Đường dẫn truy cập

Dự thảo Luật về Tội phạm trên Mạng của Campuchia gây lo ngại


Thanh niên sử dùng máy tính bảng để chụp ảnh ở Phnom Penh
Thanh niên sử dùng máy tính bảng để chụp ảnh ở Phnom Penh
Công tác về Bộ luật Tội phạm trên mạng bí mật của Campuchia đã tiến hành một cách kín đáo trong hai năm, và cho đến nay chính phủ không chịu chấp nhận bất cứ ý kiến nào của các tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên, mới đây một bản sao của dự thảo luật đã được tiết lộ. Thông tín viên VOA Robert Carmichae tường thuật rằng một số các điều khoản được đề nghị đã gây nên những quan ngại là đảng cầm quyền một ngày nào đó có thể dùng bộ luật để nhắm vào những người chỉ trích.

Tổ chức tự do thông tin trụ sở tại Anh có tên là Điều khoản 19 đã công bố một đánh giá nghiêm khắc dự thảo Luật Tội phạm trên mạng của Campuchia. Tổ chức này nói những biện pháp trong dự luật ở dưới mức tiêu chuẩn quốc tế khá xa, đe dọa đến quyền tự do phát biểu tại Campuchia.

Dự thảo luật được bắt đầu soạn thảo cách đây 2 năm, đã mang ý nghĩa ngày càng tăng kể từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm ngoái trong đó đảng Nhân dân Campuchia hay CPP, thắng khít khao với khoảng phân nửa phiếu bầu và 68 ghế trong tổng số 123 ghế của Quốc hội.

Từ nhiều năm đảng CPP đã chiếm lợi thế vì kiểm soát hoàn toàn tất cả truyền hình địa phương, cùng với hầu hết các đài phát thanh và báo chí.

Việc này đã khiến cho các đối thủ chính trị phải quay ra sử dụng Facebook, YouTube và những dụng cụ khác trên mạng để thông tin liên lạc với những người ủng hộ.

Kết quả là đảng CPP hoàn toàn bị vượt qua trên mạng, và đối lập chiếm được 55 ghế trong Quốc hội, gần như gấp đôi con số trước đây. Những người ủng hộ đối lập từ đó cho rằng đảng cầm quyền gian lận để thắng cử.

Nhà phân tích chính trị Ou Virak nói đảng CPP hoàn toàn đánh giá quá thấp tiềm năng của không gian ảo, và những nỗ lực để bắt kịp đã thất bại.

Ông Ou Virak nói những điều khoản của dự thảo Luật Tội phạm trên mạng, mà chính phủ muốn đưa ra Quốc hội trong năm nay, cần phải được xem xét trong bối cảnh này:

“Chắc chắn đảng cầm quyền bực tức về việc họ không thể thắng trên mạng. Họ không biết phải làm gì. Họ thử nhiều cách. Họ tìm cách bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng không có kết quả. Do đó họ rất bực tức. Và đó là lý do tại sao Luật Tội phạm trên mạng sẽ là luật chính phủ đang trông chờ như là một công cụ tiềm năng. Bởi vì chính phủ không biết phải đáp ứng như thế nào. Chắc chắn bầu cử là những gì chính phủ nghĩ đến.”

Ông Ou Virak nói đảng cầm quyền biết là cần phải làm việc gì đó để đạt được sự ủng hộ. Ông cho rằng nếu đảng trẻ hơn và ít quan liêu, đảng có thể thích nghi và cạnh tranh để tìm sự trung thành của hàng triệu người trẻ sử dụng Facebook và 3 triệu người khác sử dụng Internet. Ông nhận xét:

“Nhưng tôi không nghĩ việc này có thể làm được đối với chính phủ này. Và họ sẽ đối phó bằng cách nỗ lực đưa ra những dạo luật khác nhau để có thể đi theo con đường của họ.”

Luật Tội phạm trên mạng cũng có thể ảnh hưởng đến những tin tặc nước ngoài dùng Campuchia làm căn cứ để phát động những cuộc tấn công trên mạng ở nước ngoài.

Hôm thứ Ba vừa qua, chính phủ loan báo đã làm việc với FBI bắt giữ hai tin tặc địa phương có liên hệ đến nhóm tin tặc Vô Danh. Đại sứ Mỹ tại Phnom Penh từ chối bình luận về việc này vì cho rằng cuộc điều tra đang tiến hành.

Nhiều điều khoản trong dự thảo luật Tội phạm trên mạng qui định những trừng phạt nghiêm khắc.

Chẳng hạn như, đưa tin tức lên mạng mà một ủy ban do chính phủ bổ nhiệm xem là làm hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có thể bị ba năm tù. Những tội mơ hồ tương tự gồm có: ảnh hưởng đến “sự toàn vẹn của bất cứ cơ quan chính phủ, bộ hay các giới chức nào”, xúi giục “vô chính phủ” hay gây nên mất an ninh.

Những người bị kết tội có thể bị tước quyền dân sự và bị cấm hành nghề suốt đời.

Được yêu cầu bình luận về dự thảo luật, tòa đại sứ Mỹ nói họ hiểu được một số các nhà phân tích độc lập đã lên tiếng quan ngại về dự luật vì dự luật quá rộng và có thể được sử dụng để hạn chế tự do bày tỏ ý kiến trên mạng. Một phát ngôn viên tòa đại sứ nói Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận dù trên mạng hay không trên mạng và khuyến khích chính phủ Campuchia tham khảo rộng rãi về dự luật này.

Ông Leewood Phu, cố vấn cho chính phủ Campuchia về công nghệ thông tin cũng đưa ra đề nghị tương tự cho ủy ban dự thảo. Nhưng ông nói ủy ban không màng đến những ý kiến của ông. Ông nói:

“Ủy ban không bao gồm tiến trình làm luật trong một nước dân chủ. Bạn phải có một số tài liệu căn bản, và bạn cũng phải có tài liệu như Bạch Thư, và sau đó đưa ra công chúng để bình luận trên Bạch Thư và một khi công chúng hoàn tất thì bạn có thể đưa lên Hội đồng Bộ trưởng sau đó lên Quốc hội để thông qua. Nhưng tiến trình này không có ở đây.”

Ông Leewood Phu nói có những vấn đề đối với dự thảo gồm có việc ủy ban không tham khảo bất cứ thẩm phán hay luật sư nào - đó là lý do tại sao việc trừng phạt những tội phạm tương tự ngoài mạng ít nghiêm khắc hơn nhiều so với những tội phạm tương tự trên mạng.

Tổ chức Điều khoản 19 về quyền thông tin kêu gọi chính phủ tham khảo xã hội dân sự trước khi dự thảo tiến xa hơn nữa.

Chưa rõ điều đó có xảy ra hay không. Bất chấp những nỗ lực liên tục, Đài VOA không thể tiếp xúc với Ông Prak Sokhon, bộ trưởng bưu điện và viễn thông. Và hai viên chức có liên quan đến việc soạn thảo luật cho tới nay đã từ chối bình luận về luật này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG