Đường dẫn truy cập

Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc tại Miến Điện


Từ trái: Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein, và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Naypyidaw, ngày 6/6/2013.
Từ trái: Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein, và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Naypyidaw, ngày 6/6/2013.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á khai mạc hôm nay ở Naypyidaw, thủ đô mới của Miến Điện. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các vị bộ trưởng của nhiều chính phủ trên thế giới đang tụ họp để bàn về những đề tài như đầu tư nước ngoài, công cuộc phát triển và thương mại của khu vực Đông Á. Phóng viên VOA ở Naypyidaw gởi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã chính thức khai mạc hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, cùng với người sáng lập diễn đàn Klaus Schwab, là người đưa ra dự báo cho rằng kinh tế Miến Điện sẽ tăng trưởng mạnh với tỉ lệ 10% một năm.

Diễn đàn này là một tổ chức quốc tế độc lập có mục đích thảo luận về những vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực phải đối mặt, đặc biệt là công cuộc hội nhập kinh tế của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á, tức ASEAN.

Trong các phiên họp khác, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và bộ trưởng có chủ trương cải cách Soe Thein đã tham gia một cuộc tranh luận sôi nổi, và bàn về các vấn đề như khả năng sửa đổi hiến pháp, vấn đề thiếu độc lập của ngành tư pháp, cùng với vấn đề hòa giải với các nhà tranh đấu và các săc dân thiểu số.

Bà Suu Kyi cũng đã nói tới vai trò của quân đội trong chính quyền. Bà đã bị chỉ trích vì những phát biểu tương tự hồi than1g hai ở Hawaii, khi bà bày tỏ “sự quí mến” đối với quân đội.

Bà Suu Kyi nói: "Quân đội có một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân nước tôi. Tôi muốn có một quân đội có tinh thần chuyên nghiệp và được kính trọng và sẵn sàng bảo vệ đất nước chúng tôi, và đây là loại quân đội mà cha tôi muốn có khi ông lập ra quân đội Miến Điện."

Bà Suu Kyi cũng ca ngợi những người từng lợi dụng quyền thế dưới thời chính quyền quân nhân để thủ đắc những khoản tài sản khổng lồ và giờ đây đang dùng tiền của đó để thực hiện những chương trình từ thiện ở trong nước thay vì mang giấu ở các ngân hàng nước ngoài.

Ông Tarek Sultan, chủ tịch công ty Agility, một công ty hậu cần ở Kuwait, đã đến dự lễ khai mạc. Ông nói rằng Đông Nam Á có một tiềm năng đầu tư vô cùng to lớn trong 10 năm tới đây, nhưng những rào cản tự do thương mại và hậu cần bên trong khối ASEAN đang tạo ra những trở ngại đáng kể.

Ông Tarek nói: "Tôi nghĩ rằng có một điều rất rõ ràng là những rào cản lớn nhất chính là những chướng ngại trong giây chuyền cung ứng đang cản trở cho hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng tăng trưởng có thể được cải thiện với tỉ lệ 10% nếu chúng ta giải quyết được một số những rào cản mềm, những rào cản trong giây chuyền cung ứng."

Nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền bày tỏ sự lo ngại là tiến trình cải cách vẫn còn quá sớm để tổ chức những diễn đàn như thế này ở Miến Điện.

Tổ chức Chiến dịch cho Miến Điện ở Anh tố cáo những người tổ chức diễn đàn đã làm ngơ trước những vụ chà đạp nhân quyền mà quân đội tiếp tục thực hiện, và đã làm cho hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong hai năm qua. Họ cũng nói rằng diễn đàn như thế này mang lại tính chất chính thống cho một chính phủ bách hại người dân.

Tuy nhiên, ông Dave Mathieson của tổ chức Human Rights Watch ở Mỹ tin rằng những diễn đàn này nên được xem là một phần của tiến trình cải cách.

Ông Mathieson nói: "Nhưng đây là một diễn đàn mà trên cơ bản là thảo luận về tương lai của Miến Điện. Đây là một diễn đàn tìm cách tập họp nhiều tiếng nói rất khác nhau để nói tới tất cả những mối quan tâm mà chúng ta đã nói tới trong hai năm qua trong tiến trình cải cách. Vì vậy, tuy nó có thể là hơi quá sớm một chút và có vẻ như đang giúp cho chính phủ này có được tính chất chính thống, nhưng tôi thật sự không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu về nỗ lực cải cách của quốc gia này."

Ông Mathieson đã nói tới những mối quan tâm về làn sóng đầu tư vào Miến Điện. Ông cho biết vấn đề nhân quyền lớn nhất đang được thảo luận tại diễn đàn là nạn chiếm đoạt đất đai và việc dân chúng phải dời cư, đặc biệt là ở những khu vực của người thiểu số đang có những tiến trình hòa bình có tính chất tạm bợ và dễ đổ vỡ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG