành viên các nhóm thiểu số trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán chỉ đạt 25%
Tỷ lệ phụ nữ và thành viên các nhóm thiểu số trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán chỉ đạt 25%

Thưa quý vị, mặc dù trong khoảng 3 thập niên trở lại đây, số phụ nữ theo đuổi các môn khoa học, công nghệ vv... ngày một tăng, và các nữ sinh, sinh viên chứng tỏ họ không thua kém các bạn phái nam về khả năng toán và khoa học, con đường thăng tiến của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ vẫn gặp nhiều trở ngại. Hai phúc trình được công bố tại Hoa Kỳ mới đây tái xác nhận thực tế đó, và đưa ra một số lý do để giải thích vì sao phụ nữ và các nhóm thiểu số không được đại diện đúng mức trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán. Tạp chí Khoa Học và Đời sống tuần này xin được dành để bàn về một số chi tiết xoay quanh đề tài này, dựa trên bài tường trình của biên tập viên Đài VOA Rosanne Skirble, và một số tài liệu trên mạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển, OECD.

Bà Mae Jemison đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Bà là một kỹ sư hóa học, một bác sĩ, một giảng sư đại học và hồi năm 1992, bà trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Châu Phi đầu tiên được đưa lên không gian.

Bà cũng là Phát ngôn viên của chương trình quảng bá khoa học của tập đoàn Bayer. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm, công ty Bayer lại tài trợ một cuộc nghiên cứu về kiến thức khoa học và các vấn đề liên quan tới việc làm. Bà Jemison cho biết là trong cuộc nghiên cứu năm nay, 1.200 nữ kỹ sư hóa học đã được phỏng vấn. Bà giải thích về cuộc nghiên cứu này như sau:

“Cuộc nghiên cứu ấy cho thấy là trong khi các nhóm sắc tộc và phụ nữ đeo đuổi các ngành nghề trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư hay toán học, phải đối phó với một số rào cản trong hệ thống giáo dục, nhiều người đã thành công bất chấp những khó khăn đó. Điều mà chúng ta cần phải làm là thực sự tìm hiểu những rào cản ấy là gì.”

Trong khi phụ nữ và thành viên các nhóm thiểu số chiếm đến 2 phần 3 lực lượng lao động Mỹ, tỷ lệ đại diện cho thành phần này trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán chỉ đạt 25%. Cuộc nghiên cứu nêu lên một số nhân tố đưa đến tình trạng này: các trường học không đủ tiêu chuẩn, những định kiến tiêu cực về vai trò nam nữ trong xã hội, vấn đề tài chánh và thái độ thiên vị tại các trường học và nơi làm việc.

Tác giả cuộc nghiên cứu nói rằng trẻ con dưới 11 tuổi đã tỏ ra thích thú các đề tài khoa học, nhưng điều này đã không được khai thác để khích lệ các em đi vào các ngành khoa học khi lớn lên. Bà Jemison giải thích:

“Những đứa trẻ từ rất nhỏ đã thấy phấn khích về thế giới xung quanh. Các em rất tò mò về những gì xảy ra, nhưng trong nhiều trường hợp, các em gặp phải nhiều chướng ngại khi muốn trở thành các nhà khoa học chuyên nghiệp vì hệ thống giáo dục và xã hội còn nặng tính kỳ thị giới tính và sắc tộc. Thái độ thiên vị ấy đã đẩy nhiều em ra khỏi con đường theo đuổi khoa học.”

Gần 2 phần 3 đối tượng được phỏng vấn nói phụ nữ và các nhóm sắc tộc theo đuổi các ngành khoa học, kỹ thuật, không được đại diện đúng mức trong các công ty hoặc viện nghiên cứu mà họ cộng tác.

Gần 40% nói họ không được khích lệ khi theo đuổi sự nghiệp khoa học, đặc biệt trong thời gian còn là sinh viên, đôi khi họ đâm ra chán nản vì những nhận xét của các giáo sư, đây cũng là một kinh nghiệm mà bà Jemison đã từng nếm qua thời còn ở đại học. Bà nói các giáo sư tỏ ra không mấy phấn khởi khi nhận ra một số phụ nữ trong lớp học:

“Thái độ của họ thay đổi từ cái nhìn lạ lùng khi tôi đặt câu hỏi, thế mà khi một anh sinh viên đặt cùng câu hỏi ấy thì họ lại khen tấm tắc 'Thật là có óc quan sát!'. Vì thế đôi khi tôi cảm thấy lạc lõng trong môi trường ấy...”

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ đoạt được bằng cấp đại học và hậu đại học về các môn khoa học đã tăng, khoảng cách giữa nam và nữ vẫn đáng kể tại những nơi làm việc ở Hoa Kỳ. Đó là kết luận của một phúc trình khác do Hiệp Hội Giáo dục Đại học dành cho Phụ nữ (AAUW) công bố mới đây.

Phúc trình mang tên: “Why so few?” xin tạm dịch là “Vì sao ít phụ nữ thế?”, thu thập các nghiên cứu khoa bảng trong 15 năm qua, kết quả nghiên cứu nêu bật thái độ thiên vị có tính cách xã hội và văn hóa, và sự hiện diện của nhiều rào cản trong hệ thống giáo dục cao đẳng.

Đồng tác giả cuộc nghiên cứu, bà Andresse St. Rose nói trong khi các nữ sinh đạt được điểm cao về môn toán không thua kém các nam sinh, định kiến cho rằng con gái không giỏi toán bằng con trai vẫn bắt rễ và có sức mạnh chi phối cách ứng xử của nhiều người. Bà Andresse giải thích:

“Vì mang sẵn định kiến tiêu cực, các em gái nghĩ rằng mình không giỏi toán, dù đạt được điểm ngang hàng trong các cuộc trắc nghiệm môn toán”.

Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế (OECD) đã phân loại các nhân tố cản trở con đường tiến thân của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học vào 4 thể loại chính:

1. Thứ nhất là quan điểm xã hội: Thái độ của xã hội đối với quyền bình đẳng nam nữ, những định kiến về vai trò của phụ nữ và nam giới, đặc biệt vai trò của phụ nữ trong xã hội. Trong tư cách người vợ, người mẹ, phụ nữ thường được coi là có bổn phận chăm sóc gia đình, dẫn đến tình trạng các em nữ sinh không được gia đình hay xã hội khuyến khích theo đuổi lĩnh vực khoa học.

2. Sự khác biệt về tuổi tác: Trong một số xã hội, phụ nữ thường đi vào nghiên cứu với số tuổi cao hơn so với các nam đồng nghiệp, vì họ phải hoãn theo đuổi công danh cho đến khi con cái đã tự lập.

3. Tình trạng thiếu những tấm gương phụ nữ để noi theo. Không có một mạng lưới để hỗ trợ tinh thần, và truyền thống người đi trước, đã thành công, hướng dẫn người đi sau. Nhiều phụ nữ khó vượt qua những rào cản nơi làm việc, nơi mà đàn ông thường nâng đỡ người cùng phái, vì muốn duy trì ưu thế truyền thống.

4. Sự kiện phụ nữ không được huấn luyện để nắm các chức vụ lãnh đạo. Thành công trong học vấn, và nghiên cứu khoa học rất cần thiết, nhưng không đủ để phụ nữ có thể thăng tiến trong lĩnh vực khoa học. Họ còn cần được hướng dẫn và đào tạo về các kỹ năng lãnh đạo, thông đạt, và đủ tự tin để có thể giải quyết những tình huống khó khăn.

Phúc trình của Hiệp Hội Giáo dục Đại học dành cho Phụ nữ (AAUW) đề nghị một số bước để nâng cao nhận thức về thành quả khoa học của phụ nữ, đồng thời khuyến khích các trường đại học tạo điều kiện để thu hút nữ sinh viên. Bà St. Rose nói muốn thành công, tất cả những bước đó đều phải được thi hành ở mọi cấp bậc, từ mẫu giáo cho tới lớp 12, với sự tham gia của các nhà giáo, các nhà tư vấn hướng nghiệp, các giới chức đại học, cũng như giới chủ nhân và các nhà làm chính sách.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG