Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp FDI - những bất cập (2)


Doanh nghiệp FDI - những bất cập (2)
Doanh nghiệp FDI - những bất cập (2)

Bài này, xin đề cập đến 2 bất cập khá nghiêm trọng:

Dịch vụ và bất động sản

Số liệu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội do PGS-TS Phùng Xuân Nhạ công bố năm 2010 cho thấy trái với xu hướng suy giảm đầu tư của ngành nông nghiệp là sự bùng phát vốn FDI vào ngành dịch vụ. Trong vòng hai năm 2006-2007, các dự án về dịch vụ tăng thêm 2,59% về số lượng và tăng 2,56% về vốn đăng ký[i].

Phân phối FDI theo ngành và khu vực kinh tế năm 2007 được tóm tắt trong biểu đồ 3. Nhận xét đầu, tỷ trọng DNFDI là 45% đầu tư trong công nghiệp, sau là 26% trong xây dựng nhà cửa và 11% trong dịch vụ du lịch. Phần đầu tư trong những khâu kinh tế khác không đáng kể.

Biểu đồ 3 : Phân phối theo ngành và khu vực của FDI (2007)

http://www.vietpartners.com/Statistic-FDI.htm

Dự án xây dựng văn phòng, căn hộ giảm 0,9% nhưng lại tăng 3,32% về vốn đăng ký. Điều này ho thấy quy mô vốn của các dự án bất động sản (BĐS) tăng đáng kể. Đặc biệt năm 2008, cơ cấu ngành có sự thay đổi mạnh: 18% tổng vốn đăng ký vào dầu khí, 32% vào công nghiệp nặng, 3% vào công nghiệp nhẹ nhưng có tới 24% vào BĐS. Như vậy, rõ ràng dòng tiền tăng mạnh ở những ngành tập trung vốn (BĐS, khách sạn) ít có sức tác động tích cực lan tỏa đến công nghệ và kỹ năng. Các dự án BĐS thường kéo dài và có tác động trên xu hướng dịch chuyển cơ cấu đầu tư theo ngành. Như hiện nay, với khuynh hướng vừa kể, thật khó DNFDI có thể mang lại hiệu quả chuyển giao và nâng cấp công nghệ. Hậu quả là đến năm 2009, 10% DN vẫn sử dụng công nghệ của thập niên 70, 30% sử dụng công nghệ của thập niên 80 và 50% sử dụng công nghệ của thập niên 90.

Rất nhiều chuyên gia người nước ngoài khuyến cáo nhà nước Việt Nam về sự kiện thả nổi cho chủ đầu tư FDI khống chế dịch vụ khách sạn và bất động sản. Với những dự án khoanh đất cho “hoành tráng” để làm resort, sân golf, xây khách sạn 5 sao… những chủ đầu tư FDI sẽ... đánh quả, bơm thêm hơi vào bong bóng BĐS khi tình trạng “đục nước béo cò” còn tồn tại. Ở đây, cần là những người có thẩm quyền biết lắng nghe, và đừng để những nhóm lợi ích chi phối trong bối cảnh tranh tối tranh sáng một nền kinh tế đang bước những bước dò dẫm.

Cán cân thương mại:

Một điều hết sức đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước liên tục nhập siêu với mức độ ngày càng tăng suốt 13 năm, từ 1995 đến nay (nửa đầu 2008), trong khi khu vực kinh tế FDI liên tục xuất siêu cũng với nhịp độ ngày càng tăng. Xuất siêu là một điểm son, nhất là khi dự trữ ngoại hối ngày càng giảm và có tác động đáng kể trên chính sách tiền tệ - tài chính của nhà nước. Nhưng đẩy mức nhập siêu với giá nhập thổi phồng để chuyển lợi nhuận ra ngoài Việt Nam thì hẳn là không! Và rồi xuất khẩu sản phẩm với giá thấp chuyển đến công ty mẹ hầu tránh thuế thì những DNFDI đã biển lận cán cân thương mại: lẽ ra, DNFDI xuất siêu nhiều hơn là những con số thống kê ta biết. Chênh lệch này thành lợi nhuận những công ty mẹ.

Từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính, lượng vốn và số dự án FDI có thay đổi gây một số quan ngại. Việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá không chỉ làm thất thu thuế đối với Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đẩy nhập siêu của Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn. Các doanh nghiệp FDI liên tục nhập nguyên liệu sản xuất, linh kiện lắp ráp… trong nhiều năm nay. Nếu bỏ dầu thô khỏi kim ngạch xuất khẩu của khối này, năm 2008 các doanh nghiệp FDI nhập siêu khoảng 4,14 tỷ USD; năm 2009 là gần 1,23 tỷ USD; 7 tháng đầu năm nay xấp xỉ 1,78 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê [ii].

Theo quy định về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, hạng mục thu nhập đầu tư bao gồm lãi phải trả cho các khoản vay nợ nước ngoài, lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp được hưởng. Trong cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam, thu nhập đầu tư (thuộc cán cân vãng lai) liên tục âm nhiều năm gần đây, năm 2007 âm 3 tỷ USD, 2008 và 2009 đều âm 4,9 tỷ USD. Tham chiếu bản tin nợ nước ngoài số 5 được Bộ Tài chính công bố mới đây về trả nợ lãi và phí cho nợ nước ngoài, năm 2007 là 382,07 triệu USD; 2008 là 424,39 triệu USD; và 2009 là 484,38 triệu USD. Không kể khoản lãi được sử dụng tái đầu tư được chuyển ghi vào mục vốn FDI ròng (thuộc cán cân vốn và tài chính), số tiền lãi của các doanh nghiệp FDI khá lớn nhưng toàn bộ được chuyển về công ty mẹ, nhiều khi không chuyển qua tài khoản tại ngân hàng mà bằng tiền mặt cho vào container chuyển đi, hoặc móc ngoặc với người Việt Nam thanh toán tại nước ngoài.

Tóm lại, kỳ vọng về các dự án FDI đưa công nghệ cao vào Việt Nam sau 20 năm thu hút FDI chưa đạt được. Những DNFDI chủ yếu sử dụng lao động không tay nghề với giá rẻ trong nhiều cơ xưởng lắp ráp những mặt hàng tiêu thụ sơ cấp. Dòng vốn này cũng không tạo ra nguồn cung ngoại tệ như mong muốn vì giá trị nhập khẩu của khu vực FDI quá lớn so với giá trị xuất khẩu. DNFDI lãi, nhưng khai lỗ, tránh trả thuế doanh lợi, không đóng góp một cách tương xứng vào ngân sách nhà nước. Với DNFDI, một phần GDP Việt Nam đã được chuyển ra bên ngoài, không tạo được sự thịnh vượng cho nền kinh tế nội địa và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thấp đến cao. Hiện tại, bệnh thành tích và ăn chia khiến các chính quyền địa phương thi nhau gọi dự án FDI. Điều này dẫn đến tình trạng dẫm chân lên nhau đến hỗn loạn, không đánh giá đúng đắn tác động của nhiều DNFDI trên môi trường và phát triển bền vững, trong khi chính sách kinh tế cả nước cần một tầm nhìn tổng hợp và nhất quán. Những DNFDI phần lớn xuất phát từ châu Á, và để tránh bỏ “tất cả trứng vào một giỏ”, có lẽ nhà nước Việt Nam nên tìm cách thu hút FDI từ những quốc gia Âu-Mỹ, đồng thời áp dụng những qui chế chuyển giá quốc tế (thiết lập bởi OCDE chẳng hạn) để tránh thành miếng mồi ngon trong “thiên đường trốn thuế” của giai cấp tư bản.

[i] http://nld.com.vn/20100729115216350P0C1014/bat-thuong-von-fdi.htm

[ii] http://vneconomy.vn/PrintPage.aspx?NewsID=20100812104143892

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG