Đường dẫn truy cập

‘Có động cơ chính trị’ nào trong vụ Bình Thuận?


Bình Thuận, đêm 10 tháng Sáu.
Bình Thuận, đêm 10 tháng Sáu.

Phải mất một tháng sau ngày nổ ra vụ bạo loạn ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận liên quan đến làn sóng biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, lần đầu tiên mới xuất hiện một quan chức bậc trung mấp mé ý tứ ‘có động cơ chính trị’ về bức màn đen phía sau cuộc bạo loạn này.

Ai là tác giả của ‘có động cơ chính trị’?

Tại cuộc giao ban báo chí tháng 7/2018 tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khi đề cập đến “17 bị cáo chuẩn bị được đưa ra xét xử. Các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm các đối tượng”, ông Hồ Trung Phước - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận lý giải: "Đa phần các bị cáo này là có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định... Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mình vừa gây ra. Vì thế, đây không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là có động cơ chính trị".

Đáng chú ý, nhận định ‘có động cơ chính trị’ trên không phải được phát ra bởi Công an Bình Thuận - địa chỉ chủ chốt cùng với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động của Bộ Công an đã tiến hành một chiến dịch đàn áp và truy bắt người biểu tình sau cuộc biểu tình và bạo loạn ngày Mười tháng Sáu, mà lại do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận - một cơ quan đảng chịu sự chỉ đạo ngành dọc trong khối đảng từ Ban Tuyên giáo trung ương. Mà Ban Tuyên giáo trung ương lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban bí thư đảng và trên hết là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, có thể hiểu rằng ‘có động cơ chính trị’ - một cụm từ và cũng là nhận định rất nhạy cảm về chính trị, không phải do Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước tự sáng tác hoặc phát ra trong một cơn bột hứng, mà cụm từ này rất có thể đã được trích dẫn nguyên văn từ các văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương và cũng là tinh thần chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng.

Vậy ‘có động cơ chính trị’ nào trong cuộc bạo loạn Bình Thuận? Phải chăng đó là động cơ chính trị của Việt Tân hay ‘các thế lực thù địch’?

‘Có động cơ chính trị’ nhắm vào ai?

Từ sau cuộc bạo loạn Bình Thuận đến nay, chỉ thấy giới dư luận viên của đảng và công an tố cáo ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, nhưng lại không hề nói rõ thế lực nào. Cho đến nay, vẫn chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là ‘Việt Tân kích động’.

Trùng với tiết lộ ‘có động cơ chính trị’ của Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước vào ngày 11/7/2018, một vài tờ báo ngành công an đã bắt đầu đăng tải hình ảnh của những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan ở Bình Thuận - có kẻ bịt mặt và có kẻ lộ mặt - và kêu gọi những kẻ này ‘ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng’. Chi tiết đáng chú ý không kém là lời kêu gọi này cũng không đề cập đến ‘thế lực thù địch’ hay Việt Tân.

Vậy thế lực nào đã bảo kê cho những kẻ bịt mặt gây bạo loạn ở Phan Thiết? Liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó? Nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản ‘kiến tạo’?

Một lần nữa, hãy mổ xẻ cụm từ ‘có động cơ chính trị’.

Từ trước đến nay, trong các báo cáo nội bộ và thông báo công khai của cơ quan công an lẫn tuyên giáo đảng về các vụ việc ‘biểu tình gây rối’ hay ‘khủng bố’, rất thường tồn tại cụm từ ‘có bàn tay của thế lực thù địch’ mà không dùng cụm từ ‘có động cơ chính trị’.

‘Động cơ chính trị’ lại có mối liên quan và có vẻ tương quan với khái niệm ‘cơ hội chính trị’ mà giới quan chức bảo thủ thường sử dụng để đấu tố những trí thức, quan chức có đầu óc cải cách, dân chủ nhân quyền, và với cả những quan chức có khuynh hướng ‘phe cánh chính trị’ - đặc trưng cho phong trào đấu đá và xung đột giữa ngày càng nhiều phe phái trong nội bộ đảng, đặc biệt từ năm 2012 đến nay.

Trong các vụ việc và vụ án liên quan đến Tổng giám đốc Trịnh Xuân Thanh, Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, cụm từ ‘phe cánh chính trị’ đã trở nên nổi bật và phổ biến hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ ‘phe cánh chính trị’ lại trở nên một đặc thù đầy đặn và diêm dúa như lúc này, vào buổi chợ chiều của chính thể cộng sản.

Vì những lẽ trên, ‘có động cơ chính trị’ rất nhiều khả năng được hàm ý về một thế lực chính trị, một ‘phe cánh chính trị’ nằm ngay trong nội bộ đảng, mà cuộc bạo loạn Bình Thuận đã được đạo diễn nhắm tới một mục đích không đơn thuần là gây rối mà có thể là một âm mưu chính trị.

Âm mưu đó là gì?

Một ‘chuyên án an ninh quốc gia’ mới?

Sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức. Kịch bản có thể hình dung là chiến dịch biểu tình này sẽ được kéo dài trong vài tuần lễ hoặc thậm chí vài tháng trời với nhân số biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người hoặc thậm chí hàng triệu người, đủ lớn để tạo áp lực xã hội vào thể chế chính trị và một số chóp bu…

Chính vào thời gian này, dường như Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải chế độ của ông ta, đang bị thách thức quyền lực một cách công khai bởi ‘động cơ chính trị’. Hình như vài lá bài tẩy đã được lật ngửa, biến ván bài chính trị từ thế giấu bài trước đó thành bài ngửa và công khai thách thức quyền lực của nhau, kéo theo một tương lai nếu không ‘lật đổ’ được thì sẽ bị thanh trừng.

Phát ngôn công khai ‘có động cơ chính trị’ từ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Thuận là rất tương đồng với những biểu hiện và đặc trưng xung đột nội bộ vào thời gian này. Theo logic đó, có thể cho rằng sau cuộc bạo loạn ở Phan Thiết, Nguyễn Phú Trọng đã ý thức một cách không thể ngủ được về nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà chiến dịch đàn áp biểu tình ở Phan Thiết sau ngày Mười tháng Sáu đã đậm đặc quân đội hơn công an. Rất có thể ông Trọng đã chỉ đạo cho một số đơn vị đặc biệt của Bộ Quốc phòng, mà trong đó chắc chắn không thể thiếu vai trò của Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo), mở ra một ‘chuyên án an ninh quốc gia’ trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh thành, nhằm truy xét âm mưu tổ chức bạo loạn để từ đó sẽ tiến hành một chiến dịch thanh trừng nội bộ quy mô và cứng rắn chưa từng có trong những tháng tới.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày này, báo chí nhà nước bắt đầu ‘gợi ý’ về luật Quốc phòng - có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 - sẽ xuất hiện hai động thái rất mới và rất lạ ngay trong thời kỳ mà chính thể Việt Nam luôn tự hào là ‘ổn định chính trị - xã hội’: Lệnh giới nghiêm và Thiết quân luật.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG