Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Âu châu được hối thúc phải đạt thành quả tại cuộc họp thượng đỉnh


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố vụ khủng hoảng đã đem lại cho Pháp và Ðức thêm một lý do nữa để đoàn kết với nhau.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố vụ khủng hoảng đã đem lại cho Pháp và Ðức thêm một lý do nữa để đoàn kết với nhau.

Các nhà lãnh đạo Âu châu đang tề tựu ở Brussels trong ngày hôm nay và ngày mai để dự một cuộc họp thượng đỉnh quan trọng cuối năm, trong một cố gắng khác nhằm giải quyết vụ khủng hoảng nợ nần và ngân hàng đe dọa đến chính tương lai của liên hiệp sử dụng đồng euro. Áp lực đè nặng lên họ là phải đạt được một thỏa thuận quyết định trong kỳ họp này, sau những gì mà giới phê bình gọi là nhiều tháng chỉ đưa ra các biện pháp nửa chừng.

Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc họp thượng đỉnh của Liên hiệp châu Âu được mô tả là cơ hội cuối cùng để cứu vãn liên hiệp sử dụng đồng euro đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng 27 nhà lãnh đạo của khối EU tề tựu tại Brussels vào ngày hôm nay và ngày mai đứng trước áp lực khác thường, từ trong cũng như ngoài nước, phải đạt được một giải pháp lâu dài cho vụ khủng hoảng khu vực euro đã kéo dài 2 năm.

Tác giả kế hoạch được đưa ra bàn thảo là Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Họ muốn cải tổ các hiệp ước của EU để thành lập một vùng euro có nhiều trách nhiệm về tài chính và vững chắc hơn. Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã phác thảo chi tiết về quan điểm của họ hồi hôm qua, trong một bức thư gửi cho Chủ tịch EU là ông Herman van Rompuy.

Tại một cuộc họp báo chung với đối tác phía Đức là bà Angela Merkel hồi đầu tuần này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố vụ khủng hoảng đã đem lại cho hai nước thêm một lý do nữa để đoàn kết với nhau. Ông nói cả hai nước đều có viễn ảnh chung về châu Âu.

Nhưng kế hoạch của họ còn phải được sự chấp thuận của 25 thành viên EU khác, hay ít nhất là 17 thành viên trong khối sử dụng đồng euro. Và theo chuyên gia phân tích Philippe Moreau Defarges, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp thì điều đó không chắc chắn chút nào.

“Sẽ có áp lực rất mạnh phải chấp nhận thỏa thuận này. Không những từ phía các thành viên trong khối sử dụng đồng euro. Tôi nghĩ phía Anh nên ủng hộ thỏa thuận này. Nhưng đó sẽ là điều khó khăn,” ông Defarges nói.

Thủ tướng David Cameron của Anh quốc, là nước không nằm trong liên hiệp sử dụng đồng euro, đã bầy tỏ sự dè dặt. Ông nói với đài truyền hình Anh rằng ưu tiên hàng đầu của ông tại cuộc họp thượng đỉnh sẽ là bênh vực các quyền lợi của Anh quốc.

Ông Cameron nói: “Các nước trong khối Euro thực sự cần phải đoàn kết lại, cần phải chung sức làm thêm nhiều thứ. Nếu họ chọn sử dụng hiệp ước châu Âu để làm như thế, thì Anh Quốc cũng sẽ nhấn mạnh đến một số biện pháp bảo vệ. Và chừng nào chúng tôi có những biện pháp đó, thì hiệp ước có thể xúc tiến. Nếu không thì chuyện đó sẽ không xảy ra.”

Kinh tế gia ngân hàng BNP Parisbas Shahin Vallee, một giáo sư thỉnh giảng tại cơ quan nghiên cứu kinh tế Bruegel ở Brussels, không nghĩ rằng việc đạt được một thỏa thuận nào đó sẽ là đủ.

Kinh tế gia Vallee: “Chẳng may tôi không cho là như thế. Tôi nghĩ đề nghị này dựa trên khái niệm là với các quy định tài chính mạnh mẽ hơn và thêm tính tự động cho các quy định ấy, khu vực euro sẽ mạnh hơn và các thị trường tài chính sẽ yên tâm hơn và tin tưởng hơn vào tính bền vững lâu dài của khu vực euro, và tôi nghĩ đây là một ảo tưởng.”

Chuyên gia phân tích người Pháp, ông Moreau Defarges cũng có những mối nghi ngờ về kế hoạch Pháp-Đức. Ông nói: "Đây là một giải pháp tài chính rất bất toàn, rất thông thường, cho vụ khủng hoảng đồng euro. Cuộc khủng hoảng đồng euro là một cuộc khủng hoảng về tăng trưởng, một vấn đề về tăng trưởng. Liệu Liên hiệp châu Âu có tìm ra một con đường mới hướng tới tăng trưởng hay không? Đó là câu hỏi chủ chốt.”

Cho dù các nước EU khác có chấp nhận kế hoạch Pháp-Đức đi nữa, thì sẽ phải mất nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm, để thực thi đầy đủ kế hoạch đó, bởi vì nó có thể đòi hỏi phải tu chính các hiệp ước của EU. Các chuyên gia phân tích như ông Vallee nói rằng cuộc khủng hoảng của châu Âu cần có biện pháp cấp thời.

Ông Vallee nói: “Tôi nghĩ giải pháp đúng đắn sẽ là phải có một sự thay đổi về hiệp ước nhiều tham vọng hơn, vận dụng thời gian cần thiết để thương lượng các điều khoản cho hiệp ước mới này, trong khi đồng thời làm một điều gì đó có thể đem lại hiệu quả tức thời để đáp lại vụ khủng hoảng và tính khẩn trương của vụ khủng hoảng.”

Thêm vào áp lực đó, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor’s đã đe dọa sẽ xuống cấp tín dụng của 15 nước thành viên khối euro, trong đó có cả hai đại cường Pháp và Đức. Có nhiều người lo ngại rằng vụ khủng hoảng có lan ra nước ngoài, kéo chậm đà tăng trưởng ở châu Phi và châu Á và đe dọa đến sự phục hồi mong manh ở Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner đã họp với các giới chức cấp cao nhất và các nguyên thủ quốc gia ở châu Âu trong tuần này, và nhấn mạnh đến sự quan ngại của Washington.

Ông Geithner nói: “Tôi đến châu Âu này, dĩ nhiên, để nhấn mạnh rằng việc Đức và Pháp cùng với các quốc gia khác của châu Âu đạt được thành quả trong việc xây dựng một châu Âu vững mạnh hơn quan trọng như thế nào đối với Hoa Kỳ và đối với nền kinh tế thế giới nói chung.”

Vụ khủng hoảng khối euro đã khơi trở lại các cuộc tranh luận từ lâu nay về việc liệu Liên hiệp châu Âu có nên hướng tới sự thống nhất nhiều hơn, về kinh tế và chính trị, hay là vụ khủng hoảng này có nhấn mạnh đến sự thất bại của việc hòa nhập châu Âu hay không? Ông Vallee tin rằng giải quyết những vấn đề này và các viễn ảnh khác của EU cũng vô cùng cấp thiết cho việc giải quyết vụ khủng hoảng khối euro.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG