Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn TS Lê Quốc Hội về tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng tại VN


Tiến sĩ Lê Quốc Hội
Tiến sĩ Lê Quốc Hội

Tiến sĩ Lê Quốc Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển của Việt Nam, hôm 5/4, vừa trình bày tại một phòng họp của đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ) về cuộc nghiên cứu ông đang thực hiện trong thời gian 4 tháng là thực tập sinh tại trường này theo chương trình học bổng Fulbright. Cuộc nghiên cứu của ông nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội tại Việt Nam để xem liệu bất bình đẳng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới hay không, và qua những kênh nào. Tiến sĩ Hội giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Kinh tế của trường đại học Kinh tế Quốc dân, làm chủ nhiệm và tham gia một số đề tài nghiên cứu cấp Bộ, và cũng là tác giả của một số bài viết và đầu sách về kinh tế vĩ mô, lịch sử kinh tế, và phát triển kinh tế. Bên lề buổi thuyết trình, Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA đã phỏng vấn ông.

Tiến sĩ Hội nhận xét về sự bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam thời gian gần đây:

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Tôi nghĩ là sự bất bình đẳng có xu hướng tăng lên, nhưng mức của Việt Nam vẫn ở mức trung bình so với thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, là nước có tỷ lệ bất bình đẳng rất cao. Còn Việt Nam vẫn ở mức an toàn, với chỉ số Gini dưới 0,4 có thể kiểm soát được.

VOA: Nguyên nhân nào khiến bất bình đẳng xã hội có xu hướng tăng lên tại Việt Nam, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Có nhiều nguyên nhân. Có thể là do quá trình mở cửa, một số vùng, tỉnh được hưởng nhiều lợi ích hơn từ tăng trưởng thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế. Một nguyên nhân khác là do trình độ dân trí giữa nông thôn, miền núi, đồng bằng mức độ đầu tư vào giáo dục cũng có sự khác nhau. Đầu tư giáo dục khác nhau thì lợi ích thu được thông qua công việc cũng khác nhau. Nguyên nhân do sự phân bổ thu nhập chưa được công bằng cũng góp phần nhỏ vào đấy.

VOA:
Sự phân bổ thu nhập không công bằng có thể hiểu như thế nào ạ?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Việc phân bổ nguồn lực cho một số vùng, hoặc là một số doanh nghiệp mang lại hiệu quả chưa cao.

VOA:
Thưa ông, nhận xét về sự bất bình đẳng tại Việt Nam, nhiều người cho rằng người giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ngày càng nghèo đi. Ông có ý kiến như thế nào về điều này?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Sự bất bình đẳng xã hội tại Việt Nam không phải là người giàu giàu hơn, người nghèo nghèo đi, mà là do thu nhập của người giàu họ giàu nhanh hơn, tăng nhanh hơn thu nhập của người nghèo.

VOA: Xin được hỏi nguyên do của tình trạng này.

Tiến sĩ Lê Quốc Hội:
Có thể là những cơ hội mà người giàu kiếm được thu nhập ở Việt Nam trong thời gian qua được nhiều hơn vì họ có những điều kiện dân trí tốt hơn. Chẳng hạn các gia đình giàu có cho con em theo học những trường tốt hơn, được đi nước ngoài học tập, được có bằng cấp tốt hơn. Qua đó, họ có thể tìm được những công việc tốt hơn trong nền kinh tế và kiếm được thu nhập cao hơn những người nghèo.

VOA:
Một số người thắc mắc rằng phải chăng sự bất bình đẳng cũng là do có một số nhóm người có được những đặc quyền-đặc lợi trong xã hội nên họ có cơ hội phát triển hơn?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Cái đấy tôi nghĩ là cũng có thể, nhưng thông tin thì không có thông tin đấy để chứng minh trong nghiên cứu. Cũng chưa có nghiên cứu vì rất là khó có thể đo lường những thông tin như vậy. Nghiên cứu của tôi không đề cập đến vấn đề đấy, mà chỉ đề cập những số liệu thực tế điều tra. Còn những vấn đề liên quan đến thông tin đấy rất khó để đo lường trong các nghiên cứu định lượng.

VOA:
Đó là nói riêng trong trường hợp Việt Nam?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội:
Việt Nam và thế giới cũng rất là khó để nghiên cứu (vấn đề này). Ở các nước phát triển thì có thể đo lường tốt hơn. Các nước đang phát triển thì những cái đấy rất là khó.

VOA: Nguyên do vì sao, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Những thông tin để đo lường đấy rất khó vì là…nó không theo một chuẩn mực nào cả. Đấy như ở Mỹ họ tuân theo một chuẩn mực là theo một hệ thống chính trị thì nó có những đo lường khác nhau. Cho nên, tôi nghĩ có vấn đề bất cập ở các nước đang phát triển là việc đo lường, nhiều số đo lường rất khó. Những cái kênh đấy thì không thể, chưa thể xác định được.

VOA:
Trong buổi thuyết trình về cuộc nghiên cứu của ông, có một số ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam là vì đặc điểm hệ thống chính trị của Việt Nam hơi khác so với các nước dân chủ trên thế giới. Ý kiến của ông như thế nào?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Có thể là cái hệ thống chính trị-hệ thống dân chủ khác nhau, nhưng mỗi hệ thống đều có những mặt mạnh, mặt riêng. Như hệ thống chính trị Việt Nam có những ưu điểm là việc phân bổ nguồn lực, việc thực hiện các chính sách xã hội, nhiều lúc lại tốt hơn một số chính phủ khác. Ví dụ như những chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện công bằng, rộng rãi, và nhiều chính sách trợ cấp do chính phủ điều khiển rất tốt, nên rất là khó để nói lên điều đấy được.

VOA:
Một điểm khác biệt nữa là tại các nước dân chủ thì những nguyện vọng của dân chúng, trong đó có nguyện vọng về phân bổ nguồn lực, được bày tỏ qua những lá phiếu của người dân. Đây phải chăng cũng là một yếu tố ảnh hưởng, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: Cái đấy thì cũng có thể ảnh hưởng nhưng việc thực hiện phân bổ ở đây được thực hiện thông qua….còn nhiều yếu tố khác chẳng hạn như xem trình độ phát triển của vùng đấy, những khó khăn của vùng đấy. Tôi nghĩ là việc phân bổ nguồn lực ở Việt Nam trong thời gian qua đã chú ý hơn đến những vấn đề như những vùng, tỉnh, khu vực kém phát triển hơn, dễ bị thiên tai, lũ lụt, dễ có những hạn chế hơn trong phát triển kinh tế… Tôi nghĩ không có những tranh cãi trong vấn đề phân bổ nguồn lực cho những vùng đấy. Điều này cũng thể hiện hệ thống chính trị của Việt Nam cũng có những đặc thù.

VOA:
Ông vừa nhắc tới những ưu điểm riêng của Việt Nam, nhưng ngược lại, có những khuyết điểm nào không, theo quan điểm của ông?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội:
Cái này thì tôi cũng không bình luận gì thêm vì tôi không phải nghiên cứu về chính trị, mà tôi nghiên cứu về kinh tế.

VOA:
Tuy nhiên, chính trị và kinh tế luôn đi đôi với nhau, phải không ạ?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội: À đúng rồi, nhưng trong nghiên cứu về định lượng của tôi thì không thể đo lường, không thể xác định những vấn đề chính trị được, nên tôi miễn bình luận về vấn đề đấy.

VOA: Một cách tóm tắt, xin ông cho biết kết quả cuộc nghiên cứu và những đề nghị của ông?

Tiến sĩ Lê Quốc Hội:
Qua nghiên cứu của tôi thì tôi cho thấy là có nhiều kênh mà qua đó sự bất bình đẳng có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Do vậy, chính phủ cũng cần phải lưu ý những vấn đề tác động tiêu cực có thể của bất bình đẳng đến tăng trưởng để hạn chế ngay từ bây giờ. Chẳng hạn như phải đầu tư nhiều hơn cho các vùng khó khăn, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đào tạo, vào những vấn đề về y tế, vào những vấn đề cơ hội cho người dân thì việc giảm tác động tiêu cực của sự bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế là thực hiện được. Việt Nam vẫn chưa phải là nước có sự bất bình đẳng cao dựa theo hệ số Gini và các hệ số khác. Cho nên, Việt Nam có thể thực hiện kiềm chế ngay bây giờ và có thể kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội tốt hơn.

VOA:
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG