Đường dẫn truy cập

'Cửa hàng Hitler' ở Ấn Ðộ sẽ đổi tên sau các vụ biểu tình phản đối


Cửa hàng bán quần áo có tên là 'Hitler' ở thành phố Ahmedabad, miền tây Ấn Độ
Cửa hàng bán quần áo có tên là 'Hitler' ở thành phố Ahmedabad, miền tây Ấn Độ
Tại thành phố Ahmedabad miền tây Ấn Ðộ, những người sở hữu một cửa hàng có tên là “Hitler” đã đồng ý bỏ tên của nhà độc tài này sau khi xảy ra những vụ biểu tình phản đối kịch liệt của cộng đồng Do Thái ở Ấn Ðộ. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Khi hai người đàn ông Ấn Ðộ mở một cửa hàng có diện tích 400 bộ vuông để bán trang phục cho nam giới trong một khu vực sang trọng ở Ahmedabad cách đây 3 tuần, họ không ngờ rằng cái tên họ chọn đặt cho cửa hàng lại châm ngòi cho những cuộc biểu tình ầm ĩ.

Tên “Hitler” chiếm ngự nguyên bảng hiệu, lại còn kèm theo cả một dấu hiệu chữ thập ngoặc, cũng là một dấu hiệu chỉ sự may mắn đối với người theo Ấn giáo.

Người cùng sở hữu cửa hàng, ông Rajesh Shah, nói cái tên này có ý để tôn vinh người ông nội của ông - một người rất khắt khe. Shah nói ông không biết là nhà độc tài này lại là người chịu trách nhiệm về việc giết hại hàng triệu người trong Thế chiến thứ hai.

Ông Shah nói: “Lúc đó chúng tôi không biết gì về Hitler cả. Chúng tôi không biết là Hitler giết người. Chúng tôi chỉ muốn có một cái tên hấp dẫn để tưởng nhớ đến cái danh hiệu được đặt cho ông nội của người hợp tác với tôi, ý của chúng tôi là thế, chứ không phải là nhà độc tài Hitler của Ðức quốc xã.”

Những người chủ cửa hàng nói cái tên này đã thu hút khách hàng và công cuộc làm ăn rất phát đạt.

Nhưng nó cũng thu hút sự khó chịu của cộng đồng nhỏ người Do Thái ở Ahmedabad, và cộng đồng này đã yêu cầu họ bỏ cái tên cửa hàng. Những tổ chức như Liên minh Chống Phỉ báng có trụ sở ở New York, là tổ chức chống chủ nghĩa bài Do Thái, đã tham gia kêu gọi đổi tên cửa hàng.

Những người chủ cửa hàng đã cưỡng lại ít lâu, nhưng áp lực đã tăng lên. Tổng lãnh sự Israel tại Mumbai nêu vấn đề với chính quyền bang trong một chuyến thăm Gujarat. Các giới chức địa phương cảnh báo chủ hiệu sẽ thu hồi giấy phép nếu họ không tuân hành.

Tuần này, ông Rajesh Shah và người hợp tác với ông đã đồng ý đổi tên. Nhưng ông Shah vẫn hậm hực nêu ra rằng khách hàng của ông không hề tỏ ý phản đối.

Ông Shah nói tiếp: “Họ thích cái tên này. Khách hàng đầu tiên của chúng tôi bước vào cửa hiệu vì cái tên và họ thích cái tên đó. Không có khách hàng nào đòi đổi tên cả. Không có người nào hết. Họ đều thích cái tên ấy.”

Bà Esther David là một nhà văn Ấn Ðộ gốc Do Thái sống ở Ahmedabad. Bà nằm trong số những người đầu tiên tìm cách thuyết phục các chủ hiệu đổi tên. Bà vui mừng vì “tiếng nói nhỏ nhoi” của họ được lắng nghe bởi vì “chúng tôi không thể nào làm ngơ lịch sử.”

Bà David nói: “Chúng tôi nghĩ mọi người nay đã quên đi. Cơ bản là chúng ta không nhớ lâu, và mọi thứ đều trở thành tiếp thị và thương mại và chúng ta quên đi lịch sử, và nếu chúng ta quên thì mọi sự lại xảy diễn. Ta phải hết sức cẩn thận.”

Một vụ tranh cãi tương tự đã bùng nổ cách đây 6 năm tại Mumbai khi một chủ tiệm cà phê có tên là “Hitler’s Cross” bị buộc phải bỏ tên này.

Năm ngoái, tên của một bộ phim truyện được chiếu trên một kênh truyền hình Ấn Ðộ là “Hitler Didi” anh là Em của Hitler đã được đổi thành “Tướng Didi” sau khi có sự phản đối của Liên minh Chống Phỉ báng.

Bộ phim nhiều tập dựa trên truyện một cô gái có tính kỷ luật rất gắt gao. Bộ phim vẫn được tiếp tục trình chiếu tại Ấn Ðộ với cái tên “Hitler Didi.”

Nhưng ông Shah ở Ahmedabad nay đang đi tìm một căn cước mới cho cửa hàng của ông. Ông muốn chọn tên của một nhân vật lịch sử “nặng ký” nhưng cũng phải mang tính tích cực. Ông nói, “Tôi sẽ phải suy tính cả trăm lần trước khi quyết định chọn một cái tên mới…Như Napoleon chẳng hạn, không biết cái tên này có gây tranh cãi hay không đây?”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG