Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ 'lo ngại' về các tập tục thương mại của TQ ở châu Phi


Thương mại là đề tài chính trong chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến châu Phi
Thương mại là đề tài chính trong chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến châu Phi

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng bà lo ngại về các chính sách viện trợ và đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ áp đặt ý muốn của họ lên châu Phi và chỉ đề nghị trợ giúp mà không đặt điều kiện chính trị. Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Thương mại là đề tài chính trong chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton đến châu Phi vào tuần này khi bà gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận về việc tiếp tục mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa của châu Phi được tiếp cận trên cơ sở miễn thuế nhập khẩu chiếu theo Bộ Luật Cơ hội và Phát triển cho châu Phi.

Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi bất cứ nơi nào Ngoại trưởng Clinton đến thăm – tại Zambia, tại Tanzania và tại Ethiopia – bà đều được hỏi về quốc gia đã chiếm vị trí của Hoa Kỳ đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, đó là Trung Quốc.

Bà Clinton nói: “Sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi phản ánh thực tế là Bắc Kinh đang có những lợi ích quan trọng và ngày càng gia tăng tại châu lục này, bao gồm điều kiện tiếp cận với các nguồn tài nguyên và thị trường, và phát triển các mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ không xem những quyền lợi này của Trung Quốc như những xung khắc cố hữu với quyền lợi của Hoa Kỳ.”

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng hơn 40% trong năm ngoái, lên tới gần 127 tỉ đôla. Phần lớn tập trung vào các khoáng sản và dầu hỏa trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm nguồn nhiên liệu để cung ứng cho nền kinh tế khổng lồ của họ.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thành công trong những nỗ lực kinh tế vì lợi ích của nhân dân Trung Quốc và rằng Trung Quốc sẽ đảm nhận một vai trò to lớn và có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết những thách thức ở châu Phi.

Bà Clinton nói tiếp: "Tuy nhiên chúng tôi lo ngại rằng các chính sách về viện trợ và đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi không luôn nhất quán với các nguyên tắc được quốc tế chấp nhận về tính minh bạch và quản trị tốt. Và Trung Quốc thường không luôn luôn tận dụng tài năng của nhân dân châu Phi trong khi theo đuổi các lợi ích kinh tế của họ.”

Các dự án xây dựng lớn do Trung Quốc thực hiện tại châu Phi thường sử dụng nhân công Trung Quốc tạm trú ngay tại địa điểm công trình. Các công đoàn châu Phi kêu ca rằng những dự án đó không tạo ra công ăn việc làm và huấn nghệ cho người lao động địa phương.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại châu Phi đang tiếp xúc với các đồng sự Trung Quốc để thăm dò các lãnh vực hợp tác có thể có trong lúc lượng định vai trò tổng thể của Trung Quốc tại châu Phi.

Bà Clinton nói: “Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và với các nước khác để bảo đảm rằng khi chúng ta giao tiếp với châu Phi, chúng ta sẽ làm việc đó theo một thể cách không có hại cho môi trường và có lợi cho các quốc gia và nhân dân châu Phi.”

Mặc dù vị trí của Hoa Kỳ là đối tác thương mại đầu của châu Phi đã bị thay thế, Hoa Kỳ vẫn là nước cấp viện lớn nhất cho châu Phi. Ngoại trưởng Clinton nói rằng các chương trình trợ giúp và đầu tư của Hoa Kỳ tại châu Phi được thực hiện trên cơ sở đối tác, không phải theo lối ban bố, không giống như những đối tượng khác chỉ làm ăn với giới thượng lưu của châu Phi và thường gây phương hại cho công cuộc quản trị tốt.

Bà Clinton nói thêm: "Việc tiến vào, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trả tiền hậu hĩ cho giới nắm quyền rồi ra về thì rất dễ. Và khi bạn ra đi và không để lại những gì thiết thực cho người dân địa phương vẫn tiếp tục ở đó. Bạn không cải thiện mức sống cho họ. Bạn không tạo cho họ những bậc thang cơ hội. Chúng tôi không muốn chứng kiến một chế độ thực dân mới tại châu Phi."

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ biến bất cử nước nào ở châu Phi thành thuộc địa.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao nói rằng cả Trung Quốc và châu Phi đã từng chịu đau khổ vì tham vọng đế quốc và bị áp bức, do đó Trung Quốc hiểu rất rõ tầm quan trọng của sự tôn trọng và quyền bình đẳng.

Giới chức này nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi và đề nghị trợ giúp mà không đặt điều kiện chính trị dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, và vì sự phát triển chung.

Nêu ra phát biểu của Ngoại trưởng Clinton, ông Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh hy vọng các bên có liên quan sẽ xem quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi một cách khách quan và công bằng vì Trung Quốc và châu Phi đã đạt được điều ông gọi là 'những thành tựu đáng kể' được các nước châu phi và cộng đồng quốc tế trân trọng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG