Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đàn áp những người ký vào Hiến chương 08


Ông Lưu Hiểu Ba đã bị kết án 11 năm tù về tội lật đổ và can dự vào “Hiến chương 08” kêu gọi cải cách chính trị tại Trung Quốc
Ông Lưu Hiểu Ba đã bị kết án 11 năm tù về tội lật đổ và can dự vào “Hiến chương 08” kêu gọi cải cách chính trị tại Trung Quốc

Những người Trung Quốc từng ký vào một tuyên ngôn chính trị được gọi là Hiến Chương 08 đã bị quản thúc tại gia với các mức độ khác nhau, nhiều tuần sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà văn bất đồng chính kiến bị cầm tù Lưu Hiểu Ba. Từ Bắc Kinh, Thông tín viên đài VOA Stephanie Ho gởi về bài tường thuật sau đây.

Người gọi nghe thấy lời nhắn cho biết điện thoại không hoạt động khi họ gọi cho bà Lưu Hà, phu nhân của tân khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, và cũng là một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu của Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba.

Giới hữu trách đã cắt hai đường dây điện thoại bà sử dụng. Cho dù điện thoại không còn hoạt động, bà thoạt đầu liên lạc với người ủng hộ bằng mạng Internet thông qua Twitter. Thông điệp cuối cùng của bà là ngày 18/10.

Bà Lưu là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong danh sách gồm khoảng 40 người bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia với nhiều mức độ khác nhau. Từ New York, tổ chức có tên gọi Nhân quyền tại Trung Quốc đã công bố thông tin về danh sách này hôm thứ Sáu.

Một điểm chung là tất cả những người bị quản thúc đều ký vào Hiến chương 08, một tài liệu kêu gọi cải cách chính trị và tự do ngôn luận.

Hồi đầu tháng này, Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, một trong các nhà tổ chức chính của Hiến chương 08 hiện đang bị cầm tù. Hơn 300.000 đã ký vào tài liệu này khi nó được công bố hồi tháng 12 năm 2008. Kể từ đó, nó đã được lưu hành trên mạng Internet và hơn 10 nghìn người đã ký vào.

Một người bị nhắm mục tiêu gần đây là nhà khoa học chính trị Liu Junning. Ông cho biết, ngay sau khi giải Nobel được công bố, những người canh gác xuất hiện bên ngoài nhà ông và theo dõi ông ở mọi nơi ông tới. Họ rút đi khoảng một tuần trước dù ông không biết chắc là vì sao.

Ông Liu nói: ‘Dường như họ không có việc gì để làm vì phần lớn thời gian tôi ở nhà. Tôi chỉ ở nhà mà thôi’.

Những cái tên nổi bật khác trong số những người bất đồng chính kiến từng ký vào Hiến chương 08 cũng không thể liên lạc được trong những tuần gần đây. Họ bao gồm một nhà bất đồng chính kiến kỳ cựu Bào Đồng, người từng phải ở tù bảy năm vì phản đối vụ đàn áp đẫm máu nhắm vào người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989. Một người khác là bà Đinh Tử Lâm, một người tổ chức nhóm Các bà mẹ Thiên An Môn, một nhóm bao gồm các thân nhân còn sống sót của những người bị sát hại hồi năm 1989.

Ông Lưu Hiểu Ba cũng bị ngồi tù vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình hồi năm 1989. Năm ngoái, ông bị kết án 11 năm tù giam vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2006 được phổ biến trên mạng Internet, ông Lưu kêu gọi toàn thế giới ủng hộ các nhà văn Trung Quốc.

Ông Lưu gọi Trung Quốc là một nhà nước chuyên chế, nhưng nói ông hy vọng nó sẽ trở thành một quốc gia nơi các cá nhân có thể tự do bày tỏ ý kiến và xuất bản tác phẩm mà không gặp phải trở ngại nào.

Chính phủ đã giận dữ phản ứng trước giải thưởng dành cho ông Ba, cáo buộc Ủy ban Nobel không tôn trọng hệ thống pháp lý của Trung Quốc và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Tân Hoa Xã do nhà nước quản lý hôm nay đã cho đăng một bài bình luận có tác giả, chỉ trích chủ tịch Ủy ban Nobel là Thorbjorn Jagland, người mới đây nói rằng vấn đề nhân quyền nằm trên cả chủ quyền đất nước.

Bài báo của Trung Quốc nói rằng những người ủng hộ giải Nobel Hòa bình dành cho ông Lưu Hiểu Ba vẫn duy trì một ‘tâm trạng Chiến tranh Lạnh’, và đang tìm cách sử dụng mọi biện pháp có thể để phá hoại sự trỗi dậy của Trung Quốc trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG