Đường dẫn truy cập

Nữ ca sĩ Thúy Nga, một giọng hát quen thuộc vừa qua đời


Nữ ca sĩ Thúy Nga, một giọng hát quen thuộc vừa qua đời
Nữ ca sĩ Thúy Nga, một giọng hát quen thuộc vừa qua đời

Quý vị thân mến. Ngày 24 tháng 08 dương lịch năm 2010 này, một giọng ca quen thuộc ở trong Nam từ thời giữa thập niên 50, nữ ca sĩ Thúy Nga đã qua đời tại Nam California, Hoa Kỳ. Thúy Nga sinh năm 1936 tại Hải Phòng, di cư vào Nam năm 1954, di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, mất năm bà 75 tuổi.

Ngày 30 tháng 08 dương lịch vừa rồi, tại địa điểm mai táng người nữ nghệ sĩ này ở một nghĩa trang nơi thành phố Westminster thuộc Nam Cali., ngoài số thân nhân trong gia đình người quá cố, với sự có mặt của đông đảo các thành phần văn nghệ sĩ từ các nơi đến, chúng tôi thấy linh cữu của bà Thúy Nga được hạ huyệt ngay cạnh mộ phần của chồng mình là cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, mất năm 2001 cũng tại Nam Cali. Hai người thành vợ thành chồng từ năm 1957 và sự nghiệp ca hát của ca sĩ thúy Nga thời đó càng đi sát với các hoạt động của chồng trong lĩnh vực ca vũ nhạc kể từ đấy.

Sau khi di cư vào Nam vào năm 54, năm 1955 thí sinh Thúy Nga, tên thật là Nguyễn Thúy Nga, dự thi và trúng tuyển ở cuộc tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh tổ chức tại rạp “Thống Nhất”, mà ở trong Nam trước Đệ Nhất Cộng Hòa có tên là “Rạp Norodom”; một cuộc thi được thực hiện vào dịp cuối tuần đã có từ vài năm trước đấy, với một nữ ca sĩ trúng giải nhất vào đầu thập niên 50 là nữ ca sĩ Ngọc Hà mà từ đầu thập niên 60 đã không còn hát thường xuyên qua làn sóng các đài phát thanh, và ngày nay thì chúng tôi cũng tin rằng hiếm có mấy ai, kể cả lớp người cao niên, còn nhớ đến giọng hát Ngọc Hà. Vậy thì trong buổi tuyển lựa ca sĩ vào năm 1955 ấy, có nhạc sĩ Hòang Thi Thơ và người cháu ruột của mình là “em bé Hòang Thi Thao”, cậu bé sử dụng cây vĩ cầm, cùng với chú mình đảm nhiệm một số tiết mục phụ diễn Tân Nhạc. Người nhạc sĩ đã thành danh và cô thí sinh dự thi buổi tuyển lựa ca sĩ khởi sự quen nhau từ ngày ấy, theo như các tài liệu kể lại. Chúng tôi không biết về chuyện đó vì năm ấy, 1955, thì chúng tôi cũng chỉ mới có 12 tuổi và thình thoảng vào ngày có cuộc tuyển lựa ca sĩ được phát sóng qua đài phát thanh Quốc Gia thì chỉ có dịp nghe thí sinh này hay thí sinh khác hát chứ không hề biết những chuyện gì diễn ra trên sân khấu hay ở hậu trường sân khấu của rạp “Thống Nhất”. Chỉ biết là sau đấy chẳng bao lâu thì giọng hát của một ca sĩ Thúy Nga đã bắt đầu trở nên quen thuộc với thính giả bốn phương ở trong nam qua những chương trình ca nhạc của đài.

Lần đầu tiên chúng tôi đuợc thấy tận mắt người nữ ca sĩ này là trong một chương trình phụ diễn Tân Nhạc ở một rạp chiếu bóng vào khoảng năm 1958. Thúy Nga xuất hiện trên sân khấu với cây đàn phong cầm – “Accordeon” – choán hết cả nửa phần trên của thân hình trong chiếc áo dài, với mái tóc dài thả xuống ngang lưng. Đêm hôm ấy, người nữ ca sĩ ấy vừa hát vừa đàn một bài của Hòang Trọng. Thời ấy khi trình diễn trên sân khấu thì họa chăng chỉ có một số nam ca sĩ vừa đàn vừa hát với một cây guitare, chứ còn nữ ca sĩ thì chúng tôi chẳng thấy ai vừa hát vừa đàn với bất kỳ một nhạc cụ nào. Với cây phong cầm của mình, nữ ca sĩ Thúy Nga đã gây đuợc ấn tượng trong giới đi xem trình diễn ca hát là vì thế. Mà thời đó thì cũng chưa có truyền hình. Đến khi có vào thập niên 60 thì cũng chỉ là truyền hình đen trắng, chứ còn nếu Thúy Nga không đi hát thường xuyên hơn ở các phòng trà hay các buổi trình diễn ca nhạc mà lại xuất hiện thường xuyên hơn trên truyền hình thì chắc chắn lại còn để lại ấn tượng bền bỉ hơn nữa trong giới khán thính giả vì đàng nào thì thính giả các chương trình phát thanh hay truyền hình thì cũng đông đảo hơn số đi xem cũng như nghe ca hát ở các phòng trà hay trình diễn ca nhạc.

Nhưng đến đây thì xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe Thúy Nga khi xưa hát bài “Yêu mãi còn yêu” của Hòang Thi Thơ mà rất tiếc là chất lượng âm thanh có phần kém so với ngày nay bởi đây là lấy từ băng ghi âm của thời trước.

( Trích “Yêu mãi còn yêu” )

Có những bài viết trên mạng hay trên báo chí khi bình luận về giọng hát của Thúy Nga thì có xếp loại âm vực của giọng hát này! Điều ngộ nghĩnh là có người xếp âm vực của Thúy Nga vào diện Contre-alto của phái nữ. Cạnh đấy thì cũng lại cho rằng giọng hát ấy không là “Alto” mà cũng chẳng phải là “Contre-alto”. Để quý vị nào không quen hoặc không thích nghe những loại thuật ngữ khá bí hiểm thuộc diện “chuyên môn” về giọng hát của con người ta thì chúng tôi chỉ cần nói một cách giản dị, dễ hiểu là giọng hát của phái nữ đuợc xếp thành loại âm vực cao, thuật ngữ “chuyên môn” là giọng “Soprano”, từ thấp đến cao nghe ra như sau (đàn để minh họa). Còn loại âm vực thấp, thường được gọi là “contre-alto” cho phái nữ, thì từ thấp đến cao nghe ra như sau (đàn minh họa). Loại âm vực lưng chừng, không cao không thấp, đuợc gọi là “Mezzo Soprano” – tiếng Ý chữ “mezzo” có nghĩa là “ít”, là “kém” - thì nằm lưng chừng ở giữa hai âm vực như chúng tôi vừa minh họa! Qua giọng hát của Thúy Nga với bài “Yêu mãi còn yêu” của Hoàng Thi Thơ lúc vừa mới rồi thì chúng tôi cứ để quý vị tự mình thẩm định lấy! Còn đối với chúng tôi thì ấy là giọng hát với âm vực thấp; nói như vậy cho giản dị!

Nam tài tử điện ảnh trong Nam khi xưa, ông Nguyễn Long, người cũng sinh ra ở Hải Phòng như Thúy Nga, và cũng vừa mới mất năm 2009, đã có viết một loạt bài vào cuối thập niên 80 về 32 gương mặt nữ ca sĩ tại Hoa Kỳ và Canada. Ông lấy làm tiếc là vì không liên lạc được cho nên đã không viết về người cùng sinh quán với mình khi xưa. Thế nhưng sau đấy thì khi đi dự lễ tang một nhà văn ở Nam Cali, ông đã có dịp tiếp cận với bà Thúy Nga và phỏng vấn chớp nhoáng tại chỗ. Chúng tôi xin đọc lại cuộc phỏng vấn chớp nhóang đó:

Hỏi: Thích nhạc từ bao giờ?
Thúy Nga: Từ nhỏ. Ba Thúy Nga rất có tâm hồn nghệ sỹ.

Hỏi: Biết hát từ bao giờ?
Thúy Nga: Vài tuổi, bài “Thằng Cuội”, sau đó Nga học Accordeon, Piano tại trường Huyền Trân dốc Hàng Kèn do giáo sư Phạm Văn Cẩn dạy, năm 1953 kéo bài “Hồn Tử Sỹ” tại nhà Hát Lớn Hà Nội.

Hỏi: Khởi đầu trình diễn?
Thúy Nga: Kịch Sỹ Anh Tuấn quen với gia đình, mời anh Trần Văn Trạch tới nhà tại đường Chợ Quán gần Nancy Sài Gòn, cuối năm 55 gia nhập ban Sầm Giang, sau đó rất nhiều người mời trình diễn.

Hỏi: Sinh hoạt hiện thời trên sân khấu?
Thúy Nga: Qua Mỹ năm 1975, Nga vẫn trình diễn nhiều nơi, năm 79 vì lý do sức khỏe tạm xa sân khấu nhưng vẫn nhớ vô cùng.

Hỏi: Ý nguyện?
Thúy Nga: Mong Tân Nhạc Việt Nam phát triển tồn tại.

Hỏi: Có điều chi tâm sự?
Thúy Nga: Cảm tạ khán giả đã thương nhớ tới Thúy Nga, cám ơn anh Anh Tuấn và chú Trần Văn Trạch, rất nhớ các bạn Sầm Giang có mặt tại đây như Yến Hương, Ngọc Phu, Thanh Thúy, Kim Tước, các bạn tại Sài Gòn như Vân Hùng, Khánh Băng, Ánh Việt, Tùng Lâm.

Qua mẩu hỏi đáp vừa rồi ta thấy gì? Ta thấy là đang nói về một người, mà ở đây là nữ ca sĩ Thúy Nga, thì lại xuất hiện tên tuổi của một số con người khác, họat động cùng thời bên nhau! Chẳng hạn như Thúy Nga có nhắc đến ông Trần Văn Trạch, một gương mặt thật nổi tiếng khi xưa trong cả hai lĩnh vực ca nhạc và trình diễn sân khấu! Thúy Nga nhắc đến ban “Sầm Giang” của Trần Văn Trạch, họat động mạnh trên đài phát thanh vào thời 1950 đến 1954. Mà ban “Sầm Giang”, lấy tên một con sông ở miền Nam, quê hương của người nhạc sĩ tài danh ấy, thì lại là nơi có mặt của những giọng hát nổi danh một thời như Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Tâm Vấn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa; có cả sự tham dự của ban Thăng Long, Duy Trác, Tùng Lâm, và thời mà nữ ca sĩ Bạch Yến còn đuợc gọi là “Em bé Bạch Yến”! Tòan là những tên tuổi mà chúng tôi tin chắc là thế hệ của ngày hôm nay khó còn biết ai vào với ai! Và cũng như bao lần trong chương trình này chúng tôi vẫn thường lập đi lập lại mối quan tâm của mình là: Không có tài liệu cho có hệ thống, kể cả về mặt ấn bản của những bài hát, tài liệu đuợc ghi âm, tài liệu viết về những người đã có công khai phá nền Tân Nhạc Việt Nam, từ nhạc sĩ cho đến ca sĩ là thành phần cực kỳ quan trọng trong việc đưa ca khúc đến với người nghe, thì chỉ thêm ít năm nữa thôi chứ chẳng đâu xa, những tài hoa của thế hệ trước sẽ theo nhau ra đi vĩnh viễn, chẳng còn để lại được bao nhiêu dấu vết mà các thế hệ sau cần đến về mặt văn hóa.

Và đến đây thì cũng lại xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài “Điệu buồn giang dở”, cũng của Hoàng Thi Thơ, qua giọng ca Thúy Nga:

( Trích “Điệu buồn giang dở” )

Vừa rồi là trích đoạn bài hát “Điệu buồn giang dở” của Hoàng Thi Thơ qua giọng ca Thúy Nga. Như chúng tôi đã nói ở phần đầu, sự nghiệp ca hát của nữ ca sĩ Thúy Nga đi sát sườn với sự nghiệp âm nhạc cũng như trình diễn sân khấu của Hòang Thi Thơ. Thế nhưng có một đặc điểm trong thời gian bà đi hát hơn 40 năm trước đây là bà không chỉ hát những bài của chồng; mà nhạc sĩ Hòang Thi Thơ, như ta đều biết, thì có hàng trăm bài hát thuộc lọai nổi tiếng. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa vì nó tránh được trường hợp một nhạc sĩ chỉ quen nói hay tìm cách phổ biến tác phẩm của mình, hay một ca sĩ chỉ quen hát những bài hát của những người thân quen của mình; còn như hát không vì lý do gì khác hơn là đuợc trả tiền thì không nói mà làm gì!

Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài “Chiều tàn” của Lam Phương qua giọng ca Thúy Nga:

( Trích “Chiều tàn” )

Quý thính giả thân mến! Ta vừa cùng nhau nghe bài “Chiều tàn” của Lam Phương qua giọng ca Thúy Nga, một giọng ca quen thuộc ở trong Nam trên 40 năm trước đây, một người vữa vĩnh viễn ra đi cách đây hơn một tuần nhật, ở tuổi 75.

Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay. Xin gửi đến quý thính giả lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG