Đường dẫn truy cập

Ðặc sứ Nhật Bản đi thăm Trung Quốc


Ông Natsuo Yamaguchi (giữa) cùng với Đại sứ Nhật tại Trung Quốc Masato Kitera (trái) và những người trong đoàn tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh
Ông Natsuo Yamaguchi (giữa) cùng với Đại sứ Nhật tại Trung Quốc Masato Kitera (trái) và những người trong đoàn tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh
Một đặc sứ của Nhật Bản đã đi thăm Bắc Kinh trong tuần này để tìm cách xoa dịu căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trong khi chuyến thăm bị các cơ quan truyền thông Trung Quốc chỉ trích, các giới chức Trung Quốc dường có vẻ cởi mở hơn đối với việc cố gắng cải thiện bang giao.

Ông Natsuo Yamaguchi, người đứng đầu một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền Nhật Bản, đã trao cho Chủ tịch sắp nhậm chức của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một bức thư của Thủ tướng Shinzo Abe trong tuần này.

Ông Yamaguchi nói điều quan trọng là bai bên phải tiến hành các nỗ lực qua đối thoại chính trị, và ông gợi ý về một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản. Ông nói ông Tập Cận Bình đã tuyên bố là cần phải có một cuộc đối thoại cấp cao và ông sẽ cứu xét việc này một cách nghiêm túc.

Các bài bình luận trong giới truyền thông được nhà nước ủng hộ tuần này phần lớn chỉ trích chuyến thăm và gọi đó là thiếu thành thực và nói các giới chức Nhật Bản phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo Ðiếu Ngư, mà Nhật Bản gọi là Senkaku. Song hôm thứ sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi có vẻ cởi mở hơn khi nói chuyện với các phóng viên về cuộc họp với ông Tập Cận Bình.

Ông Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước láng giềng quan trọng. Ông nói sự sâu rộng về hợp tác giữa hai nước ở mức chưa từng có từ trước đến nay. Ông Hồng Lỗi nói chính phủ Trung Quốc cũng có cam kết với bang giao Trung-Nhật.

Ông Yamaguchi là nhà chính trị cấp cao nhất đi thăm Trung Quốc kể từ khi căng thẳng gia tăng trong bang giao giữa hai nước về tranh chấp lãnh thổ.

Nhật Bản nắm quyền kiểm soát một nhóm đảo từ năm 1895. Các hòn đảo này nằm trong một khu vực do quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng sau Thế chiến thứ hai cho đến năm 1972, và sau đó đưọc trao trả cho Nhật Bản.

Việc Nhật Bản mua lại một số hòn đảo của một sở hữu chủ tư nhân hồi năm ngoái đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở khắp Trung Quốc. Các tàu bè của chính phủ Trung Quốc từ đó đã thuờng xuyên đi vào vùng nước gần các hòn đảo đó, và máy bay của chính phủ cũng bay trên không phận các đảo mà Nhật Bản coi là không phận của Nhật.

Ông Carl Thayer, một giáo sư tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng các nỗ lực trong nước muốn duy trì tăng trưởng kinh tế có thể thúc đầy hai nước phải hoà hoãn. Trong các cuộc biểu tình năm ngoái, nhiều cửa hàng của Nhật Bản đã bị phá hoại ở Trung Quốc và kể từ đó các nhà sản xuất Nhật Bản đã báo cáo số thất thu từ phía giới tiêu thụ Trung Quốc.

Ông Carl Thayer nói: “Trung Quốc và Nhật Bản dính liền với nhau về mặt kinh tế và hai bên không thể nào chịu đựng được thiệt hại do một sự suy giảm quan hệ kinh tế. Và họ cũng đã đặt vụ việc đảo Ðiếu Ngư Senkaku trong một bối cảnh rộng lớn hơn.”

Với các chính quyền mới ở cả Bắc Kinh lẫn Tokyo, các cuộc họp ở Bắc Kinh trong tuần này có thể là dấu hiệu cho thấy hai nước đang hướng tới việc giảm thiểu các lập luận mang tính dân tộc chủ nghĩa là đặc điểm cho các cuộc chuyển tiếp chính trị của họ trong năm vừa qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG