Đường dẫn truy cập

'Đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa không vì mục đích dân sự'


Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đường băng dài 3.000 mét trên đá Chữ Thập.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đường băng dài 3.000 mét trên đá Chữ Thập.

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các đường băng Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ quân sự chứ không mang mục đích dân sự như Bắc Kinh tuyên bố.

Phát biểu với báo giới ngày 29/3 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Colin Willet, cho biết các đường băng này được Trung Quốc thiết kế để hỗ trợ cho các máy bay ném bom chiến lược chứ không phải các phi cơ vận tải hàng hóa hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai.

Bà Willet nói dù các nước khác cũng bố trí lực lượng quân sự và võ khí ra các tiền đồn ở Biển Đông, nhưng rất nhỏ bé so với những gì Trung Quốc đã làm trong 2 năm qua.

Tin cho hay tại Đá Chữ Thập, Đá Subi, và Đá Vành Khăn, Trung Quốc đều đã thiết đặt hệ thống phòng không và xây dựng các đường băng.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đưa các phi đạn đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ kiểm soát từ năm 1956 tới nay.

Trung Quốc quả quyết rằng các hoạt động của họ không nhắm mục tiêu quân sự hóa khu vực mà nhằm phục vụ các mục đích dân sự.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh không cần phải có các loại phương tiện như thế để bảo vệ thường dân, hỗ trợ ngư dân, hay theo dõi thời tiết.

Vẫn theo bà Willet, các động thái của Trung Quốc giới hạn quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông là vi phạm luật quốc tế và đáng quan ngại.

Giới chức này cũng cho biết thêm rằng nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ cùng làm việc với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam để giải quyết việc Bắc Kinh phá hoại các bãi san hô tại đây, nơi có các rạn san hô đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Trung Quốc biến các bãi san hô trong các vùng có tranh chấp ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo để xây đường băng, phố thị, lập tiền đồn quân sự, hủy hoại hệ thống sinh thái.

Manila đang chờ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc trong đơn kiện bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Dù Bắc Kinh không tham gia vụ kiện, nhưng theo bà Willet, Trung Quốc không có cách phớt lờ phán quyết của tòa ở La Haye vì phán quyết này mang tính ràng buộc pháp lý.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quyết định của tòa sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng vì sẽ giúp minh định đường lãnh hải của 6 nước đang có tranh chấp tại Biển Đông bao gồm Việt Nam.

Bà Willet khuyến cáo nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa cũng chính là tự chối bỏ những gì họ đã cam kết theo Luật Biển.

Theo Asia One, Agence France-Presse, Kyodo.

'Đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa không vì mục đích dân sự'
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:31 0:00
XS
SM
MD
LG