Đường dẫn truy cập

Châu Á: Trọng tâm của hội nghị G20 và APEC sắp tới


Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào ngày 11-12/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc
Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào ngày 11-12/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc sẽ có mặt trong số các nhà lãnh đạo thế giới tại hai hội nghị thượng đỉnh kinh tế quan trọng, đều diễn ra tại châu Á trong tháng 11.

Đề tài quan trong tại hội nghị G20 ở Nam Triều Tiên là tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể đưa kinh tế toàn cầu tới chỗ thoái bộ.

Hội nghị APEC ở Nhật Bản tập trung vào chuyện phát triển thương mại tại châu Á, khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Người ta trông đợi là lãnh đạo các nước trong khối G20 sẽ xác nhận những thoả thuận do các bộ trưởng tài chính soạn thảo hơn một tháng trước đây. Các nhà lãnh đạo đã hứa tránh một vòng tranh đua giảm giá chỉ tệ gây tai hại.

Nhưng Trung Quốc tố giác Hoa Kỳ đã vi phạm tinh thần của cam kết này bằng cách in thêm nhiều đô la, mà Bắc Kinh nói là làm mức lạm phát của Trung Quốc tăng thêm. Washington tố giác ngược lại Bắc Kinh giữ giá đồng nguyên thấp một cách giả tạo.

Khối G20 cũng sẽ xét tới việc đặt ra các mục tiêu cụ thể cho cán cân mậu dịch, là điều Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên bênh vực, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức lại hoài nghi.

Bà Sohn Jie-Ae, nữ phát ngôn nhân của hội nghị thượng đỉnh G20 thừa nhận là nếu khối này không thể duy trì được tình trạng gắn bó với nhau, sự hiện hữu của khối sẽ không còn thích hợp:

“Như vậy câu hỏi trở thành liệu tổ chức này có thể tiếp tục hoạt động ngay cả trong trường hợp nền kinh tế thế giới không bị khủng hoảng? Vì vậy, có loại áp lực đó đối với hội nghị thượng đỉnh G20.”

Nhưng ngay cả trong trường hợp đạt được những thoả thuận đáng kể, thì cũng không rõ có giữ được những thoả thuận đó hay không.

Nhưng bà Sohn lưu rằng khối này không có mục đích trở thành một thực thể có quyền bắt phải tuân theo các thoả thuận, và một hội nghị của cấp lãnh đạo quốc gia hiếm khi đặt ra mục đích như thế:

“Khi 20 nhà lãnh đạo các nước ngồi chung quanh bàn hội nghị, trong thông cáo chính thức không có gì nói về những chuyện mà tất cả 20 nhà lãnh đạo không thoả thuận – tất cả mọi ngôn từ, mọi chi tiết đều được tất cả 20 nước chấp thuận. Vì thế mặc dầu không có cơ quan cưỡng hành để bảo đảm rằng tất cả mọi nước phải tuân theo luật lệ, nhưng đó là một thứ mà mọi nước đều cùng nhau thoả thuận. Nhưng các nước thành viên trong khối đứng trước áp lực phải giữ đúng lời hứa”

Khi bắt đầu chuyến du hành Châu Á mới nhất, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ghi nhận giá trị của những hội nghị như vậy trong việc thúc đẩy tự do mậu dịch:

“Như vậy thì, qua APEC, G20, và quan hệ song phương, chúng ta đang làm việc để quảng bá cho có thêm thị trường mở rộng, giảm bớt những hạn chế về xuất khẩu, có thêm sự minh bạch, và nói chung là theo đuổi đường lối công bằng trong giao dịch thương mại. ”

Những người khác thì ít kỳ vọng ở các hội nghị thượng đỉnh này. Ông Dan Ikenson, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại tại Viện nghiên cứu Cato ở Washington, phát biểu:

“Rất hiếm khi có điều gì cụ thể được đưa ra tại những hội nghị này. Như vậy thì hội nghị chỉ có tính cách một cơ hội cho những người quan tâm về chính sách thương mại, chính sách an ninh cùng với báo giới tập họp và thổi phồng tầm vóc của hội nghị.”

Các kinh tế gia và các nhà phân tích chính trị nói G20 sẽ được gọi là một thành công nếu giải quyết được vụ tranh chấp về chỉ tệ và hứa hẹn giảm bớt tình trạng mất quân bình trong cán cân mậu dịch.

Các chuyên gia này nói rằng, hội nghị thượng đỉnh của khối APEC chắc sẽ không hoàn tất được việc gì khác hơn là đạt được những bước nhỏ tiến tới việc hòa nhập kinh tế cấp khu vực.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG