Đường dẫn truy cập

ASEAN, TQ đạt thỏa thuận về các biện pháp hướng dẫn thực thi DOC


Tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này tại Bali
Tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này tại Bali

Các quốc gia vùng Đông Nam Á và Trung Quốc đồng ý áp dụng một loạt biện pháp hướng dẫn cho vụ tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Hãng thông tấn Reuters trích lời một giới chức Trung Quốc cho biết như thế ngày hôm nay (20 tháng 7) sau cuộc họp trên đảo Bali của Indonesia giữa các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc.

Phái viên của Reuters cho rằng đây là một dấu hiệu hợp tác hiếm có trong vụ tranh chấp đã làm cho các mối quan hệ trong khu vực bị xấu đi trong nhiều năm nay, nhưng việc có được một thỏa thuận rộng lớn hơn về vấn đề nước nào làm chủ những gì trong vùng biển nhiều tài nguyên này vẫn còn là một chuyện xa vời.

Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc là nước đòi chủ quyền nhiều nhất.

Bản tin của Reuters trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng “Vài phút trước đây, tại hội nghị quan chức cấp cao của các nước ASEAN và Trung Quốc, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp hướng dẫn thực thi DOC” - hay Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc ký kết với Asean năm 2002.

Ông Lưu nói thêm rằng “Đây là một văn kiện quan trọng có tính chất dấu mốc cho sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.” Ông Lưu cho hay thỏa thuận vừa đạt được sẽ được trình lên cấp bộ trưởng trong cuộc họp ngày mai (21 tháng 7) để các bộ trưởng thông qua.

Các biện pháp hướng dẫn này là một tập hợp các bước ban đầu hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, thường được gọi là Bộ Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Báo chí Việt Nam trích lời ông Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam tại hội nghị Bali, nói rằng “Thông qua thảo luận và đối thoại có tính xây dựng và hiệu quả, chúng tôi đã có thể – ở cấp độ của chúng tôi, đi tới thỏa thuận về dự thảo các biện pháp hướng dẫn.”

Một số các nhà ngoại giao đã xem những biện pháp hướng dẫn được ghi trên một trang giấy cho biết văn kiện này không giải quyết những vấn đề khó khăn nhất đang gây căng thẳng ở thủy lộ có tính chất chiến lược và có nhiều tài nguyên dầu khí.

Các nhà ngoại giao nói rằng văn kiện này qui định các nước đòi chủ quyền đạt được đồng thuận trước khi bắt đầu các dự án hợp tác, nhưng các dự án chung chỉ giới hạn trong các lãnh vực như nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu nạn.

Văn kiện này không đề cập gì tới hoạt động thăm dò dầu khí, là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Các nhà ngoại giao cho hay văn kiện hướng dẫn còn qui định việc báo cáo hàng năm cho các Bộ trưởng của Asean và Trung Quốc về tiến bộ đạt được trong các hoạt động vừa kể.

Các giới chức Trung Quốc nói rằng họ cũng đề nghị tổ chức một cuộc hội thảo về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong vài tháng qua Trung Quốc đã tranh cãi với Philippines và Việt Nam về điều mà mỗi nước đều cho là những nước kia xâm phạm vào vùng biển của mình.

Vụ tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này, nhưng Trung Quốc lâu nay vẫn chống đối điều mà họ cho là sự can dự của những nước khác trong các vụ tranh chấp song phương.

Trong lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton chuẩn bị đến dự cuộc họp ASEAN ở Bali, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm nay đã lập lại sự chống đối đó. Bài báo nói rằng “Sự chống đối này không có nghĩa là Trung Quốc sai và dứt khoát không có nghĩa là Trung Quốc sợ hãi điều gì. Chúng tôi muốn giữ lập trường này để ngăn không cho vấn đề bị khuyếch đại hóa hoặc phức tạp hóa.”

Trước đó, Trung Quốc đã mạnh mẽ chỉ trích việc Hoa Kỳ tiến hành những cuộc diễn tập hải quân chung với Việt Nam ở Biển Đông.


Nguồn: Reuters, VnExpress

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG