Đường dẫn truy cập

Cảm nghĩ của giới trẻ về cách ứng phó của VN trước hộ chiếu ‘lưỡi bò’của TQ


Hộ chiếu của Trung Quốc có in hình bản đồ 'lưỡi bò' trên góc trái, 23/11/12
Hộ chiếu của Trung Quốc có in hình bản đồ 'lưỡi bò' trên góc trái, 23/11/12
please wait

No media source currently available

0:00 0:15:54 0:00
Tải xuống

Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.

Trong cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên tuần trước, ba thanh niên trong nước đã bày tỏ phẫn nộ trước việc Trung Quốc in bản đồ hình lưỡi bò vào hộ chiếu của công dân và cùng nhau phân tích các động thái dành chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông mà họ miêu tả là ‘thâm độc’ và ‘dã tâm’. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe phản hồi của những người trẻ Việt Nam trước cách ứng phó của chính quyền Hà Nội. Việt Nam nên thể hiện sự phản đối và khẳng định chủ quyền của mình thế nào có hiệu quả tốt nhất, trong mắt người trẻ?

Mời quý vị theo dõi phần trao đổi tiếp theo giữa Cường, quản trị viên trang blog đội bóng đá NO-U, nơi sinh hoạt của những người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội; Lâm người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc 7 lần ở Hà Nội, và Thắng, một cư dân Hà thành thường xuyên qua lại Trung Quốc và làm việc với người Trung Quốc.

Trà Mi: Các chuyên gia phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc in bản đồ đường lưỡi bò vào hộ chiếu có thể vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam. Những cơ hội và thách thức ở đây như thế nào trong ánh mắt người trẻ các bạn?

Thắng: Mình bị đặt trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Lúc Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận, sau mới tới các nước khác trong đó có Liên Xô. Khi Việt Nam kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Trung Quốc giúp đỡ hết sức nhiệt tình dù sự nhiệt tình này cũng xuất phát từ lợi ích cá nhân của họ. Thời gian sau khi Việt Nam đánh thắng Mỹ, hai bên Việt-Trung quan hệ không tốt. Trong suốt thời kỳ lịch sử đó, Việt Nam luôn đi dây giữa hai thế lực Nga và Trung để đảm bảo sao có thể nhận được viện trợ tốt từ cả hai phía. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bơ vơ, bắt đầu xác định xu hướng là chỉ còn có thể bấu víu vào ông anh có hệ tư tưởng giống mình. Thế nhưng tới thời điểm hiện nay, khi ông anh đấy có lập trường, lợi ích đi ngược lại lợi ích của toàn dân tộc Việt, thì chính quyền Việt Nam đang phân vân. Họ vẫn cố gắng bảo vệ những ảo tưởng còn sót lại đối với đất nước có cùng chế độ và ý thức hệ. Sau thời điểm này, sự ảo tưởng đấy cũng bị tan vỡ và điều này chính là sự thức tỉnh và là đòn giáng cuối cùng đối với sự ảo tưởng ấy.

Trà Mi: Nói vậy có nghĩa là anh cho đây là cơ hội. Còn về mặt thách thức thì sao?

Thắng: Đây cũng là một thách thức vô cùng nghiêm trọng. Ở Việt Nam bây giờ không giống ngày xưa khi mà sự tuyên truyền có thể bịp bợm được hết. Bây giờ thông tin nhiều rồi nên mọi người đều có thể biết. Nếu chính quyền Việt Nam không xử lý thận trọng hoặc không khẳng định lập trường của mình bảo vệ được quốc gia này thì có thể chính họ cũng sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Đặc phái viên Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam từng tuyên bố rằng Việt-Trung là hai nước lân bang, nếu Trung Quốc không dễ chịu thì Việt Nam cũng sẽ cảm thấy không dễ chịu. Ý ông ấy muốn gửi tín hiệu cho chính quyền Việt Nam rằng ‘Chúng tôi mà khó chịu thì quý vị cũng chẳng dễ chịu gì’. Trong suốt lịch sử, Việt Nam xử lý rất thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Cho tới thời điểm này, khi dã tâm của Trung Quốc lộ rõ, đây là một áp lực rất lớn cho chính quyền Việt Nam trong việc xử lý với phản ứng của quần chúng nhân dân. Chính phủ Trung Quốc đang đặt ‘đồng chí’ của mình ở Việt Nam vào một thế khó một cách mãnh liệt và quá đáng như thế.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Thắng. Cường và Lâm các bạn có ý kiến nào khác muốn bổ sung? Hành động của Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò vào hộ chiếu mang lại cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đến mức nào?

Cường:
Đấy là thách thức rất lớn. Việt Nam chả có cơ hội gì trong vấn đề ấy cả. Người dân Việt Nam từ lâu lắm đã nhận ra bộ mặt bẩn thỉu của Trung Quốc. Bất kỳ gia đình nào ở Việt Nam cũng có nỗi đau về con người đối với người Trung Quốc: những người đã ngã xuống, những thương binh từ các cuộc chiến tranh biên giới.

Trà Mi: Cường cho rằng không có cơ hội nào cả đối với Việt Nam?

Cường: Không có.

Trà Mi: Ý kiến Lâm thế nào? Giữa bối cảnh sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ngày càng mang tính gây hấn, thách thức đối với quốc tế, không chỉ Việt Nam mà cả Ấn Độ, Philippines, Đài Loan cùng lên tiếng phản đối tấm hộ chiếu đó. Giữa lúc sự phản đối Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng dâng cao thì Việt Nam có cơ hội nào không?

Cường: Với nhà cầm quyền Việt Nam bây giờ, mình nghĩ rằng cũng chả tác dụng gì đâu, người ta cũng kệ thôi.

Thắng:
Tôi cho rằng đây là cơ hội rất lớn đối với chính quyền Việt Nam để thể hiện khả năng của mình trước quốc dân đồng bào. Thứ hai, Việt Nam có cơ hội nhất định trên trường quốc tế để khẳng định lập trường của mình. Từ trước nay, chúng ta luôn đứng đằng sau chứ không ra mặt ở bất kỳ cuộc phản đối nào đối với Trung Quốc, cố gắng né tránh để tránh làm phật lòng Trung Quốc. Họ có thể lấn từng bước, đầu tiên là trên biển, dần dần đến trên bộ.

Trà Mi: Cường cho rằng không hy vọng gì ở giới lãnh đạo Việt Nam vì bạn không đặt niềm tin vào họ trước những gì đã chứng kiến từ lịch sử năm 1979 đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây nhất. Ý Lâm thế nào?

Lâm: Em cũng không tin tưởng rằng giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể dành lại Hoàng Sa-Trừơng Sa được.

Trà Mi:
Thế bạn có hy vọng họ sẽ tận dụng cơ hội này để có thêm sự ửng hộ quốc tế đối với chủ quyền của Việt Nam chăng?

Lâm: Lời phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, trước đó họ đã biết sự việc mà không hề đưa ra thông tin gì cả. Tại sao lại thế? Em hoàn toàn không tin tưởng vào lời nói của họ nữa.

Trà Mi:
Trước nay mình nghe rất nhiều rằng Việt Nam tuyên bố phản đối Trung Quốc lấn lướt ở Biển Đông, nhưng không có hành động gì cụ thể hơn trừ lần này, khi hộ chiếu mang ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc đi khắp nơi trên thế giới, Việt Nam có hành động tương đối cụ thể là từ chối không đóng dấu cấp visa nhập cảnh vào bản đồ ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc. Mà thay vào đó, họ cấp visa rời. Nhiều ngừơi cho rằng đây là một hành động cụ thể hiếm hoi của Việt Nam, một tín hiệu đáng mừng. Các bạn có đồng ý không?

Cường:
Mình không đồng ý. Thật ra kiểu visa rời đó, Việt Nam đã làm rất nhiều từ lâu rồi. Hộ chiếu lưỡi bò này xuất hiện từ tháng 5, tháng 6 mà Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ thông báo chung chung là đã trao công văn. Đúng ra họ phải nói một cách cương quyết rằng chính phủ Việt Nam mời đại sứ Trung Quốc đến trao công hàm.

Trà Mi: Cường tỏ ra chưa hài lòng về cách xử lý của Việt Nam. Lâm thấy cách xử lý và ứng phó của Việt Nam trước hộ chiếu ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc thế nào?

Lâm: Em không hề hài lòng. Nếu họ muốn phản đối, phải phản đối một cách mạnh mẽ. Đằng này họ chỉ đưa ra vài lời chung chung. Thật sự những hành động của chính quyền này không xứng đáng.

Trà Mi: Nhưng phải chăng dù sao đi nữa, từ chối đóng dấu thị thực vào tờ hộ chiếu đó cũng chứng tỏ một thái độ dứt khoát của Việt Nam? Các bạn không đồng ý sao?

Thắng:
Đúng rồi chị ạ. Từ trước nay Việt Nam đối với Trung Quốc mềm dẻo và thận trọng. Dù tôi không thích cách điều hành của chính phủ cộng sản, thế nhưng cũng có những cái mình phải thông cảm với người ta. Trước giờ Việt Nam, kể cả khi đánh thắng giòn giã Trung Quốc như vua Quang Trung chẳng hạn, nhưng sau đó vẫn phải sai sứ sang cầu hòa, làm thân với chính quyền nhà Thanh. Trung Quốc là đất nước rất lớn bên cạnh chúng ta. Chúng ta không thể nào không ngoại giao tốt với họ. Hiện nay, từ đứa trẻ con đến những người lãnh đạo đều căm thù Trung Quốc đến tận xương tủy và tôi tin rằng chính quyền cộng sản Việt Nam không đến nỗi đồi bại đến mức quên đi điều đấy. Tờ visa đóng rời là một bước biểu hiện của Việt Nam.

Trà Mi:
Anh Thắng cho rằng cách ứng phó của Việt Nam dù gì cũng là một bước tiến bộ đáng mừng. Lâm thì cảm thấy chưa hợp lý, chưa hợp lòng dân. Bạn kỳ vọng gì hơn thế nữa?

Lâm: Em vẫn muốn một phản ứng mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao, yêu cầu tất cả các cửa khẩu từ chối hộ chiếu của Trung Quốc.

Cường: Để mình nối tiếp ý Lâm. Chủ quyền của mình sao mình không ra bố cáo nghiêm túc công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng rằng bất kỳ công dân nước ngoài nào vào Việt Nam với hộ chiếu sai trái chủ quyền Việt Nam thì không cho vào.

Trà Mi: Xét về phương diện ngoại giao và tiêu chuẩn quốc tế, nếu không có cơ sở pháp lý, khó từ chối nhập cảnh cho các công dân nước ngoài. Biện pháp Cường đưa ra các bạn thấy có khả thi không?

Cường: Ý mình là phải có một công bố rất rõ ràng rằng bất kỳ một công dân nước ngoài nào vào Việt Nam phải tôn trọng địa lý, lãnh hải, chủ quyền Việt Nam. Thế có phải là quang minh, chính đại và được lòng dân không? Nhân dịp này chúng ta công bố luôn rằng bất kỳ cái gì sai trái với thuần phong, mỹ tục, bản đồ địa lý của Việt Nam, chúng tôi từ chối cho các bạn nhập cảnh.

Trà Mi: Cường cho rằng phản ứng của Việt Nam đóng thị thực nhập cảnh vào tờ giấy rời là chưa đủ. Một lời công bố như Cường đề nghị có thể gọi là đủ hay chưa trong việc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên trường quốc tế trước hàng loạt các động thái liên tiếp của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam?

Cường: Chúng ta nên kiên quyết ngay từ bây giờ, phải đưa vấn đề này lên ngay Tòa án Quốc tế rằng chúng tôi phản biện tất cả. Nên làm một hồ sơ trình lên Liên hiệp quốc, chứ còn phát ngôn (của người phát ngôn Bộ Ngoại giao) thì cũng như là chúng ta đang cãi nhau thôi. Phải có những chứng cớ xác thực và gửi bằng văn bản, chứ người Việt Nam chúng tôi vẫn nghĩ rằng ‘lời nói gió bay’.

Thắng:
Trước nay hoạt động của Trung Quốc là nhất quán từ trung ương tới địa phương, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng ru ngủ mình. Lần này họ ứng phó bằng thị thực rời một phần vì không thể từ chối khách du lịch Trung Quốc. Những du khách này họ không có tội gì. Để giữ được tình hữu hảo, giao thương với các nước, chúng ta vẫn chấp nhận cho công dân nước đó nhập cảnh. Nhưng chúng ta không chấp nhận một tờ giấy do công dân nước đó cầm vi phạm chủ quyền nước ta. Cấp thị thực rời là một biện pháp hợp lý. Những người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ thấy một dòng chữ ‘Bạn có biết Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam hay không?’ Đó là cách rất thân thiện và lịch sự, đối ngược lại hoàn toàn sự báng bổ, đốn mạt của chính phủ Trung Quốc với việc vẽ ‘đường lưỡi bò’ thô bỉ như thế.

Cường:
Ngày xưa Quang Trung-Nguyễn Huệ hành quân đánh giặc từ Trung ra Bắc có vấn đề gì đâu? Bây giờ thời đại năm 2012 rồi, ra một công bố có gì đâu? Mình cũng không phản đối Thắng, nhưng những cái câu chữ đấy mà không viết được từ tháng 5 tới giờ. Sau khi quốc tế lên tiếng, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới buộc phải lên tiếng một cách hổn hển.

Thắng: Thời ông Phụng còn làm đại sứ Trung Quốc, có những khi nửa đêm, Trung Quốc gọi ông dậy, triệu đại sứ để phản đối báo chí Việt Nam nói về sự hỏng hóc của sản phẩm Trung Quốc hay thực phẩm Trung Quốc có độc. Ông Phụng bảo rằng nói đúng đấy chứ thì họ nói đại ý rằng có đúng cũng không được nói. Đấy là ngày trước. Nhưng đến bây giờ các phương tiện truyền thông của Việt Nam không ngày nào không nói đến vấn đề thực phẩm, hàng hóa Trung Quốc có độc. Hành động này được quyết định từ trung ương nhưng không để ra mặt. Vì nếu để ra mặt có thể sẽ làm Trung Quốc cảm thấy bị vuốt mặt. Nhưng làm như vậy đủ để Trung Quốc biết rằng Việt Nam kiên quyết.

Trà Mi
: Anh Thắng cho rằng Việt Nam muốn phản ứng mạnh với Trung Quốc cũng rất khó giữa tình thế Trung Quốc vừa là đồng chí, vừa là láng giềng rất mạnh bên cạnh Việt Nam. Cho nên, Việt Nam muốn phản đối phải uyển chuyển, nếu không sẽ gay go, có nhiều rủi ro.

Lâm:
Bộ Ngoại giao Việt Nam cần phải thể hiện rõ tinh thần dân tộc của Việt Nam hơn nữa. Họ vẫn còn yếu ớt lắm.

Trà Mi: Việt Nam nên thể hiện sự phản đối và khẳng định chủ quyền của mình thế nào có hiệu quả tốt nhất trước những hành động của Trung Quốc?

Lâm:
Ít nhất cũng phải tương tự như Phippines.

Trà Mi: Philippines có nhiều lý do để thể hiện thái độ quyết liệt vì họ có đồng minh rất mạnh là Mỹ. Ấn Độ thì in ngay bản đồ vào visa đáp lại với hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc. Đó là những nước hùng mạnh và có đồng minh. Còn vị thế của Việt Nam, liệu chăng mình cũng nên thông cảm với những đường hướng, chính sách của Hà Nội?

Cường: Tôi phản đối. Dân tộc Việt là một dân tộc anh hùng. 90 triệu dân không phải là ít. 90 triệu dân này đang bị cản trở bởi một lực cản rất lớn là Bộ chính trị. Đương nhiên mình là nước yếu, nước nghèo. Nhưng chúng ta nghèo rất lâu rồi, nghèo nốt lần nữa có gì đâu? Dân tộc Việt Nam không bao giờ yếu hèn cả mà làm như bây giờ tôi cảm thấy là hơi yếu hèn. Chúng ta chỉ nghèo vì sự tham nhũng, vì sự quản lý yếu kém thôi. Chứ đâu có phải là con người Việt Nam yếu hèn!

Lâm: Em nghĩ chắc là chính quyền Việt Nam cũng không dám làm điều gì lớn hơn như thế được đâu. Họ còn sợ một điều gì đó từ chính trong lòng mình chứ không phải từ Trung Quốc nữa. Nếu họ phản ứng quá thì họ lo sợ một điều gì đó sẽ xảy ra với chính nội tại của họ.

Trà Mi:
Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian tham gia chương trình này.

Vừa rồi là phần trao đổi tiếp nối trong loạt thảo luận hai kỳ giữa 3 bạn trẻ trong nước phản hồi trước việc Trung Quốc in bản đồ đường lưỡi bò vào hộ chiếu và cách ứng phó của chính quyền Việt Nam.

Qúy thính giả muốn nghe lại toàn bộ hai phần cuộc thảo luận, chia sẻ quan điểm với các khách mời của chương trình, hoặc trao đổi với độc giả khắp nơi về đề tài này, xin tham gia mục Ý kiến ngay dưới bài đăng trên trang nhà voatiengviet.com.

Để nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời quý vị và các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.

Trà Mi xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong Tạp chí Thanh Niên đài VOA tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần.

VOA Express

XS
SM
MD
LG