Đường dẫn truy cập

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: châu Á bị vạ lây


Nền kinh tế Đài Loan sản xuất các thiết bị trung gian xuất sang Trung Quốc lắp ráp
Nền kinh tế Đài Loan sản xuất các thiết bị trung gian xuất sang Trung Quốc lắp ráp

Các nền kinh tế châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước đông nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, các chuyên gia cảnh báo.

Những nền kinh tế này nằm trong số những nước xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng trung gian vào Trung Quốc, nơi chúng được lắp ráp trở thành sản phẩm hoàn chỉnh để cuối cùng được xuất đi đến các thị trường như Mỹ chẳng hạn, ông Gareth Leather, một kinh tế gia cao cấp về châu Á tại Capital Economics, cho biết.

Các ‘sản phẩm trung gian’ bao gồm chip bán dẫn và màn hình. Những cấu phần này chủ yếu được sản xuất ở nhiều nơi ở châu Á trước khi được chuyển đến Trung Quốc để lắp ráp lại thành sản phẩm như điện thoại di động hay máy tính.

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đã lời qua tiếng lại khi đe dọa áp đặt thếu lên hàng xuất khẩu của nhau. Mặc dù danh sách cuối cùng các mặt hàng bị ảnh hưởng vẫn chưa rõ, các phân tích gia của J.P. Morgan lưu ý rằng các sản phẩm điện tử nhiều khả năng nằm trong số hàng hóa bị đánh thuế.

Điều này có nghĩa là nếu các sắc thuế khác nhau mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra có hiệu lực và dẫn đến việc sụt giảm hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, phần còn lại của châu Á có thể bị tác động trực tiếp.

"Dựa trên bản chất của những hàng hóa này, chúng có độ lệ thuộc rất cao vào các dây chuyền cung ứng được tích hợp chặt chẽ. Vì lẽ đó, việc đánh thuế sẽ làm lan truyền những xáo trộn thương mại trong khu vực,” các phân tích gia của J.P. Morgan cho biết.

Những đe dọa như thế xảy ra vào lúc mà các thị trường mới nổi, trong đó có các thị trường ở châu Á, đã lao đao vì dòng vốn rút đi và đồng tiền của họ bị suy yếu.

Cho đến cuối ngày 19/6, đồng đô la Đài Loan đã giảm vào khoảng 1,7% xuống còn 30,172 ăn một đô la Mỹ, trong khi đồng won của Hàn Quốc cũng sụt 4,2% xuống còn 1.110,89 won đổi được một đô la Mỹ trong cùng thời điểm.

Còn ở đông nam Á, tiền tệ của Singapore cũng giảm 1,5% xuống còn 1,3567 ăn một đô la Mỹ trong khi đồng baht Thái giảm nhẹ 0,6% xuống còn 32,73 baht mua được một đô la trong cùng thời điểm.

Tất cả những loại tiền tệ vừa kể đều xuống đến mức thấp nhất trong bảy tháng so với đồng đô la Mỹ giữa những căng thẳng đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng cho đến khi danh sách các mặt hàng bị đánh thuế được công bố thì khó mà định lượng được tác động thật sự lên các nền kinh tế châu Á, các chuyên gia cho biết. Thật ra, thiệt hại có thể ít hơn chúng ta nghĩ do Trung Quốc là nhà cung cấp chủ yếu của những mặt hàng mà họ bán cho Mỹ, ông Leather nói.

“Người tiêu dùng Mỹ sẽ chật vật tìm kiếm hàng hóa thay thế cho những mặt hàng mà họ hiện mua từ Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Hơn nữa, theo mức độ mà các quốc gia khác có thể lấp chỗ, các nhà xuất khẩu châu Á khác có vị trí tốt để hưởng lợi từ những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ,” ông nói.

“Cho đến khi chúng ta biết chính xác những mặt hàng nào bị đánh thuế thì không thể tính được tác động lên phần còn lại của châu Á,” ông nói thêm.

Ở Đài Loan, một hội nghị an ninh quốc gia do Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì hôm 20/6 đã thảo thuận về tranh cãi thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo kết luận của cuộc họp, Đài Loan sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp để tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tăng cao.

Hội nghị lưu ý rằng vai trò của các nhà đầu tư Đài Loan trong chuỗi cung ứng khu vực sẽ thay đổi triệt để.

Ông Tạ Quốc Lương, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách và kinh tế của Ngân hàng Trung Quốc, nói rằng sau nhiều năm trao đổi thương mại với Mỹ, nhiều nhà sản xuất ở Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong và Nhật Bản cũng như các nước Asean đã hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu chặt chẽ với các thương hiệu Mỹ.

Ông Tạ nói rằng nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng nổ, các công ty châu Á trong chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ bị tổn thương.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo nước ông sẽ áp đặt thêm 25% thuế lên hàng hóa Trung Quốc với tổng giá trị 50 tỷ đô la, bao gồm những mặt hàng như máy móc, thiết bị tự động, các thiết bị máy bay, các thiết bị công nghệ thông tin và các sản phẩm xe hơi bắt đầu từ ngày 6/7.

Để trả đũa, Trung Quốc cũng loan báo áp thuế 25% lên hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu nành và xe điện với tổng trị giá 354 tỷ đô la, cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7. Một danh sách khác các mặt hàng của Mỹ trị giá tổng cộng 16 tỷ đô la sẽ được xem xét trước khi bị đánh thuế.

Đầu tuần này, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp đặt 10% thuế lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, hành động gây xáo trộn các thị trường tài chính toàn cầu. Chẳng lâu sau khi lời đe dọa của ông Trump được đưa ra, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra phản ứng và nói rằng lời đe dọa đánh thuế thêm nữa mới nhất của ông Trump vi phạm các cuộc đàm phán và sự đồng thuận đạt được trước đó giữa Mỹ và Trung Quốc.

Từ những diễn biến mới nhất này, ông Tạ cho rằng khả năng rất cao là chiến tranh thương mại sẽ bùng nổ. Cuộc chiến tranh thương mại đó sẽ diễn tiến thế nào tùy vào việc bằng cách nào hai nước sẽ tăng cường nỗ lực gia tăng cường độ chiến tranh thương mại trong tương lai.

Một khi chiến tranh thương mại nổ ra, về ngắn hạn cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều bị thiệt hại, ông Tạ nói, trong khi các công ty trong chuỗi cung ứng cũng sẽ trở thành nạn nhân.

Theo CNA/CNBC

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG