Đường dẫn truy cập

Freedom (Tự Do) - Jonathan Franzen


Freedom (Tự Do) - Jonathan Franzen
Freedom (Tự Do) - Jonathan Franzen

Freedom/Tự Do của Jonathan Franzen có chủ đề là sự tan rã của tình yêu, hôn nhân, gia đình trung lưu Mỹ ở giai đoạn những thập niên sau biến cố lịch sử 11/9. Sự tan rã này có nguyên nhân từ quan niệm tự do gắn liền với quyền lực vốn đã ăn sâu trong tâm khảm của người Mỹ. Tác giả ngầm gợi ý, thức tỉnh người đọc hãy ý thức về hậu quả của tự do không giới hạn là những lỗi lầm khó bề sửa sai, cứu chuộc.

Cách đây trên 9 năm cuốn tiểu thuyết The Corrections/Sửa Sai của Jonathan Franzen ra mắt độc giả Mỹ năm 2001, quyển sách đã gây ra nhiều dư luận khá ồn ào, nhiều khi không liên hệ gì tới văn chương. Dư luận một mặt tạo nên bởi hai phe phê bình và độc giả - một bên yêu thích và ca ngợi, một bên chê bai và riễu cợt - và cũng do chính những tuyên bố và việc làm của Jonathan Franzen. Sau khi quyển truyện được trao giải văn chương National Book Award và vào chung kết giải Pulitzer, Oprah Winfrey, một tên tuổi lừng lẫy của truyền hình Mỹ và cũng là người lập ra câu lạc bộ đọc sách Oprah Winfrey tuyển chọn quyển The Corrections vào danh sách tác phẩm xuất sắc, với chính Jonathan Franzen ngồi trong ban tuyển chọn, được Oprah Winfrey phỏng vấn, nhưng chỉ một tháng sau đó Jonathan Franzen tuyên bố không cảm thấy thoải mái về sự chọn lựa này của Oprah Winfrey, và e ngại nếu đề phù hiệu (logo) Oprah Winfrey’s Club trên bìa quyển sách thì độc giả nam giới sẽ xa lánh quyển sách. Sự kiện này tạo nên một dư luận tranh cãi khá ồn ào.

Một lần nữa, vào mùa hè năm nay, quyển tiểu thuyết Freedom/Tự Do vừa phát hành cũng đang gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều, kẻ khen cũng lắm người chê cũng nhiều. Trên phương diện tiếp thị, công bằng mà nói, quyển Freedom của Jonathan Franzen đã được The New Yorker, là tờ báo Jonathan Franzen cộng tác trong nhiều năm, cách đây mấy tháng đã chuẩn bị khuyến mãi khá kỹ lưỡng bằng cách cho đăng trọn chương thứ nhất của quyển sách. Trong bài điểm sách trên The New York Times Book Review, Michiko Kakutani cũng ca ngợi Freedom là một quyển tiểu thuyết gây ấn tượng sâu sắc - điều khôi hài là mấy năm trước đây Jonathan Franzen từng công khai tuyên bố Michiko Kakutani là một kẻ “ngu xi nhất hạng” – và tạp chí Times số tháng Chín này cũng sẽ chạy hình bìa chân dung Jonathan Franzen và đi bài giới thiệu quyển sách, như vậy tác giả quyển Freedom đương nhiên được coi là một nhân vật quan trọng trong năm, theo cách làm xưa nay của tờ tạp chí này. Jonathan Franzen năm bay mới ngoài 50 tuổi, tuy mới chỉ có 4 tiểu thuyết được xuất bản nhưng vẫn được kỳ vọng là nhà văn sẽ viết ra “quyển tiểu thuyết Mỹ vĩ đại” (Great American Novel).

Người ta kỳ vọng như vậy vì tiểu thuyết của Jonathan Franzen có chủ đề chính là gia đình Mỹ thời đại ngày nay đang đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy sụp. Hơn nữa, Jonathan Franzen có tầm nhìn và lối viết tiểu thuyết của một nhà văn hậu-hiện-đại với những câu văn sắc sảo, tạo ấn tượng nhanh và mạnh trên người đọc, tạo cho người đọc cảm thấy đó cũng là những ý tưởng mình có trong đầu nhưng không có khả năng viết ra như vậy.

Nếu quyển Corrections trước đây ra mắt độc giả hơn một tuần lễ sau biến cố 11/9 viết về gia đình nhà Lambert ở thời gian những thập niên trước biến cố lịch sử này thì quyển Freedom dày trên 500 trang xoay quanh mối liên hệ của gia đình Berglund gồm có người chồng là Walter, vợ là Patty, cùng với con trai là Joey và con gái Jessica cùng với người bạn trai thân thiết của Walter là Richard Katz vào những thập niên sau biến cố này.

Trong trên 20 trang sách có thể coi như phần nhập đề, tác giả phác họa lộ trình từ thăng hoa xuống tàn lụi của cuộc hôn nhân giữa Walter và Patty để sau đó hướng trọng tâm vào việc triển khai chủ đề được dùng làm tựa đề quyển truyện: hai chữ “tự do” là biểu trưng gần như có tính chất tôn giáo của nước Mỹ suốt trong chiều dài lịch sử xứ này, và chữ này nhiều khi được gắn liền với chữ “sức mạnh.”

Chính sự gắn liền này là gốc rễ của vấn đề: người Mỹ luôn khẳng định “tự do cá nhân” cho nên sự đụng chạm tới tự do của người khác khó tránh khỏi, và hậu quả là cả ta lẫn tha nhân nhiều khi có cảm nhận tự do của mình bị đe dọa. Cho nên chẳng ngạc nhiên, như Jonathan Franzen viết: “cái tính cách dễ dàng bị ảnh hưởng bởi giấc mơ về sự tự do vô hạn là một tính cách cũng dễ dàng ngiêng về sự ghét bỏ người khác và nổi giận khi giấc mơ đó không hiện thực.” Khốn nỗi, trên thực tế, giấc mơ tự do vô hạn đó chẳng bao giờ hiện thực, giản dị chỉ vì mọi người ai cũng khư khư bảo lưu niềm tin đó. Khoảng cách từ tự do đến lỗi lầm do vậy không xa. Tự do trong bức tranh lớn hiện trạng kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội Mỹ hôm nay dĩ nhiên được phản ánh rõ nét hơn trong bức tranh vĩ mô gia đình.

Trong chương mở đầu “Hàng Xóm Tốt” tác giả phác họa chân dung từng người của gia đình Berglund, vào thập niên 80s cặp vợ chồng Walter và Patty được coi như những lãnh tụ tiên phong trẻ tuổi trong việc tái tạo khu gia cư Ramsey Hill ở St. Paul, Minnesota từ một khu nhà cửa cũ nát thành một khu chung cư sang trọng. Tuy vậy, hàng xóm trong khu chung cư này ngoài mặt cho rằng cả Walter lẫn Patty đều dễ mến nhưng trong thâm tâm họ không ưa thích vợ chồng nhà Berglunds vì thật ra Walter là một người cha và người chồng hãnh tiến một cách thụ động còn Patty là một kẻ bẳn tính, hay nổi giận với chồng và họ thường thấy Patty trong tình trạng bấn loạn.

Trong chương “Những Lỗi Lầm Đã Phạm Phải” viết dưới dạng tự truyện của Patty, tác giả dùng thể tự sự ở ngôi thứ nhất. Patty bị trầm cảm, và theo lời khuyên của vị bác sĩ trị liệu tâm thần, viết những trang tự truyện này như một bản tự thú với hy vọng thoát ra khỏi bệnh trầm cảm. Patty kể lại đời mình từ khi còn là một thiếu nữ. Cha mẹ cô xưa kia là những khuôn mặt tiếng tăm, mẹ là dân biểu thuộc đảng Dân Chủ ở Westchester, New York, cha là một luật sư gốc con nhà triệu phú nổi tiếng bênh vực thân chủ người da màu thiểu số.

Ngược giòng thời gian 20 năm hồi còn là nữ sinh trung học, Patty kể lại kinh nghiệm hãi hùng ghê tởm khi bị con trai một cặp vợ chồng giàu có quyền thế trong giới chính trị, rất thân với cha mẹ, đã cưỡng hiếp cô trong một bữa tiệc có các bậc cha mẹ cùng dự. Khi kể lại sự việc cho cha mẹ biết nhưng cha mẹ cô đã bỏ qua vì nể sợ cha mẹ đứa con trai đã hiếp Patty. Patty rất đau đớn vì từ nhỏ đã không được cha mẹ chú ý săn sóc, tuy sống trong gia đình nhưng như thể tự lưu đầy.

Phẫn hận chống đối cha mẹ cho nên khi bước chân lên đại học, Patty đã không nghe lời cha mẹ vào học những trường đại học nổi tiếng mà vào học ở đại học Minnesota vì được trường này cấp học bổng, vì cô là một hảo thủ bóng rổ.

Chính ở trường này, cô đã gặp gỡ Walter Berglund, một sinh viên khoa Luật xuất sắc, có chí hướng tương lai rõ rệt, là kẻ yêu và bảo vệ thiên nhiên tuy gốc gác nông dân, cha anh là một người lao động rượu chè say sưa, và bạn cùng phòng của Walter là Richard Katz, một ca sĩ nhạc Roch’n Roll đang lên. Trong khi Walter hiền lành chăm chỉ thì Richard là một kẻ hào hoa phong nhã, có trái tim yêu đương nóng bỏng theo đuổi phụ nữ, có nếp sống nghệ sĩ rong chơi. Sau một chuyến du lịch cả hai hứa hẹn nhau từ trước, Patty đã ngả vào vòng tay Walter và sau đó hai người làm đám cưới. Patty lấy Walter phần lớn cũng vì Walter là kẻ đã ca ngợi cái bản ngã bị đè nén đàn áp của Patty. Nhưng trong vô thức đam mê của mình, Patty vẫn ham muốn Richard hơn.

Chính vì vậy, cuộc hôn nhân của Walter và Patty ngay từ khởi đầu đã có mầm mống không hạnh phúc. Nhưng vì họ là những người trẻ tuổi kiêu hãnh theo đuổi lý tưởng tự do, chống bảo thủ, cho nên đã cố gắng một cách tưởng chừng tuyệt vọng để giữ cho cuộc hôn nhân không sụp đổ, người này lấp vào những khoảng trống rỗng tình cảm của người kia tuy giữa hai người thường trực xảy ra những bất hòa, tranh cãi hơn thua. Họ đã thành công ngoài đời, có tiếng tăm ở St. Paul, có cuộc sống giàu sang trong khu Ramsey Hill. Là một luật sư nổi danh ở Minnesota về bảo vệ môi trường, đi làm bằng xe đạp ngay cả vào những sang mùa Đông giá lạnh, Walter dồn hết nỗ lực thực hiện lý tưởng chính trị đấu tranh chống lại việc cư trú quá đông đúc trong các thành phố.

Dù hai người đã có hai mặt con nhưng Walter cũng nhận biết được rằng “cái tưởng như bình thường ở mức độ cá nhân thực ra lại là ghét bỏ nhau, và ở cấp độ toàn diện, là như chưa từng có trước đây.” Thê thảm hơn nữa, những hậu quả của việc tiêu thụ một cách bất cần đi liền với việc con người không còn biết lo âu gì nữa. Gia đình trong tình trạng hạnh phúc chênh vênh của Patty và Walter không tránh được sụp đổ vì sự hiện diện thường trực của Richard. Cuối cùng Patty đã ngoại tình với Richard.

Trong khi đó thằng con trai Joey ngang ngược không đếm xỉa tới sự bất đồng của mẹ, dọn sang ở nhà cô bạn gái Connie hàng xóm nhưng đồng thời lại vẫn có liên hệ tình dục với Jenna, một thiếu nữ được cha mẹ chiều chuộng nên hư hỏng là em gái một người bạn học của nó. Ngoài ra Joey cũng còn can dự vào việc làm ăn với một công ty cung cấp thiết bị phụ tùng cơ giới cho Iraq khi cuộc chiến còn đang ở cao điểm.

Thú thực chuyện ngoại tình với chồng, Walter chán nản tuyệt vọng và Patty cũng muốn xa lánh Richard nên gia đình dọn về ở Washington D.C. Walter sau đó làm việc cho một tay tỉ phú dầu lửa đang thực hiện một dự án khá điên rồ ở West Virginia là di dời những đỉnh núi đi nơi khác để duy trì sự hoang dã vĩnh viễn dành cho những loài chim hót hay đang dần dần tuyệt chủng ở Bắc Mỹ. Thực ra đây chỉ là một chiêu bài để làm giàu của tay tỷ phú này. Walter vốn là kẻ yêu thiên nhiên chim chóc nên nông nổi có ảo tưởng về dự án của tay tỷ phý này, tự an ủi rằng “việc chuyển hướng một vài tay tỷ phú dể hơn nhiều so với việc giáo dục những kẻ cầm lá phiếu đi bầu Mỹ.” Và rồi Walter đã dan díu với một phụ nữ Á châu tên là Lalitha làm phụ tá cho Walter.

Người đọc sau khi đọc hết quyển Freedom của Jonathan Franzen, đặt quyển truyện xuống không khỏi đau buồn về bức tranh gia đình ảm đạm của người Mỹ trung lưu da trắng hôm nay. Với giọng văn mô tả chính xác đến thản nhiên lạnh lùng, những nhân vật và số phận của họ làm người ta liên tưởng tới quyển Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy. Và câu hỏi: Có hy vọng gì không? được đặt ra. Nhưng Jonathan Franzen trong phần kết quyển truyện tuy không đưa ra một câu trả lời trực tiếp nhưng dường như tác giả đã chọn một giải pháp đạo đức cho “tự do” và cái giá của tự do là những lỗi lầm con người hôm nay đã phạm phải: hãy nhận lấy lỗi lầm và can đảm nhẫn nhục tiếp tục sống tới.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG