Đường dẫn truy cập

Chiến dịch Hồi giáo gửi thư chia buồn với gia đình Đại sứ Mỹ bị giết ở Libya


Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên của đại sứ quán ở Libya bị giết hôm 11 tháng 9, 2012 trong một vụ tấn công vào sứ quán ở Benghazi
Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên của đại sứ quán ở Libya bị giết hôm 11 tháng 9, 2012 trong một vụ tấn công vào sứ quán ở Benghazi
Anh Tarik El-Messidi đang ngồi trước màn hình máy tính trong văn phòng của anh ở Cincinnati, bang Ohio, ngày 12 tháng 9 khi bắt được một tin hàng đầu:

J.Christopher Stevens, Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, đã bị giết chết trong một cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi.

Anh kể lại với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại:

“Ngày hôm sau, tôi gọi ban đặc trách Libya của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington để hỏi họ rằng nếu tôi có một danh sách rất đông người Hồi giáo muốn gửi thư đến chia buồn, thì tôi phải dàn xếp việc ấy như thế nào?”

Anh El-Messidi, 31 tuổi, ra đời ở Hoa Kỳ nhưng có gốc gác từ Ai Cập, là người điều hành CelebrateMercy.com, một cuộc hội thảo vô vụ lợi trên mạng, để giảng dạy về cuộc đời và những nguyên lý của Đấng Tiên Tri Muhammad cho những người sử dụng mạng trên khắp thế giới.

Ngay sau cuộc tấn công vào lãnh sự quán, anh quyết định khai thác mạng lưới xã hội trên mạng đã có sẵn để thu thập những lá thư chia buồn từ thế giới Hồi giáo gửi đến gia đình của ông Đại sứ.

Anh nói anh thấy bị hối thúc phải hành động vì cảm thấy lo âu rằng những vụ giết chóc ở Benghazi về mặt bề ngoài có thể được coi như đã được thực hiện dưới danh nghĩa của đấng Tiên Tri Hồi giáo.

Anh El-Messidi nói: “Theo những gì chúng tôi được biết về Đấng Tiên Tri, thì ngài là người tha thứ cho cả những kẻ thù không đội trời chung nhất, và không bao giờ hãm hại ai để trả đũa hành động tương tự. Điều tốt nhất mà chúng tôi nghĩ mình có thể làm là gửi đến gia đình ông đại sứ những lá thư chia buồn từ đại đa số người Hồi giáo vẫn giữ im lặng trên khắp thế giới, những người không hề phá hoại hoặc cư xử bạo động nhân danh Đấng Tiên Tri.”

El-Messidi hy vọng có thể thu thập khoảng 1000 lá thư chia buồn trong thời gian 10 ngày. Anh đã nhận được số thư ấy trong vỏn vẹn 2 ngày. Và chiến dịch gọi là “Mercy Mail - Thư Khoan Dung” lan truyền nhanh trên mạng.

“Tôi cảm thấy nức lòng trong vài phút sau khi chúng tôi phát động chiến dịch. Người ta tweet nó, và đổi trang Facebook của họ. Tôi trông đợi những lá thư với một vài dòng chia buồn, nhưng người ta viết ra những điều họ ôm ấp từ trong trái tim.”

Đa số các thư từ đến từ Hoa Kỳ và Ai Cập, nhưng ngoài ra hàng ngàn thư khác đến từ Canada, Morocco, Algeria, Libya và những nơi khác nữa.

Một thông điệp đến từ một người viết tự xưng là Anwar, một thanh niên Mỹ gốc Libya 16 tuổi ở bang Virginia, nói rằng cha anh có biết Đại sứ Stevens. Bức thư có đoạn viết:

“Làm thế nào mà một con người đáng yêu, thương người như ông, lại bị giết chết một cách bất công như thế? Tại sao thế giới này lại vận hành theo kiểu ấy? Tôi không hiểu được vì sao một người đã phục vụ nước ông và một quốc gia khác một cách có trách nhiệm và rộng lượng đến như thế lại phải chết trong khi thi hành nhiệm vụ. Tôi đã khóc rất nhiều trong ngày hôm ấy, khóc than sự bất công của cái chết và sự mong manh của cuộc sống.”

Một người Mỹ gốc Libya khác, cô Samar Omeish, thoạt nghe về cái chết của Đại sứ Stevens trong khi đang trên xe điện ngầm tới nơi làm việc. Cô kể với VOA:

“Tôi bị chấn động mạnh. Toàn thân như không còn cảm giác. Tôi thấy người run lên và nước mắt tức thời trào ra.”

Nhiều ngày sau cái chết của Đại sứ Stevens, Omeish nghe về chiến dịch Mercy Mail trên trang Facebook của mình và gửi một bức thư tới gia đình ông:

“Đối với tôi, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Để bày tỏ sự đau buồn của tôi với gia đình người quá cố và rằng họ không nên cảm thấy cô độc, hay nghĩ cái chết của ông là vô bổ. ”

Anh El-Messidi cho biết là nhiều nhóm và cá nhân Hồi giáo có nhiều ảnh hưởng đã hậu thuẫn chiến dịch này và giúp phổ biến nó, trong đó có Yusuf Islam – còn được biết đến là ca nhạc sĩ Cat Stevens.

Từ văn phòng của ông ở Washington, ông Haris Tarin, Giám đốc Hội Đồng Hồi giáo Sự Vụ, cho biết là tổ chức cố vấn chính sách của Hoa Kỳ liên quan tới người Mỹ theo Hồi giáo của ông cũng hậu thuẫn chiến dịch này.

“Tôi nghĩ đây thực là một ý kiến hay để bảo đảm thế giới - và nhất là nhân dân Mỹ biết rằng cộng đồng Hồi giáo ở Hoa Kỳ lo nghĩ tới ông đại sứ và những gì đã xảy ra. Đối với chúng tôi, trong tư cách một tổ chức, đây là một cách để nói lên sự cảm kích của chúng tôi về tinh thần phục vụ của ông đại sứ, và để nhân dân Mỹ nói chung biết rằng cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ là một phần trong cuộc đối thoại này, và những cảm xúc của họ đang hướng về gia đình người quá cố và cá nhân ông đại sứ.”

Như đại đa số những người đã viết thư cho Mercy Mail, El-Messidi chưa hề biết Đại sứ Chris Stevens. Nhưng anh nghĩ rằng Đại sứ Mỹ tại Libya là một người có “bản chất tốt” và Đấng Tiên Tri Muhamad sẽ thừa nhận đặc tính đó nơi ông đại sứ.

“Ông không phải là một người nào đó, ông là một người bạn của các tín đồ Hồi giáo. Và chung cuộc, tôi cảm thấy Đấng Tiên Tri Muhammad có thể là bạn của Đại sứ Stevens, chứ không phải là người giết ông.”

Cho tới nay, chiến dịch Thư Khoan Dung đã thu thập được gần 7,650 bức thư chia buồn đến từ 110 quốc gia trên khắp thế giới.

Tháng tới, chiến dịch Mercy Mail dự định sẽ phổ biến một tập hồ sơ in lại tất cả các thư chia buồn gửi đến gia đình Đại sứ Stevens.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG