Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón bằng những bức hình khổng lồ của ông dán ở khắp thủ đô Pakistan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón bằng những bức hình khổng lồ của ông dán ở khắp thủ đô Pakistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Islamabad để thực hiện chuyến viếng thăm hai ngày với trọng tâm là các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng. Theo tường thuật của thông tín viên Ayesha Tanzeem của đài VOA tại trung tâm tin tức Nam Á ở Islamabad, tình hình bất ổn ở Afghanistan cũng sẽ là đề tài thảo luận giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Trong nhiều ngày trước chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, truyền hình nhà nước Pakistan đã có nhiều bài tường thuật nói tới tình hữu nghị giữa Islamabad với Bắc Kinh. Khi máy bay chở ông Tập Cận Bình tiến vào không phận Pakistan, không quân nước này đã phái 6 chiếc phản lực cơ lên hộ tống.

Trên đường từ phi trường tới thủ đô của Pakistan, ông Tập Cận Bình được chào đón bằng những bức hình khổng lồ của ông dán ở khắp nơi. Cờ Trung Quốc cũng được treo cạnh cờ Pakistan trên những cột điện.

Trong chuyến viếng thăm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhận giải thưởng dân sự cao nhất của Pakistan là giải Nishan-e-Pakistan, và sẽ đọc diễn văn trước một phiên họp lưỡng viện quốc hội của nước này.

Pakistan thường gọi Trung Quốc là “người bạn sống chết có nhau” của Pakistan – không giống như Hoa Kỳ, là nước thường bị tố cáo là có quan hệ với Pakistan dựa trên những vấn đề và những sự trao đổi cá biệt.

Đi cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình có đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, các viên chức cấp cao trong chính phủ và đảng Cộng Sản, cùng với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Cả hai nước đều lấy Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan làm trọng tâm của chuyến viếng thăm. Hành lang này gồm có các tuyến đường bộ, đường sắt và những ống dẫn dầu lửa và khí đốt từ hải cảng Gwadar ở miền nam Pakistan tới vùng tây nam Trung Quốc.

Hành lang này là một phần của kế hoạch của Trung Quốc nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa thời xưa, và nối Á châu với Âu châu thông qua các tuyến đường bộ và những tuyến hàng hải, trong một cố gắng nhằm phục hồi sự vinh quang của Trung Quốc từ thời nhà Hán.

Ông Sartaj Aziz, Cố vấn Kinh tế Pakistan, hy vọng những khoản đầu tư mới của nước láng giềng giàu có này sẽ mang lại cho nước ông một lực đẩy cần thiết để chấn hưng nền kinh tế đang bị èo uột.

"Khoản đầu tư 4 tỉ đô la mỗi năm trong vòng từ 8 đến 10 năm chắc chắn sẽ làm gia tăng tỉ lệ đầu tư, GDP và tỉ lệ tăng trưởng, vốn đã bị trì trệ ở mức từ 3 đến 4% trong bảy, tám năm nay."

Tuy nhiên, con đường trước mắt cũng đầy dẫy những mối quan tâm về an ninh.

Một cuộc nổi dậy đòi ly khai trong tỉnh Baluchistan và những hoạt động của các phần tử hiếu chiến ở những nơi đã cản trở công cuộc phát triển của Pakistan.

Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, vốn được dự trù diễn ra hồi năm ngoái, đã bị đình hoãn vì những mối quan tâm về an ninh phát xuất từ một cuộc biểu tình chống chính phủ.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, ông Tôn Vệ Đông, cho biết Bắc Kinh đã có một hiệp định với Pakistan để bảo vệ các quyền lợi của mình.

"Ông Tôn cho biết Pakistan sẽ thành lập một lực lượng quân sự đặc biệt để bảo vệ người Trung Quốc và bảo đảm an ninh cho các dự án liên quan tới hành lang kinh tế."

Theo dự liệu, ông Tập Cận Bình cũng sẽ thảo luận với phía Pakistan về mối quan tâm của Trung Quốc là những phần tử Hồi giáo đòi ly khai ở vùng Tân Cương có thể được huấn luyện và nhận được hỗ trợ từ những phần tử hiếu chiến trong các khu vực bộ tộc ở Pakistan.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ họp với giới lãnh đạo quân đội Pakistan và sẽ được thuyết trình về tiến bộ của những cuộc hành quân của quân đội Pakistan trong khu vực bộ tộc.

Theo dự liệu, đôi bên cũng sẽ bàn về việc ổn định tình hình Afghanistan vì Trung Quốc e rằng bạo động tiếp diễn ở Afghanistan có thể gây cản trở cho các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc trong vùng Nam Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG