Đường dẫn truy cập

Chính quyền Trump bị kiện về câu hỏi quốc tịch khi điều tra dân số


Những người chỉ trích câu hỏi về quốc tịch nói rằng nó có thể khiến người nhập cư, và có lẽ nhiều công dân, không muốn hồi đáp và do đó dẫn đến việc đếm sót, với ảnh hưởng bất cân xứng đối với các bang theo Đảng Dân chủ.
Những người chỉ trích câu hỏi về quốc tịch nói rằng nó có thể khiến người nhập cư, và có lẽ nhiều công dân, không muốn hồi đáp và do đó dẫn đến việc đếm sót, với ảnh hưởng bất cân xứng đối với các bang theo Đảng Dân chủ.

Một nhóm các bang và các thành phố của Mỹ kiện chính quyền Trump nhằm ngăn việc đưa một câu hỏi vào các mẫu đơn điều tra dân số năm 2020 yêu cầu người được khảo sát phải cho biết họ có quốc tịch Mỹ hay không.

Đơn kiện của 17 bang, thủ đô Washington, và 6 thành phố thách thức điều mà họ gọi là một quyết định "vi hiến và tùy tiện" vào tuần trước của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan giám sát Cục Điều tra Dân số, khi đưa ra câu hỏi về quốc tịch vào cuộc khảo sát.

Đây cũng là một thách thức mới đối với điều mà Tổng Chưởng lý Bang New York Eric Schneiderman gọi là "sự thù ghét chống người nhập cư" của chính quyền, tại một cuộc họp báo công bố vụ kiện.

Tất cả các bang đệ đơn kiện đều có Tổng chưởng lý theo Đảng Dân chủ.

Tham gia cùng các bang có các thành phố New York, Chicago, Philadelphia, San Francisco, Seattle và Providence của bang Rhode Island, tất cả đều có thị trưởng theo Đảng Dân chủ, cùng Liên hội Các Thị trưởng Hoa Kỳ. Một bang khác, California, đã đệ đơn kiện tương tự vào tuần trước.

Khi được yêu cầu bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong một email gửi cho Reuters nhắc tới phát biểu của Bộ trưởng Jeff Sessions vào ngày 2 tháng 4 nói rằng vụ kiện "không có giá trị" của California đã buộc Bộ phải tranh tụng về việc liệu chính phủ có xứng đáng có được một cuộc "kiểm đếm chính xác những người có thể bỏ phiếu hợp pháp trong các cuộc bầu cử liên bang" hay không.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, cuộc điều tra dân số mười năm một lần được sử dụng để xác định việc vẽ ranh giới chính trị, việc phân bổ số ghế trong Quốc hội ở cấp bang và cấp địa phương, và việc phân phối hàng năm khoảng 700 tỉ đôla ngân quỹ liên bang.

Những người chỉ trích câu hỏi về quốc tịch nói rằng nó có thể khiến người nhập cư, và có lẽ nhiều công dân, không muốn hồi đáp và do đó dẫn đến việc đếm sót, với ảnh hưởng bất cân xứng đối với các bang theo Đảng Dân chủ.

Những người ủng hộ câu hỏi này, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, nói rằng nó sẽ giúp đất nước thi hành Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 mang tính dấu mốc.

Câu hỏi về quốc tịch đã không xuất hiện trong cuộc điều tra dân số kể từ năm 1950.

Vụ kiện cáo buộc chính quyền Trump vi phạm quy định của Hiến pháp rằng chính phủ phải tiến hành một cuộc "kiểm đếm thực sự" đối với "toàn bộ số người" mỗi 10 năm một lần.

Tại cuộc họp báo, ông Schneiderman gọi câu hỏi về quốc tịch là một "nỗ lực trắng trợn" của chính quyền nhằm ngăn chặn Cục Điều tra Dân số thi hành công tác của mình.

"Đây là một sự sỉ nhục đối với các lý tưởng quốc gia của chúng ta," ông Schneiderman nói. "Đây là một sự sỉ nhục đối với Hiến pháp."

Vụ kiện nói bổ sung thêm câu hỏi này đặc biệt có thể làm trầm trọng hơn việc đếm sót cộng đồng sắc dân gốc Mỹ Latin đang tăng trưởng nhanh chóng, sau khi ước tính có khoảng 1,54 phần trăm số người bị đếm sót hồi năm 2010.

Đơn kiện cũng nói câu hỏi này cùng sẽ càng củng cố lời đe dọa được đưa ra trong một phiên điều trần Quốc hội vào tháng 6 năm ngoái bởi Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ.

Đơn kiện dẫn lời ông Homan nói với Quốc hội rằng những người nhập cư không có giấy tờ "nên cảm thấy không thoải mái. Họ nên dòm trước ngó sau. Họ cần liệu hồn."

VOA Express

XS
SM
MD
LG