Đường dẫn truy cập

Dự án đập nước của Lào vấp phải sự phản đối


Đập Don Sahong sẽ chận con kênh quan trọng nhất của sông Mekong. Các chuyên gia độc lập nói cá dời cư qua con kênh này suốt năm.
Đập Don Sahong sẽ chận con kênh quan trọng nhất của sông Mekong. Các chuyên gia độc lập nói cá dời cư qua con kênh này suốt năm.

Một dự án đập nước của Lào trên một phần sông Mekong đang khởi ra sự phản đối từ phía ngư dân địa phương, các tổ chức môi trường quốc tế, và các nước láng giềng. Thông tín viên VOA Say Mony đã đi thăm vùng này để điều tra những mối quan ngại.

Sun Thaya đã lệ thuộc vào chiếc thuyền làm taxi để có thu nhập cho gia đình từ nhiều năm nay. Trung bình, ông có thể kiếm được khoảng 200 ngàn kip, tức là khoảng 25 đôla một tháng, bằng cách đưa du khích đi xem những con cá heo sông ở biên giới giữa Lào và Kampuchea. Khi không có du khách, ngư dân này câu cá trong vùng để nuôi sống gia đình.

Nhưng nay người cha có 4 đứa con nói rằng kế sinh nhai của ông có thể lâm nguy vì chính phủ Lào có kế hoạch xây dựng một đập thuỷ điện trên kênh Don Sahong, một con kênh chính của sông Mekong ở thượng nguồn cách tỉnh Champasak khoảng 2 kilomet.

“Tôi không biết phải làm gì nếu đập được xây lên, nhưng tôi sẽ chờ chính phủ cấp cho tôi một việc làm. Tôi không thể nói tôi không thích đập này và tôi cũng không thể yêu cầu chính phủ ngưng xây đập.”

Chính phủ nói đập này cần cho sự phát triển kinh tế đất nước bởi vì nó có thể bán điện sản xuất ra được cho các nước láng giềng như Thái Lan.

Nhưng dự án đập nước có công suất 260 megawatt này đã gây quan ngại không những từ phía các ngư dân Lào như ông Sun Thaya, mà còn từ phía các giới chức, các tổ chức xã hội dân sự và các cộng đồng suốt dọc sông Mekong, từ Thái Lan ở thượng nguồn cho đếnCampuchia và Việt Nam ở hạ nguồn

Ở Thái Lan, các cộng đồng dọc theo sông Mekong nói đập Don Sahong sẽ gây thiệt hại cho nguồn sinh nhai của họ, lệ thuộc chủ yếu vào cá của dòng sông và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Tại Chiang Mai, ông Poorapong Pomun là giám đốc Hiệp Hội Dòng sông Siam sống động, làm việc với các cộng đồng địa phương.

“Ở Thái Lan, chúng tôi có 8 tỉnh nằm dọc theo sông Mekong và dân chúng địa phương đã sinh sống và lệ thuộc vào dòng sông từ nhiều thế hệ, nhất là về nguồn cá, những mảnh vườn ở bờ sông và chuyên chở.”

Đập Don Sahong sẽ chận con kênh quan trọng nhất của sông Mekong. Các chuyên gia độc lập nói cá dời cư qua con kênh này suốt năm.

Tại một hội nghị tham vấn hồi tháng 12 ở Pakse bên Lào, đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, bà Dương Thiện đã kêu gọi huỷ bỏ dự án đập Don Sahong.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào tức khắc huỷ bỏ dự án Đập Don Sahong và kêu gọi các chính phủ Việt Nam, Thái và Kampuchea tiến hành các biện pháp cần thiết để tôn trọng trách nhiệm đối với việc bảo vệ Sông Mekong và người dân.”

Uỷ ban quốc gia sông Mekong của Kampuchea cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại. Ông Kol Vathana là tổng thư ký uỷ ban.

“Chúng tôi, những nước láng giềng trong Uỷ ban Sông Mekong, cần một dự án đem lại lợi ích và không ảnh hưởng đến các quốc gia liên hệ hoặc chỉ có tác động tối thiểu có thể chấp nhận được.”

Cơ quan khai triển dự án, Mega First của Malaysia, nói mọi người không nên lo ngại, bởi vì đập sẽ không có tác động đáng kể đối với các quốc gia chia sẻ sông Mekong.

Ông Peter Hawkins là giám đốc về môi trường của công ty.

“Các mối lo ngại đó là không cần thiết; không có thật. Lý do là dự án này trong quy mô phát triển thuỷ lực ở phần châu thổ này của sông Mekong, dự án này rất nhỏ bé; nó nhỏ bé, rất nhỏ so với các đập quan trọng khác ở thượng nguồn bên Lào, và nhất là ở Trung Quốc.”

Lào nói họ sẽ xúc tiến với dự án đập.

Ông Daovong Phonekeo là tổng giám đốc bộ Kế hoạch và Chính sách Năng lượng của Lào.

“Chúng tôi có rất nhiều thông tin. Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu. Chúng tôi nay rất chắc chắn là với các biện pháp điều chỉnh chúng ta sẽ thực hiện có sẽ có tác động nhỏ đối với hạ nguồn, hay thậm chí cả với thượng nguồn, về sự di dời của cá.”

Nhưng những người như ông Sun Thaya, ngư dân Lào làm nghề lái taxi thuyền, nói họ chỉ muốn có thể vẫn còn đánh cá được để nuôi sống gia đình và đưa du khách đi xem cá heo ở đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG