Đường dẫn truy cập

Dự án giao thông Miến Ðiện-Ấn Ðộ: Cơ hội và quan ngại


Hệ thống giao thông mới được cho là sẽ giúp cho hàng hóa được vận chuyển một cách tiện lợi hơn giữa các vùng nghèo khó và bị cô lập, nâng cao thu nhập của nông dân, và tạo thêm công ăn việc làm.
Hệ thống giao thông mới được cho là sẽ giúp cho hàng hóa được vận chuyển một cách tiện lợi hơn giữa các vùng nghèo khó và bị cô lập, nâng cao thu nhập của nông dân, và tạo thêm công ăn việc làm.
Một mạng lưới giao thông do Ấn Độ tài trợ đang được xây trên khắp Miến Điện đã bị chỉ trích về sự thiếu minh bạch và gây ra những mối quan tâm về thiệt hại đối với môi trường.

Dự án Kaladan nối kết Ấn Độ với miền tây nghèo khó của Miến Điện sẽ góp phần gia tăng hoạt động thương mại giữa hai nước, nhưng các nhân vật tranh đấu và các nhà khoa học cảnh báo rằng các giới chức hai nước đang làm ngơ trước những mối rủi ro cho sinh vật hoang dã, môi trường và dân chúng. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Khi hoàn tất vào năm 2015, dự án Kaladan sẽ nối liền một hệ thống xa lộ và thủy lộ trong đất liền từ tiểu bang Mizoram ở đông bắc Ấn Độ với một hải cảng nước sâu ở tiểu bang Rakhine thông qua tiểu bang Chin ở miền tây Miến Điện.

Hệ thống giao thông này sẽ giúp cho hàng hóa được vận chuyển một cách tiện lợi hơn giữa các vùng nghèo khó và bị cô lập, nâng cao thu nhập của nông dân, giúp cho giá lương thực được hạ thấp và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Nhưng các nhân vật tranh đấu nói rằng các giới chức không cung cấp cho công chúng đầy đủ thông tin về dự án này và làm ngơ trước những mối rủi ro cho môi trường và người dân.

Các địa điểm di sản văn hóa ở Rakhine đã bị hư hại trong dự án xây dựng hải cảng và giới hữu trách Miến Điện đã không thực hiện lới hứa cách nay một năm để thực hiện một cuộc nghiên cứu thẩm định tác động môi trường.

Phong trào Kadalan, một liên minh của các tổ chức nhân quyền địa phương, hồi tuần trước đã yêu cầu ngưng thực hiện dự án cho tới khi những mối quan tâm của họ được giải quyết.

Ông Twan Zaw, Giám đốc Mạng lưới Sông Arakan, đã phát biểu như sau tại Câu lạc bộ Ký giả Nước ngoài ở Bangkok.

Ông Twan Zaw nói: "Cho đến giờ chúng tôi chưa thấy báo cáo nào về sự đánh giá tác động đối với môi trường, xã hội và sức khỏe. Đó là lý do tại sao chúng tôi lo ngại về đời sống xã hội ở địa phương xét về mặt tính chất bền vững."

Chính phủ Ấn Độ tài trợ cho toàn bộ dự án, với kinh phí chừng 214 triệu đô la, trong khuôn khổ của “Chính sách Nhìn về hướng Đông” nhằm cải thiện các mối liên hệ với vùng Đông Nam Á. Dây là dự phát triển lớn nhất của Ấn Độ ở Miến Điện.

Nhưng cho đến nay, chỉ có một cuộc nghiên cứu tác động duy nhất mà người ta biết tới đã được thực hiện ở Ấn Độ cho dự án xây xa lộ dài 99 kilo mét nối liền Mizoram với tiểu bang Chin của Miến Điện.

Bà Kashmira Kakati là một nhà sinh vật học về sinh vật hoang dã và là tác giả của một bản phúc trình năm 2011 về tác động đối với sinh vật hoang dã. Bà cho các nhà báo tại Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài biết rằng xa lộ chạy tới Miến Điện cắt ngang một khu bảo tồn sinh vật hoang dã, một thực tế mà Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Ấn Độ đã làm ngơ.

Bà Kakati cho biết: "Tôi đã viết thư, đã gởi fax cho viên giám đốc của Bộ này. Nhưng không ai trả lời để cho biết là họ đã nhận được phúc trình của tôi. Và điều tiếp theo mà tôi biết được là không có thông tin nào được Bộ này cung cấp. Rồi rốt cuộc, khi tôi đọc được về bản phúc trình Kaladan thì nó được đề cập thoáng qua trong biên bản hộïi nghị. Biên bản này nói rằng bản phúc trình đã được phê chuẩn mà không có sự chống đối nào từ ủy ban kiểm tra. Đó là một điều hoàn toàn không đúng sự thật."

Các nhân vật tranh đấu nói rằng dự án xây đường ở Mizoram đã hoàn tất được phân nửa. Bà Kakti cho biết khi hoàn tất, dự án này còn tạo ra những mối rủi ro cho sinh vật hoang dã bên ngoài khu bảo tồn.

Bà Kakati nói: "Một trong những lo ngại lơn nhất, mà chúng tôi đã nêu lên trong bản phúc trình, là con đường này sẽ trở thành một tuyến đường quan trọng của hoạt động mua bán sinh vật hoang dã. Chúng tôi đã nói tới việc những con cọp bị biến mất. Có rất nhiều hoạt động mua bán động thực vật hoang dã xuyên biên giới. Và chúng tôi dự kiến là con đuờng này sẽ trở thành một tuyến đường quan trọng của hoạt động mua bán sinh vật hoang dã."

Các giới chức Miến Điện bác bỏ ý kiến cho rằng cần có những cuộc đánh giá độc lập về tác động ở Miến Điện.

Ông Rajesh Swami, đệ nhất tham vụ của Đại sứ quán Ấn Độ ở Bangkok, đã đọc một thông cáo bày tỏ sự ủng hộ cho dự án này. Ông nói rằng những đề nghị cung cấp thêm thông tin cho dân chúng địa phương đáng được cứu xét nhưng không có lý do để tạm ngưng việc thực hiện dự án.

Ông Swami nói: "Việc chúng ta cần có dự án này và việc dự án sẽ chỉ mang lại những sự thay đổi tích cực cho khu vực là những thực tế cơ bản đã được chấp nhận khi dự án bắt đầu. Dân chúng trong khu vực của dự án và chính quyền địa phương chắc chắc là có đủ năng lực và kiến thức để thảo luận về bất kỳ khía cạnh nào của dự án và hợp tác để dự án được thực hiện một cách nhanh chóng để mang lại lợi ích cho những người đang rất cần sự nối kết giao thông."

Phong trào kaladan cho biết các nông dân Ấn Độ không được bồi thường thỏa đáng cho đất đai ở Mizoram và họ e rằng những sự ngược đãi còn tệ hại hơn ở Miến Điện.

Miến Điện có trách nhiệm cung cấp đất đai và bảo vệ an ninh cho dự án Kaladan. Nhưng, mặc dù chỉ còn hai năm nữa là dự án sẽ được hoàn tất, nhiều người ở tiểu bang Chin vẫn chưa biết về kế hoạch xây một xa lộ trên phía họ của biên giới giáp với Ấn Độ.

Các nhân vật tranh đấu nói rằng điều này làm gia tăng những mối lo ngại về những vụ tịch thu đất đai vào phút chót trong lúc các giới chức Miến Điện vội vã làm việc để đáp ứng thời hạn chót.

Trong nhiều năm qua, quân đội Miến Điện thường xuyên ép buộc dân làng vận chuyển tiếp liệu cho quân đội và xây dựng đường sá, và tiểu bang Chin có sự hiện diện đông đảo của binh sĩ chính phủ.

Một cuộc nghiên cứu của tổ chức Bác sĩ cho Nhân quyền năm 2011 cho thấy cứ 10 gia đình ở tiểu bang Chin thì có 9 gia đình từng bị cưỡng bách lao động, tỉ lệ cao nhất ở Miến Điện.

Các nhà báo chưa liên lạc được với phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện để yêu cầu bình luận về dự án Kaladan. Tuy nhiên, một bài tường thuật trên báo chí nhà nước Miến Điện hồi tuần trước đã ca ngợi dự án xa lộ chạy qua tiểu bang Chin.

Tờ Ánh Sáng Mới Của Miến Điện nói rằng khi hoàn tất, xa lộ mới sẽ thúc đẩy thương mại và tạo thành một hành lang thương mại nối liền Ấn Độ với Đông Nam Á thông qua Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG