Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cảnh báo tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ chậm lại


Một người dùng xe đạp chạy bằng điện đi giao bánh pizza ở Bắc Kinh
Một người dùng xe đạp chạy bằng điện đi giao bánh pizza ở Bắc Kinh

Trong vài năm qua, giữa lúc nền tài chánh toàn cầu bị u ám, Trung Quốc đã tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới.

Tại một buổi lễ mới đây đánh dấu kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc có nền kinh tế vững mạnh là một việc tốt đẹp cho cả thế giới.

Ông Hồ Cẩm Đào hứa hẹn là Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình và giữ vững cam kết đối với chiến lược mà ông mô tả là mọi người đều có lợi. Ông nói thêm rằng Trung Quốc muốn đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới qua việc thực hiện sự phát triển của chính mình.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tỉ lệ trung bình khoảng 10% trong hơn 30 năm qua.

Ông Dư Tân, một chuyên gia cấp cao về kinh tế vĩ mô của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng có những dấu hiệu cho thấy thời kỳ kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ cao sắp đến hồi kết thúc.

Ông Dư nói rằng dự báo chính thức cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới sẽ thấp hơn 9% và theo ông, con số này sẽ giảm tới mức 8,5%.

Ông cho biết có nhiều lý do gây ra tình trạng này, trong đó có việc chính phủ Trung Quốc tìm cách kiềm chế lạm phát.

Theo lời ông Dư Tân, một số người tin rằng tăng trưởng chậm lại là một tác động tiêu cực tạm thời của các vấn đề nợ nần ở Mỹ và Âu châu. Nhưng ông cho rằng điều này cũng phát sinh từ chính sách tiền tệ thận trọng của chính phủ Trung Quốc để ngăn chận lạm phát.

Ông Dư cho hay lạm phát trong năm nay, tính theo chỉ số giá tiêu dùng, sẽ ở vào khoảng 4%. Ông nói rằng chỉ tiêu cho năm tới cũng là 4%, nhưng người dân Trung Quốc cần phải gia tăng điều mà ông gọi là “thái độ chấp nhận lạm phát.”

Ông Lưu Lý Cương, một chuyên gia kinh tế của tập đoàn ngân hàng ANZ ở Hồng Kông, dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 9% trong năm tới. Ông nói:

"Chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu tăng trưởng 9% trong năm tới là có thể đạt được."

Ông Lưu cho rằng nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc trên thế giới đã giảm sút, cho nên Trung Quốc sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào những nỗ lực nâng cao mức cầu trong nước, thông qua việc gia tăng tiêu thụ và đầu tư nội địa. Ông nhận định:

"Chúng tôi đã trông thấy nhiều khoản đầu tư cho đường lộ, đường sắt, nhưng chưa có đủ đầu tư liên hệ tới phúc lợi của người dân, như những khoản đầu tư nhỏ hơn cho các bệnh viện, cho các hoạt động giáo dục và những việc đại loại như vậy. Tôi nghĩ rằng có lẽ chính phủ sẽ phải dựa vào các biện pháp hành chánh để thúc đẩy đầu tư trong các lãnh vực liên quan tới phúc lợi xã hội để có thể duy trì sự ổn định của xã hội nói chung.

Ông Lưu Lý Cương cũng cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cần phải giải quyết những vấn đề ở cấp độ địa phương mà ông cho là sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2012. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng nếu có một sự thách thức, thì thách thức đó là chính phủ sẽ phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hành chánh để trấn áp tệ nạn tham ô ở các chính quyền cấp thấp, ngõ hầu có thể đối phó với bất ổn và bất mãn trong xã hội."

Kinh tế gia Dư Tân của chính phủ Trung Quốc nói rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rõ là phải gia tăng chi tiêu cho phúc lợi của khối dân hơn 1 tỉ 300 triệu người. Ông nói rằng đây chính là lý do mà kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2012, đã đặt trọng tâm là cải thiện đời sống nhân dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG