Đường dẫn truy cập

Châu Âu dè dặt về thành tích nhân quyền của Trung Quốc


Thủ tướng Đức Angela Merkel, phải, và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tham dự 1 cuộc họp báo ở Berlin, Đức, 28/6/2011
Thủ tướng Đức Angela Merkel, phải, và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tham dự 1 cuộc họp báo ở Berlin, Đức, 28/6/2011

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kết thúc chuyến viếng thăm châu Âu sau khi ký nhiều thỏa thuận về doanh thương trị giá nhiều tỉ đô la. Các quốc gia châu Âu ngày càng nhìn về Trung Quốc để đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế èo uột của họ. Tuy nhiên, những nhà vận động cho nhân quyền nói châu Âu không nên nhanh chóng giao dịch làm ăn với một quốc gia bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền.

Tại các thủ đô châu Âu, nhiều buổi lễ trọng thể được tổ chức để chào đón Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Tại London, Thủ tướng Trung Quốc thị sát một toán bảo vệ danh dự sau khi được đưa đi thăm nước này trong thời gian ngắn.

Chuyến dừng chân kế tiếp của ông Ôn Gia Bảo là Berlin, nơi ông dự dạ tiệc với Thủ tướng Angela Merkel tại một biệt thự cạnh hồ. Việc tiếp đón trọng thể theo lối châu Âu này sau đó được đáp lại tại một cuộc họp báo của Thủ tướng Trung Quốc.

Ông Ôn Gia Bảo nói: “Chúng tôi tin tưởng vào nền kinh tế châu Âu và đồng euro, và chúng tôi sẽ mua lại các khoản nợ của các nước châu Âu ở mức thích hợp nếu cần thiết.”

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng ký những thỏa thuận trị giá 15 tỉ đô la tại Đức bao gồm 88 máy bay Airbus do châu Âu sản xuất.

Việc Trung Quốc mở rộng hầu bao không phải được tất cả mọi người hoan nghênh. Những người biểu tình Tây Tạng làm vẫn đục chuyến đi thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Tại nhiều nơi, những tổ chức nhân quyền nói tình hình tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn kể từ khi có những cuộc biểu tình đòi dân chủ bùng phát tại thế giới Ả Rập. Ông Sam Zafiri thuộc Ân xá Quốc tế nói:

“Trung Quốc đã thụt lùi đáng kể. Tình hình nhân quyền tại Trung Quốc chưa bao giờ tồi tệ trong thập niên nay hay lâu hơn nữa.”

Tuy vậy, Thủ tướng Anh David Cameron trả lời một cách dè dặt khi được hỏi về nhân quyền của Trung Quốc. Ông nói:

“Chúng tôi tin tưởng rằng cách bảo đảm tốt nhất cho thịnh vượng và ổn định là tiến bộ kinh tế và chính trị phải cùng tiến hành với nhau.”

Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp hơn trong câu trả lời của ông:

“Về vấn đề nhân quyền, Trung Quốc và Anh nên tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các sự kiện, đối xử với nhau một cách bình đẳng, hợp tác hơn là chỉ trích, và giải quyết đúng đắn những khác biệt giữa hai nước xuyên qua đối thoại.”

Trong khi châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ, các nhà phân tách nói những nhà lãnh đạo châu Âu không muốn công khai chỉ trích Trung Quốc, khi có hàng tỉ đô la về hợp đồng doanh thương đang trong vòng thương lượng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG