Đường dẫn truy cập

Hội nghị biến đổi khí hậu khai mạc ở Mexico


Tổng thống Mexico Felipe Calderon phát biểu tại lễ khai mạc của Hội nghị biến đổi khí hậu ở Cancun, 29/11/2010
Tổng thống Mexico Felipe Calderon phát biểu tại lễ khai mạc của Hội nghị biến đổi khí hậu ở Cancun, 29/11/2010

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc đã khai mạc tại Cancun, khu du lịch vùng biển của Mexico, với lời kêu gọi hãy hành động dứt khoát để giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của hiện tượng tăng nhiệt địa cầu. Tuy nhiên, như lời tường thuật của thông tín viên Greg Flakus từ Cancun, các đại biểu tham dự hội nghị đang vận động để đạt được những tiến bộ về một số vấn đề, thay vì một thỏa thuận tổng quát có tính cách ràng buộc, để buộc các nước phải giảm khí thải.

Các đại biểu đến từ 190 quốc gia, và đại diện của nhiều tổ chức phi chính phủ đang ở Cancun để tham gia các cuộc thảo luận kéo dài hai tuần lễ nhằm đi đến một thỏa thuận toàn diện, không phải trong lúc này, nhưng tại một phiên họp trong tương lai.

Trong những lời phát biểu vào lúc khai mạc hội nghị, Tổng thống Mexico Felipe Calderon nói có thể thế giới sẽ không chờ đợi được lâu hơn nữa trước khi hành động quyết liệt được đưa ra.

Ông nói biến đổi khí hậu đã là một thực trạng đối với Mexico và cả hành tinh này. Nhà lãnh đạo Mexico đơn cử các trận lụt gây chết chóc tại Mexico, Guatemala và Pakistan, cũng như những thảm họa xảy ra tại Nga và Châu Phi, như bằng chứng cho thấy là biến đổi khí hậu đã gián đoạn đời sống của đông đảo người trên thế giới.

Mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm đối với các đảo quốc nhỏ, mực nước dâng cao do hiện tượng tăng nhiệt địa cầu gây ra đang đe dọa sự tồn tại của chính họ.

Chủ tịch của nhóm đại diện cho 42 quốc gia loại này là đại sứ của Grenada, Dessima Williams. Bà nói:

“Môi trường sinh sống của chúng tôi đang lâm nguy. Sinh kế của nhân dân chúng tôi và uy tín của hệ thống đa phương mà chúng ta đều cam kết ủng hộ, mà các quốc gia nhỏ bé như chúng tôi, lệ thuộc, đều tùy thuộc vào đó.”

Các quốc gia ấy muốn thế giới cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu không cao hơn 1,5 độ C trên mức của thời kỳ tiền công nghệ hóa, một mục tiêu đầy cao vọng, xét các nhà lãnh đạo thế giới đã chật vật xoay sở để cam kết ủng hộ giới hạn 2 độ, là mục tiêu đề ra trong hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen hồi năm ngoái.

Mặc dù những người tham dự hội nghị đồng ý về mức nghiêm trọng của vấn đề, họ không đồng quan điểm khi đề cập tới cụ thể phải làm gì để ứng phó với vấn đề.

Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, hãy dẹp qua một bên những khác biệt quan điểm, và cam kết đi đến một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý.

Người đứng đầu phái đoàn biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ, ông Jonathan Pershing, nói rằng bất cứ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào, cũng phải có khả năng được kiểm chứng bởi tất cả các quốc gia liên hệ.

Ông nói: “Điều hết sức quan trọng là phải có một sự hiểu biết rõ rệt về những gì mà các nước phải thi hành, họ đang tiến về đâu. Làm sao biết được điều đó, làm sao gây dựng niềm tin vào tiến trình này của một quốc gia trước hành động của các nước khác.”

Liệu các nhà thương thuyết có tiến gần hơn đến một thỏa thuận dựa trên sự minh bạch đó hay không, là một trong những câu hỏi sẽ được trả lời khi hội nghị đang diễn ra bế mạc vào ngày 10 tháng 12 sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG