Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Al-Shabab vẫn là mối đe dọa


Các chiến binh vũ trang của nhóm Al-Shabab ở vùng ngoại ô thủ đô Somalia.
Các chiến binh vũ trang của nhóm Al-Shabab ở vùng ngoại ô thủ đô Somalia.
Cách đây 1 năm, binh sĩ của chính phủ Somalia và Liên hiệp Phi châu đã mở cuộc tấn công al-Shabab, chiếm lại hết thị trấn này đến thị trấn khác. Các phần tử chủ chiến có liên hệ với al-Qaida này rõ ràng đã thoái lui, và cuộc tranh chấp nội bộ đầy bạo động giữa các thủ lãnh cấp cao nhất đã làm tổ chức này lung lay.

Kể từ khi đó, tình thế đã xoay chuyển và al-Shabab dường như lại nổi lên với các vụ tấn công mới bên trong và bên ngoài Somalia, nổi bật nhất là vụ tấn công một khu thương xá hạng sang của Kenya hồi tháng 9 làm hơn 60 thường dân thiệt mạng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng không nên bao giờ đánh giá thấp nhóm chủ chiến Hồi giáo này.

Trong 7 năm tồn tại, al-Shabab đã bị phải đối mặt với sự chống đối kịch liệt, kể cả sự can thiệp của Ethiopia vào Somalia, những vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào các thủ lãnh cấp cao, và lực lượng quân sự của chính phủ Somalia và phái bộ Liên hiệp Phi châu AMISOM.

Nhưng nhóm này vẫn kháng cự, và theo ông Cedric Barnes của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, các trở ngại trong hai năm 2011 và 2012 có thể đã làm gia tăng khả năng tấn công của nhóm.

Ông Barnes nói: “Về một phương diện, điều ta thấy là AMISOM hoán chuyển vai trò với al-Shabab. Shab đã có thởi kiểm soát một phần lớn lãnh thổ ở Somalia nhưng có lẽ hạn chế hơn bởi sự kiện nhóm có nhiều trách nhiệm hành chính và thường nhật hơn đối với một số nhiều người hơn, nhất là ở các vùng đô thị…

Ông nói tiếp: “Và nay AMISOM ở một vị thế tương tự như al-Shabab trước cuộc tấn công lớn -- lằn ranh của họ dàn rộng hơn, có nhiều trách nhiệm hơn đối với các khối dân, nhiều hậu cần hơn, trong khi al-Shabab được giải thoát thêm ra khỏi các trách nhiệm và nay có nhiều khả năng hơn để phản ứng và thay đổi chiến thuật mau chóng.”

Bất ổn nội bộ giao trọng trách cho thủ lĩnh Godane

Ngoài ra, al-Shaban dường như đã giải quyết bất ổn nội bộ sau khi thủ lãnh hàng đầu của nhóm là Ahmed Abdi Godane, thực hiện cuộc thanh lý các đối thủ của ông ta.

Cuộc đấu đá thoạt đầu được phát hiện vào tháng 2 năm 2011 khi, theo các nguồn tin bên trong al-Shabab, nhiều thủ lãnh cấp cao tố cáo Godane là lạc ra khỏi các giá trị cốt lõi của nhóm và co thấy các xu hướng độc tài.

Các nhà chỉ trích, gồm 2 phụ tá cấp cao của Godane là Ibrahim Afghan và Mukhtar Robow Ali Abu Mansour, nói rằng Godane đã vi phạm các luật hồi giáo qua việc mô tả những người Hồi giáo thực thụ là những kẻ vô thần và hành quyết người Hồi giáo mà không xét xử. Họ cũng lên án ông ta về những sơ suất chiến lược như chiến đấu chống lại dân quân Ahlu Sunna ở trung bộ Somalia và vùng Hiran.

Godane đã đáp lại sự chống đối ông ta bằng một sự phối hợp giữa chủ nghĩa thực tiễn và bạo động. Thoạt đầu, vào tháng 2 năm 2012, ông loan báo một sự sát nhập với al-Qaida để tăng cường uy tín nhóm của ông ta trong thế giới chủ chiến.

Sau đó, vào tháng 6 năm nay, tin ghi Godane ra lệnh sát hại các đối thủ của ông ta. Hai người trong số đó - phụ tá số 2 Ibrahim Afghan và Ma’alim Hashi, thủ lãnh của hội đồng tham vấn Shura, đã bị hành quyết vào ngày 19 tháng 6 ở thị trấn Barawe.

Một mục tiêu thứ ba, Hassan Sahir Aways, đã thoát nạn trong giây tơ kẽ tóc. Nay ông ta đang ở trong nhà tù của chính phủ Somalia sau khi rời khỏi Barawe trên một chiếc thuyền. Mục tiêu thứ tư, phụ tá số 1 của Godane, Mukhtar Robow, đang đào tẩu trong rừng ở các vùng Bay và Bakool.

Godane cũng bị cáo buộc là đứng sau vụ sát hại một số phần tử chủ chiến nước ngoài đã chống lại sự lãnh đạo của ông ta, kể cả Omar Hammami, sinh đẻ ở Mỹ, đã làm những cuốn băng video bằng tiếng Anh có mục đích hô hào các phần tử chủ chiến Hồi giáo ở Hoa Kỳ.

Hồi đầu năm nay, Taufail Ahmed của Anh quốc và tiến sĩ Khalid Al-Kene của Kenya đã bị sát hại theo kiểu hành quyết ở Barawe. Cả hai đã có những bất đồng với Godane trước khi chết.

Những người biết ông mô tả Godane là một thủ lãnh cứng rắn nghiên cứu người trong nhóm chủ chiến, và phân loại đối thủ của ông ta là những người có thể thuyết phục được và những người đề ra một mối đe dọa cho sự kiểm soát của ông ta.

Ông Cedric Barnes nói trong một nước như Somalia, ta không nổi lên được một vị trí như của Godane nhờ tham vấn và có thái độ mềm dẻo.

Ông Barnes nói: “Rõ ràng lâu nay ông ta đã có tham vọng sâu xa làm một nhân vật hàng đầu trong al-Shabab cũng như trên sân khấu Ðông Phi rộng lớn hơn cũng như hấp dẫn với với nghị trình thánh chiến toàn cầu do al-Qaida làm đại diện. Do đó đương nhiên ông ta phải chứng tỏ cái mặt rất cứng rắn và tàn nhẫn của ông ta trong vai trò lãnh đạo, là điều không phải là bất thường trong bối cảnh loại tổ chức của al-Shabab, vừa là một tổ chức khủng bố vừa là một phong trào nổi dậy.”

Tài trợ và tổ chức của phe al-Shabab

Mohamed Farah Al-Ansari là một cựu chỉ huy của al-Shabab nay đang làm việc cho chính phủ Somalia. Ông ta nói bất chấp đấu tranh nội bộ và các trở ngại quân sự trong vài năm qua, al-Shabab vẫn còn tổ chức khá tốt và tiếp tục gây quỹ qua các phương tiện và nguồn khác nhau, đa số từ bên trong Somalia.

Ông nói: “Chúng dựa vào than đá, nhập vào từ thị trấn Barawe. Họ cũng thu thập tiền lấy được của người nghèo bình thường; chúng bảo họ phải nộp một phần ba tài sản của họ bằng gia súc, các hình thức tài sản khác, mà họ không thể từ chối. Chúng cũng áp dụng cách tống tiền như thế với các công ty viễn thông Hawala.”

Các chuyên gia nói al-Shabab cũng thu tiền qua việc đóng thuế. Khi có ai xây một căn nhà mới thì họ phải đóng khoản thế là 120 đôla. Một nông gia trồng mè phải đóng thuế khoảng 4 đôla mỗi túi mè bán được. Hàng hóa đang được chuyên chở và phải đóng thuế khoảng 4 đôla ruỡi một túi, nộp ở các chốt kiểm soát bên đường.

Trong khi đó, Godane được sự hậu thuẫn của các phần tử chủ chiến trẻ tuổi đầy quyết tâm gọi là Amniyat, hỗ trợ cho hắn ta bằng tình báo tinh vi, huấn luyện và các hoạt động kiểu biệt động. Các phần tử chủ chiến này hoạt động như các nhân viên liên bang, độc lập đối với các chính quyền địa phương. Amniyat chỉ chịu trách nhiệm đối với Godane, và ông ta thường xuyên thay thế cấp chỉ huy của họ để đề phòng mọi sự chống đối.

Trong một trường hợp hồi đầu năm nay, Amniyat đã gửi những lời hăm dọa ám sát cho Zubayr Al Muhaajir, một phần tử chủ chiến nổi tiếng khác từ nước ngoài. Al-Muhaajir là một nhà thần học có chức vụ như thẩm phán tối cao tại các tòa án của al-Shabab, đã lên án Godane tại một ngôi đền hồi giáo một ngày thứ sáu và lên án ông ta là đi chệch ra khỏi các nguyên tắc Hồi giáo.

Amniyat khuyên ông ta chuẩn bị cho cái “karfan” tức là tấm vải trắng dùng để phủ lên các xác chết. Ông ta bị bắt hồi tháng 6 năm nay và được cho là đang bị giam giữ ở thị trấn Barawe.

Godane và al-Shabab cũng có một hoạt động truyền thông đầy thế lực nhắm mục tiêu vào dân chúng cả ở trong lần ngoài Somalia. Ðối với cử tọa ở nước ngoài, nhóm này gửi các tin nhắn bằng Twitter, YouTube và các trang web thánh chiến. Ðôi khi, nhóm gửi đi những băng video được soạn thảo một cách khéo léo nhắm mục đích phổ biến trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Bên trong Somalia, các nhân viên truyền thông al-Shabab thường xuyên thăm viếng các khu vực để tuyên truyền thông điệp của nhóm qua hình ảnh và băng video. Các đoạn băng video của chiến binh thánh chiến từ Afghanistan, Chechnya, và Yemen được trình chiếu, cũng như các băng video về cuộc chiến tranh ở Somalia.

Khả năng liên tục của Al-Shabab được khẳng định rõ qua vụ tấn công mới đây nhắm vào những người đi mua sắm ở thương xá Westgate ở Nairobi. Nhân viên điều tra Kenya nói chiến dịch này được hoạch định có quy mô, và những kẻ mang súng đã giấu vũ khí bên trong thương xá trước cuộc tấn công.

Ông Barnes thuộc Nhóm Khủng Hoảng Quốc tế nói vụ tấn công này là một sự nhắc nhở và một lời khẳng định rõ ràng về khả năng của al-Shabab có thể hành động nhắm vào các mục tiêu nổi bật.

Ông nói, “Nhưng đó cũng là một thông điệp rất rõ ràng gửi đến thế giới rộng lớn hơn, đến cộng đồng quốc tế và có lẽ đến cả al-Qaida, rằng tổ chức đó từng là hay vẫn còn là tổ chức chủ chiến số 1 ở đông châu Phi và phải được coi là nghiêm trọng.”

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây đã cho phép bố trí thêm 4.000 binh sĩ Phi châu ở Somalia. Dường như bất chấp các hy vọng hòa bình, Somalia vẫn chưa ngưng chiến đấu với al-Shabab và sắp tới có thể xảy ra những vụ giao tranh ác liệt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG