Đường dẫn truy cập

Nhìn tổng quát, đất nước thật sự ra sao?


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, ngày 13/11/2016.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, ngày 13/11/2016.

Ngày 13 tháng 11 vừa qua, tại thôn Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc và có bài nói chuyện được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống. Nội dung quan trọng nhất được nhiều người chú ý là những lời "vàng ngọc" sau đây của ông Trọng: "Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này! Chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống bà con có nghĩa có tình. Đây không chỉ là sự thay đổi của Tiên Du, Bắc Ninh mà nhìn rộng ra là thay đổi của cả nước". Ông nói thêm: "Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế. Triển vọng phát triển của đất nước ngày càng lớn".

Thế rồi ông Tổng Bí thư phủ dụ, trấn an dân chúng rằng: "Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình! Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả, nhưng nhìn tổng quát lại, đất nước ta có bao giờ được thế này không?".

Ý ông Trọng là trình bày một bức tranh sáng rực đầy màu sắc rạng rỡ của đất nước dưới quyền lãnh đạo của ông và của Đảng Cộng sản của ông, không chỉ nhằm vào dân Tiên Du mà là cho cả nước ngắm nhìn và nức lòng tin tưởng.

Tại sao lại "nhìn tổng quát"? Ý ông Trọng muốn nói là mặt chính, mặt bản chất là tích cực, mặt xấu, thất bại, tiêu cực, suy thoái chỉ là hiện tượng tạm thời, không đáng kể, nên bỏ qua.

Đây là một kiểu cách suy nghĩ nông cạn, hời hợt, làm công tác tuyên truyền đơn giản, rẻ tiền, chỉ cần học thuộc lòng một số công thức, khẩu hiệu đã nhàm chán để tuyên đọc một cách hùng hồn, dõng dạc cho dân nghe, vỗ tay tán thưởng là coi như xong cuộc đi thăm và ban huấn thị cho dân.

Thật đáng não lòng khi ở vào thời đại này mà một ông tổng bí thư lại đi làm công việc tuyên truyền một cách ngây ngô, ấu trĩ, thấp kém đến thế. Sách báo các nước đầy rẫy những hướng dẫn, giới thiệu kinh nghiệm thực hiện mối quan hệ giữa các chính khách, nhà hoạt động chính trị với công luận, với nhân dân, với xã hội, sao cho đó là mối quan hệ tin cậy, ngay thật, chân thành với nhau.

Trong các trường, lớp đào tạo cán bộ hành chính, tuyên truyền đã có những bài học cơ bản và những buổi thực tập, rèn luyện cho người học năng khiếu tiếp xúc với quần chúng sao cho có kết quả. Tôi từng được biết tại trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, trường Tuyên huấn Trung ương, Học viện Chính trị QĐND cũng có những bài học về quan hệ công chúng.

Đại thể các bài học chính là: đến với nhân dân phải chân thành, giản dị; không quan liêu, cũng không mị dân; phải lắng nghe nhiều hơn nói; phải hiểu những vấn đề nổi cộm nhất của địa phương để góp phần giải quyết. Mối quan hệ của chính quyền xã, huyện, tỉnh với dân ra sao? Vấn đề ruộng đất ra sao? Tỷ lệ dân nghèo ra sao? Sử dụng ngân sách ra sao? Y tế, giáo dục ra sao? Trật tự an ninh ra sao? Tệ nạn xã hội ở mức nào? Trộm cắp, tham nhũng, cờ bạc … tương trợ, từ thiện ra sao? Khen ra khen, chê ra chê. Hai mặt đều rõ, đúng mức. Không mặc áo thụng vái nhau. Nghiêm cách mà chân thành. Thế mới là "gần dân", "trọng dân" như chính ông Trọng từng đề xuất. Thế mới là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Còn như đi thăm theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, rồi đưa ra lời tâng bốc: "Nhìn tổng quát, đất nước ta có bao giờ đẹp như thế này không?" để ru ngủ quần chúng thì thật đơn giản, hời hợt, lừa mị quá. Trong khi ở đâu cũng có những vấn đề nổi cộm, có khi kinh hòang, ghê sợ.

"Chưa bao giờ đẹp như thế này" mà nợ quốc gia lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng hơn 2/3 tổng thu nhập quốc dân; tham nhũng hàng chục, hàng trăm vụ, mỗi vụ vài ngàn tỷ đồng không sao thu hồi được; hàng triệu ngư dân mất việc; bộ trưởng giáo dục thì nói rằng cho nữ giáo viên đi "tiếp khách" là chuyện vui vẻ bình thường; nam nữ công dân yêu dân chủ đòi nhân quyền cho dân bị tống vào tù; khi Đảng Cộng sản và Nhà nước một mực tỏ ra hèn với giặc, ác với dân; khi công dân Việt Nam mang hộ chiếu công vụ nổi tiếng về ăn cắp vặt ở Thái Lan, Thụy Điển, Nhật Bản và Singapore…

Thật ra ông Trọng phải là người cần nhớ rất lâu, rất kỹ các hiện tượng "chưa bao giờ đẹp" như thế để mà nhận ra trách nhiệm của đảng ông, của Bộ Chính trị, và của cá nhân ông ta trong bức tranh xám xịt, buồn thảm của đất nước hiện nay.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG