Đường dẫn truy cập

Đảng WikiLeaks tham gia cuộc bầu cử quốc hội Australia


Ông Julia Assange, người sáng lập Wikileaks
Ông Julia Assange, người sáng lập Wikileaks
Người sáng lập WikiLeaks, ông Julia Assange, định ra tranh cử thượng nghị sĩ trong cuộc bầu cử quốc hội ở Australia trong năm nay.

WikiLeaks đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và gây ra những vụ tranh cãi qua việc phổ biến những thông tin mật của các chính phủ và các đại công ty.

Giờ đây, Đảng WikiLeaks sẽ đưa người ra tranh cử tại các tiểu bang đông dân nhất ở Australia là Victoria, New South Wales và Tây Australia. Danh tánh của các ứng cử viên đó sẽ được công bố vào tháng tới và họ sẽ tham gia những cuộc chạy đua để giành ghế đại biểu tại Thượng viện liên bang.

Ông Julia Assange, người sáng lập WikiLeaks, sẽ tham gia cuộc chạy đua ở tiểu bang Victoria. Một phát ngôn viên của WikiLeaks cho biết đảng mới lập này sẽ tranh đấu cho tự do ngôn luận, nhân quyền, quyền tự quyết của thổ dân Australia và cho “sự thật và sự minh bạch” của chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Assange có sự ủng hộ của tổ chức GetUp!, một nhóm vận động trên mạng ở Australia có hơn 600.000 hội viên.

Ông Sam McLean, giám đốc quốc gia của GetUp!, tin rằng người sáng lập WikiLeaks sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn trong sinh hoạt chính trị ở Australia qua việc đặt tự do ngôn luận và tự do thông tin làm các vấn đề hàng đầu trong cuộc vận động tranh cử. Ông nói:

"Trong cuộc bầu cử lần trước chúng tôi có tỉ lệ cử tri đi bầu thấp nhất trong lịch sử và số người đi bầu không chính thức lại ở mức cao nhất. Sẽ có hàng triệu người Úc tới các phòng phiếu trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới mà không biết nên bỏ phiếu cho ai và cảm thấy họ không có được một sự lựa chọn tốt. Vì vậy cho nên đây là một thời điểm rất tốt để thực hiện một sự can thiệp nếu quí vị là một người lâu nay vẫn đứng ngoài chính trường, như ông Assange."

Các cuộc thăm dò hồi năm ngoái cho thấy 25% người Úc sẽ bỏ phiếu cho ông Assange, phần lớn là những người trẻ tuổi và những người quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường.

Ông Andrew Fowler, người từng viết một cuốn tiểu sử về ông Assange, tin rằng người sáng lập WikiLeaks đã trở thành một người có tài ăn nói trước công chúng và có khả năng gây bối rối cho các chính phủ và các nhà hoạt động chính trị. Ông nhận định:

"Chủ trương tranh đấu của ông đã làm cho ông trở nên hấp dẫn đối với một bộ phận rất lớn những người mà chúng ta có thể gọi là thuộc phong trào xanh, tả khuynh ở Australia. Nhưng chủ trương tranh đấu của ông cũng làm cho ông trở nên hấp dẫn đối với những người ở phía bên kia của phe cánh tả. Những người đó có thể nghĩ rằng chúng ta đang tiến tới chỗ mà ông Assange gọi là một nhà nước giám sát và đó làm điều gây lo ngại cho những người hữu khuynh."

Các nhà phân tích khác tin rằng WikiLeaks đã vượt qua một lằn mức quan trọng qua việc tham gia tiến trình chính trị thay vì chỉ đứng bên lề như một tổ chức truyền thông nửa vời.
WikiLeaks là một tổ chức bất vụ lợi đã bênh vực cho việc phổ biến những thông tin mật của Hoa Kỳ, những tài liệu và hình ảnh quân sự được bảo mật về các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, nhằm mang lại cho công chúng những tin tức và thông tin quan trọng.

Những người chỉ trích nói rằng sự tiết lộ đó vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho những người cung cấp thông tin. Các công tố viên Mỹ nói rằng WikiLeaks và ông Assange có thể bị truy tố về tội đánh cắp tài sản của chính phủ Mỹ.

Bà Ariadne Vromen, giáo sư chính trị học của Đại học Sydney, nói rằng đảng WikiLeaks có thể gặp khó khăn khi hoạt động bên trong hệ thống chính trị chính thức của nước Úc. Bà nói:

"Nếu ở bên ngoài hệ thống quốc hội và bên ngoài hệ thống chính trị chính đảng thì quí vị sẽ dễ dàng hơn trong việc chỉ trích nó. Một khi quí vị ở trong quốc hội, quí vị sẽ thương thuyết với các đảng khác; và rất khó lòng để tiếp tục là một đảng chỉ chú trọng tới một vấn đề duy nhất. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng ông Assange sẽ cảm thấy bực bội thay vì cảm thấy vui thích."

Người sáng lập WikiLeaks đã trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6 để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển để đối mặt với những cáo trạng về xâm hại tính dục. Ông Assange mạnh mẽ bác bỏ tố cáo mà ông cho là có động cơ chính trị.

Ông Antony Green, một chuyên gia về các vấn đề bầu cử, nói rằng cho dù được đắc cử ông Assange cũng sẽ không được phép về nước:

"Một khi vừa bước chân ra khỏi sứ quán Ecuador thì ông ấy sẽ bị chính phủ Anh bắt ngay và đưa sang Thụy Điển để được thẩm vấn. Nếu được đắc cử, ông ấy sẽ không thể tuyên thệ nhậm chức, và điều này có nghĩa là ghế đại biểu của ông một lúc nào đó sẽ được tuyên bố là cần phải điền khuyết và một người nào khác sẽ điền vào chỗ trống của ông ấy."

WikiLeaks cho biết đảng mới của họ đã vượt số 500 đảng viên cần có để ghi danh với Uûy ban Bầu cử Australia. Các thủ tục ghi danh dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối tháng này. Cuộc bầu cử quốc hội Úc sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG