Đường dẫn truy cập

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy gì?


Báo chí lề phải, theo chỉ đạo của tuyên huấn đảng, lại thua mạng “Chân dung quyền lực”.

Sáng 15/1, mạng CDQL công bố đầy đủ kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm ngày 10/1 tại cuộc họp Trung ương 10, trong khi báo Nhân Dân vẫn im lặng mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng hứa sẽ cho công bố kết quả.

CDQL đưa tin rất cụ thể là có 197 ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết tham gia bỏ phiếu, người được nhiều phiếu nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với 152 phiếu “tín nhiệm cao”; kế đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với 149 phiếu “tín nhiệm cao”; và thứ ba là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với 145 phiếu “tín nhiệm cao”.

Lý do mà toàn đảng và toàn dân bị mù tịt về tin này theo con đường chính thức có lẽ là vì ông Nguyễn Phú Trọng chỉ được 135 phiếu “tín nhiệm cao” - đứng thứ 8 - và ông Đinh Thế Huynh chỉ được 122 phiếu “tín nhiệm cao” - đứng thứ 13. Cũng có thể còn là vì ông Phạm Quang Nghị, người được Nguyễn Phú Trọng chọn thay thế mình, chỉ được 100 phiếu - đứng thứ 19 trên 20 người trong danh sách.

Có thể nói cuộc bỏ phiếu này tuy về bản chất là sự tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm vì quyền lợi riêng tư trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CS, nhưng các đại biểu cũng đã tỏ ra khách quan, chú ý đến dư luận của xã hội, của thông tin báo chí, của lề đảng cũng như lề dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang có thế vươn lên, đã bị mất điểm nặng, tụt hạng xuống thứ 14, với 116 phiếu “tín nhiệm cao”, rất có thể vì những thông tin về điều gọi là “nghi án đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh” xuất hiện trên mạng CDQL, cũng như những thông tin có đi kèm bằng chứng về số tài sản “khủng” được cho là của ông Phúc và 2 biệt thự mà CDQL nói là do ông Phúc tậu ở bang California, Hoa kỳ.

Ông Tô Huy Rứa cũng bị mất điểm nặng, tụt xuống gần chót bảng - đứng thứ 17. Riêng ông Phùng Quang Thanh được số phiếu khá cao - 144 phiếu “tín nhiệm cao”, đứng thứ tư, nhưng CDQL cho rằng kết quả này là do những thông tin về tài sản ê hề của ông và sự lộng hành của con trai ông là Đại tá Phùng Quang Hải trong việc lũng đoạn ngân sách quốc phòng cũng như về cuộc sống bê tha đến cùng cực của cậu quý tử này chưa được các đại biểu biết đến. CDQL khẳng định nếu bỏ phiếu lại lúc này thì chắc chắn ông Thanh sẽ bị rơi nặng nề.

Người ta có thể nhận định với đôi chút lạc quan thận trọng rằng qua cuộc bỏ phiếu, nhóm giáo điều, bảo thủ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, được 2 ông Phạm Quang Nghị và Đinh Thế Huynh tiếp sức và ông Tô Huy Rứa nhiệt tình đi sau hậu ứng, đã bị thất bại nặng nề nhất, khó có thể ngoi lên được. Đồng thời một số người được công luận biết đến như 2 “đế chế tư bản đỏ” - là gia đình của ông Nguyễn Xuân Phúc và con rể Vũ Chí Hùng, và gia đình của ông Nguyễn Sinh Hùng cùng em gái Nguyễn Hồng Phương - đã bị mất rất nhiều tín nhiệm, do những thông tin về những hành động tham nhũng của họ được tán phát rất sớm, trước những thông tin tương tự về ông Phùng Quang Thanh và con trai là Phùng Quang Hải.

Theo đánh giá của nhiều blogger tự do, nhóm giáo điều là nhóm nguy hiểm tệ hại nhất, vì chủ trương kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định chủ nghĩa CS và chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, kiên định ngả theo Trung Quốc, kiên định lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, kìm hãm nền kinh tế và xã hội trong lạc hậu và đói nghèo.

Cũng nguy hiểm không kém với nhóm giáo điều vừa nêu là nhóm bất tài tham nhũng chuyên làm giàu trên mồ hôi nước mắt người lao động, theo kiểu Bùi Tiên Dũng,Trần Văn Truyền, Hồ Xuân Mãn, Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên)… Nhóm này bị chính một số người lãnh đạo đánh giá là “những bầy sâu mất tính người” nhung nhúc khắp nơi, “ăn không chừa một thứ gì của dân”. Hai nhóm giáo điều và tham nhũng tuy khác nhau nhưng lại làm điều kiện cho nhau tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên hai nhóm này đã bị thất thế rõ rệt.

Còn nhóm đang thắng thế, nhìn nhận họ thuộc nhóm nào, thế lực và triển vọng ra sao?

Vì không có một thế lực nào trong Bộ Chính trị thật lòng ủng hộ dân chủ, nên chỉ có thể nói nhóm này là nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu chỉ nói về ý tưởng chính trị thì ông Dũng có nhiều chính kiến hay, đúng, có thể nói ông là quán quân khi nghĩ và nói về dân chủ. Ông từng tuyên bố “Dân chủ và pháp quyền là 2 thành tựu song sinh của nền chính trị hiện đại”, “nhân dân được làm mọi điều mà pháp luật không cấm”, “cán bộ viên chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”, “mọi quyết định của Nhà nước phải công khai, minh bạch”. Ông cũng từng hứa hẹn: “Tôi sẽ chống tham nhũng quyết liệt, không chống được tham nhũng tôi sẽ từ chức”. Với bành trướng Trung Quốc, ông lớn tiếng bác bỏ kiểu quan hệ hợp tác, hữu nghị “viển vông”, và “không thể hữu nghị kiểu nhà anh là nhà tôi, của anh là của tôi”.

Nhưng nếu ở trong vị thế người số một – tức tổng bí thư – liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có thể làm được như đã nói không? Hoặc hơn nữa, trong vị thế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, như ông Tập Cận Bình bên Tàu, ông có thể tự do hành động không?

Cần quan sát chặt chẽ những động tĩnh rất tinh vi trên chính trường Việt Nam trong năm mấu chốt 2015 này. Điều quan trọng bậc nhất là thế lực dân chủ và nhân quyền tiếp tục phát triển sâu và rộng, lập thêm nhiều tổ chức dân sự, cô lập thế lực giáo điều tệ hại, đẩy mạnh công luận chống tham nhũng, tạo sức ép đòi lãnh đạo mới phải làm những điều đã hứa. Đây có thể coi là bước quá độ, chuyển tiếp để dẫn tới dân chủ thật sự, nhân quyền thật sự, pháp quyền thật sự, kết thúc thời kỳ mà Linh mục Nguyễn Văn Lý cho là “Chưa Độc lập - Thiếu Tự do - Không Hạnh phúc”.

Một hướng cực kỳ hệ trọng là đòi thay đổi tận gốc Cương lĩnh của đảng, từ đó thay đổi Hiến pháp, thay đổi thể chế chính trị vì đây là trở ngại cơ bản nhất cho đất nước đổi mới và phát triển.

Về nhân sự, người công dân quan tâm đến thời cuộc mong truyền thông của đảng cho biết rõ trong cuộc họp Trung ương 10 theo tin công bố đã thi hành kỷ luật một số cán bộ, vậy những người bị kỷ luật là ai, vì sao? Và danh sách quy hoạch bổ sung Bộ Chính trị và Ban Bí thư gồm có những ai? Hay lại phải chờ CDQL tiết lộ, thì còn gì là uy tín của Ban Tuyên huấn và các công cụ thông tin của đảng?

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG