Đường dẫn truy cập

Nhận định về chuyến đi Bắc Kinh của lãnh đạo Miến Điện, Bắc Triều Tiên


Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Ðại sãnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh
Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Ðại sãnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh

Lãnh tụ Kim Jong Il mới đây đã trở về Bình Nhưỡng sau chuyến viếng thăm 1 tuần đến Trung Quốc, nước láng giềng và là đồng minh thân cận nhất của Bắc Triều Tiên. Cũng trong tuần này, ông Thei Sein, một tướng lãnh đã giải ngũ và mới nhậm chức tổng thống Miến Điện, cũng đến Bắc Kinh để hội đàm với các giới chức Trung Quốc. Thông tín viên Peter Simpson của đài VOA tường thuật về mối quan hệ của Trung Quốc với hai quốc gia bị nhiều nước khác xa lánh.

Khi rời Bắc Kinh hôm thứ 6 sau chuyến viếng thăm Trung Quốc trong một tuần, lãnh tụ Kim Jong Il cho biết trong một văn thư gởi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng quan hệ giữa hai nước được “gắn chặt với nhau bằng máu.”

Cũng giống như những chuyến du hành bí mật ra nước ngoài trước đây, người ta vẫn chưa biết mục đích chính xác của chuyến đi Trung Quốc lần thứ 3 trong năm nay của ông Kim Jong Il.

Các giới chức Trung Quốc mô tả chuyến đi này là một cuộc tham quan để học hỏi về các vấn đề kinh tế. Hôm qua, hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc trích lời ông Kim Jong Il nói rằng chính phủ ông đang tập trung chú ý vào công cuộc phát triển kinh tế.

Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục lệ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Nhưng không rõ là quốc gia nghèo khó này có thật sự muốn từ bỏ mô hình kinh tế hoạch định tập trung hay không.

Giáo sư Jonathan Pollack là một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Trung Quốc John L. Thorton ở Washington. Ông nói rằng Bắc Kinh không có nhiều ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên như nhiều người ở phương Tây vẫn nghĩ, và Trung Quốc, cũng giống như các nước khác, đang mong có một sự thay đổi quyền lực.

Ông nói: "Quả thực là Trung Quốc cảm thấy họ là một trong số rất ít các nước, có thể là nước duy nhất, có mức độ ảnh hưởng như vậy đối với hệ thống ở Bắc Triều Tiên. Nhưng tôi tin rằng ảnh hưởng của họ thường bị phóng đại và ảnh hưởng này không lớn lắm. Mặc dù vậy họ vẫn đang tính toán dựa trên dự kiến là trong nội bộ chắc chắn là phải có một sự thay đổi ở một mức độ nào đó."

Trong lúc cho rằng quan hệ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đặt cơ sở một phần vào tính chất bất định của tương lai của Bình Nhưỡng, giáo sư Pollack nói rằng Bắc Kinh có một mối quan hệ khác hẳn với Miến Điện.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein, một cựu tướng lãnh trong tập đoàn quân nhân cầm trước đây, hôm nay đã tới Bắc Kinh để hội đàm với các giới chức cao cấp của Trung Quốc.

Đây là chuyến viếng thăm song phương đầu tiên của ông Thein Sein kể từ khi ông lên nhậm chức hồi cuối tháng 3 để trở thành người lãnh đạo một chính phủ mà bề ngoài là một chính phủ dân sự.

Giáo sư Pollack nói rằng so với Bắc Triều Tiên, Miến Điện là nơi mà Trung Quốc có nhiều quyền lợi kinh tế hơn.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng điều mà Trung Quốc mưu tìm ở Miến Điện là những quyền lợi kinh tế đáng kể. Những quyền lợi kinh tế như vậy hiện không tồn tại với Bắc Triều Tiên, ít ra là vào thời điểm này. Trong ý nghĩa đó, Bắc Triều Tiên là một gánh nặng đối với Trung Quốc – đòi Trung Quốc phải hỗ trợ về kinh tế và năng lượng."

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhì và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Miến Điện. Chỉ riêng trong năm 2010, Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỉ đô la vào Miến Điện.

Phần lớn ngân khoản đó được dùng cho việc xây dựng một đường ống kép để dẫn dầu lửa và khí đốt xuyên qua Miến Điện để tới miền nam Trung Quốc.

Các giới chức Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ nêu lên những thắc mắc về vấn đề an ninh dọc theo đường ống này ở tiểu bang Shan, nơi đang có cuộc nổi dậy của người sắc tộc thiểu số.

Ông Pollack cho biết quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện, nước đầu tiên trên thế giới thừa nhận quyền cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 1949, là một mối quan hệ lâu dài và phức tạp và Bắc Kinh nhận định sẽ ra sức duy trì mối quan hệ như hiện nay.

Ông Pollack nói: "Miến Điện là một nước có mối hoài nghi sâu sắc đối với thế giới bên ngoài. Nếu Trung Quốc tìm thấy một số những tuyến thâm nhập khiêm tốn nào đó mà họ có thể đi theo, chủ yếu là thông qua các phương tiện kinh tế và có lẽ là với sự hậu thuẫn chính trị ở một mức độ nào đó, thì họ sẵn sàng làm như vậy."

Tuy các mối quan hệ của Bắc Kinh với hai chính phủ Bắc Triều Tiên và Miến Điện đã gây nên những mối quan tâm ở nước ngoài về động cơ của Trung Quốc, giáo sư Pollack và các chuyên gia khác cho rằng duy trì những mối liên hệ gần gũi như vậy với các nước láng giềng là một việc vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG